Ba nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng khó khởi sắc

Ba nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng khó khởi sắc

Ba nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng khó khởi sắc

Trích lập dự phòng rủi ro, việc áp dụng Basel II đối với 10 ngân hàng lớn và yêu cầu tăng vốn lên là ba nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng năm 2016 khó khởi sắc.

Ba nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng khó khởi sắc

                                                   Ba nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng khó khởi sắc

Mặc dù nhiều ngân hàng đã khoe lãi cao trong năm 2015 nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng. Eximbank là một điển hình.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 cho thấy, Eximbank đã lỗ trước thuế 588 tỷ đồng, sau thuế lỗ 463 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến Eximbank lỗ trong quý này là do ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng.

Ngân hàng đau đầu với dự phòng rủi ro

BIDV cũng là một ngân hàng đau đầu với việc trích lập dự phòng rủi ro. Chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2015, nhưng BIDV cho biết năm 2015 đạt lợi nhuận trước thuế 7.036 tỷ đồng, tăng tới 16% so với năm trước.

Tuy vậy, việc trích lập dự phòng rủi ro với ngân hàng này cũng là một bài toán đau đầu, khi vào tháng 9/2015, nợ quá hạn chiếm hơn 8.600 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 2,1% tổng dư nợ cho vay. Nợ có khả năng mất vốn tăng 28% lên mức 5.371 tỷ đồng. Song do tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,26% xuống 1,93%, nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng giảm 3% xuống 3.914 tỷ đồng.

Vietcombank cũng là một ngân hàng bị ăn mòn lợi nhuận bởi trích lập dự phòng rủi ro. Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro đạt 12.705 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 6.655 tỷ đồng.

Trong năm 2015, Vietcombank đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên 8.609 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2014. Trong đó, khoản trích lập dự phòng trong năm là 5.110 tỷ đồng, xử lý các khoản nợ khó thu bằng nguồn dự phòng 3.411 tỷ đồng, và dự phòng bán nợ cho VAMC 620 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá 879 tỷ đồng.

Tổng số nợ xấu của Vietcombank tính đến cuối năm 2015 là 7.777 tỷ đồng, tăng 316 tỷ đồng so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2% tổng dư nợ cho vay, trong khi đó cuối năm 2014, tỷ lệ này ở mức 2,3%. Về cơ cấu nợ, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 58,8% lên mức 5.672 tỷ đồng, chiếm 73% tổng số nợ xấu.

CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành năm 2016.

“Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm các ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong những năm tới. Áp lực này thấp hơn ở nhóm các ngân hàng niêm yết”, BVSC nhận định.

BVSC tính toán trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng lên là do từ khi tiến hành đề án tái cấu trúc hệ thống TCTD, tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu theo báo cáo không thay đổi nhiều.

Theo tính toán của BVSC, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong những năm gần đây chiếm khoảng 24-27% nợ xấu của toàn hệ thống, nhóm ngân hàng chưa niêm yết chiếm 73-76%.

Ngoài ra, việc chính thức áp dụng Basel II từ tháng 2/2016 sẽ khiến 10 ngân hàng gặp khó trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, điều này sẽ tác động tới lợi nhuận ngân hàng. Cùng với đó, những tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc cho vay.

Basel II cũng khiến nhiều ngân hàng buộc phải đẩy mạnh tăng vốn cấp 1 và cấp 2. Điều này cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng trong hoạt động kinh doanh.

Lãi suất sẽ tăng khoảng 0,5 – 1%

BVSC dự báo trong năm 2016 mặt bằng lãi suất dự báo tăng ở mức vừa phải, khoảng 0,5 – 1%. Nguyên nhân là do lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng trong năm 2016 do giá vận chuyển sẽ khó có thể tiếp tục giảm trong năm 2016.

“Biến động tỷ giá cũng tác động tới lãi suất. Tỷ giá của VND được neo vào USD và việc FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất tại Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tăng còn phụ thuộc một phần mục tiêu điều hành tỷ giá của NHNN. Tỷ giá USD/VND sẽ tăng 3-5% trong năm 2016”, BVSC dự báo.

Theo BVSC, một yếu tố nữa tác động tới lãi suất, đó là lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng. Lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2016 được dự báo tăng do tình hình căng thẳng thu chi ngân sách. Nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ trong năm 2016 dự báo ở mức 162.000 tỷ đồng trong nước và 45.000 tỷ đồng trái phiếu quốc tế. Do đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ dự báo có thể tăng lên mức 7%.

BVSC cũng dự báo tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (tỷ lệ NIM) toàn hệ thống tăng do thị trường bất động sản được dự báo hồi phục, dư nợ bất động sản có thể tăng trưởng tốt. các khoản vay này thường có lãi suất tốt hơn lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, việc cho vay cá nhân tăng cũng trưởng tốt và có lãi suất cao hơn lĩnh vực sản xuất.

Theo đó, tỷ lệ NIM trong năm 2016 sẽ tăng lên khoảng 2,8 – 2,9%, trong khi năm 2014 chỉ đạt 2,7%, năm 2015 đạt khoảng 2,8%.

Tuy vậy, BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2016 sẽ thấp hơn năm 2015. Năm 2015, tăng trưởng tín dụng trong quý I rất tốt, khác biệt với hầu hết các năm khác. “Mức tăng này đến từ khối NHTM Nhà nước qua các khoản vay lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Điều này có thể không lặp lại trong năm 2016. Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt khoảng 16%, trong khi chỉ tiêu của NHNN là 18 – 20%”, BVSC phân tích.

( trích nhipsongkinhdoanh)

Share this post