Tiền gửi vẫn là kênh đầu tư hiệu quả

Tiền gửi vẫn là kênh đầu tư hiệu quả

Mặc dù các ngân hàng đang tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay cho khách hàng; tuy nhiên dòng vốn vẫn chảy vào ngân hàng, cho thấy tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn trong bối cảnh dịch bệnh.

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm nhẹ

Ngay đầu tháng 9, Techcombank đã đưa ra biểu lãi suất huy động tiết kiệm mới, trong đó lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng chỉ là 2,85%/năm, giảm tới 0,3 điểm phần trăm so với mức 3,15%/năm của tháng 8/2020; lãi suất huy động các kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng của ngân hàng này hiện nay cũng chỉ xoay quanh mức từ 3%-3,4%/năm.

Nhiều ngân hàng khác cũng giảm lãi suất huy động VND ở hầu hết các kỳ hạn dưới 6 tháng. Đơn cử, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng trả lãi cuối kỳ của ACB cũng chỉ là 3,8%/năm; của SCB là 3,94%/năm… Thậm chí nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng với 5 tháng cùng một mức 3,94%/năm như SCB, HDBank, MSB…

Theo quy định hiện hành của NHNN, các ngân hàng được phép trả lãi suất huy động VND với các kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa là 4,25%/năm. Tuy nhiên hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng của hầu hết các ngân hàng đều thấp hơn nhiều so với mức trần này.

Không chỉ đối với các kỳ hạn ngắn mà lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tại các ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm tương ứng. Cá biệt cũng có ngân hàng neo lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng ở mức khá cao, nhưng đều kèm theo điều kiện là số tiền gửi phải rất lớn, tới hàng trăm tỷ đồng.

Lý giải cho động thái này của các ngân hàng, giới chuyên gia cho biết, hiện thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào do tín dụng tăng chậm hơn huy động vốn và điều đó đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thêm giảm lãi suất huy động. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất cho vay đang giảm mạnh để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra cũng như để kích cầu tín dụng, các ngân hàng cũng phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động để tiết giảm chi phí vốn.

Tuy nhiên, mức giảm của lãi suất huy động vẫn không theo kịp so với lãi suất cho vay do các ngân hàng còn phải “nghe ngóng” lạm phát cũng như đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Đại diện ngân hàng HSBC tại TP.HCM nói với phóng viên, ngân hàng này luôn niêm yết mức lãi suất tiền gửi VND ở mức thấp so với mặt bằng thị trường. Tuy nhiên để có lãi suất huy động ở mức thấp, ngân hàng thường phải thuyết phục khách hàng “lãi suất tiền gửi thấp sẽ có lãi suất vay vốn thấp” sẽ hiệu quả cho hoạt động đầu tư của người nắm giữ VND.

Vốn huy động vẫn tăng trưởng khá

Thông tin hoạt động ngân hàng trung tuần tháng 8/2020 do NHNN Việt Nam thống kê có đánh giá mặt bằng lãi suất huy động vốn VND của các TCTD có xu hướng giảm. Theo đó, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7 – 4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4- 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 – 7,3%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 8/2020 huy động vốn của các TCTD trên địa bàn ước tăng 4,55% so với cuối năm ngoái; trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ là 3,68%.

Theo lãnh đạo 4 NHTM có vốn nhà nước chi phối, từ đầu năm đến nay thanh khoản của nhiều ngân hàng dồi dào. Bên cạnh đó thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giảm lãi suất hỗ trợ DN bị ảnh hưởng Covid nên các ngân hàng đã cân đối lại nguồn vốn trong kinh doanh. Theo đó, để giảm lãi suất cho vay bền vững nhất trong thời điểm này các ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào mới tạo ra mặt bằng lãi suất đầu ra thấp hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, lãi suất là “giá” của đồng vốn. Trong bối cảnh cung vốn dồi dào song cầu vốn thấp, lãi suất giảm cũng là điều hợp quy luật. Điều đáng chú ý là mặc dù lãi suất giảm, song dòng vốn chảy vào ngân hàng vẫn  tăng trưởng tích cực cho thấy tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả được nhiều người dân lựa chọn.

Trên thực tế có những thời điểm, dòng vốn chảy vào kênh tiết kiệm cũng chịu nhiều áp lực bởi các kênh đầu tư khác như trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là vàng trong thời điểm giá vàng tăng mạnh. Thế nhưng nhìn chung nguồn vốn huy động của các ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng khá. Theo các chuyên gia kinh tế, người Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm cao nên tiền gửi ngân hàng vẫn là một kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn đối với đại bộ phận dân chúng có những khoản tiền gửi nhỏ lẻ. Hơn nữa, khi dịch bệnh xảy ra hoạt động đầu tư thường có tâm lý co cụm lại và tập trung vào tiết kiệm để bảo toàn vốn. Điều này, thể hiện rõ nhất là thời gian gần đây các ngân hàng liên tục đưa ra các sản phẩm tiết kiệm tích lũy với nhiều hình thức hấp dẫn và tiện lợi thông qua phương thức trực tuyến để thu hút những nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào ngân hàng.

Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa được công bố mới đây nhận định, lãi suất tiền gửi điều chỉnh giảm ở một số ngân hàng. Trong đó lãi suất tiền gửi của nhóm các NHTM có vốn nhà nước chi phối giảm 0,3-0,4% ở các kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng; một số NHTMCP giảm lãi suất tiền gửi khoảng 0,2% ở các kỳ hạn. Mặc dù lãi suất tiền gửi ở các NHTMCP vẫn cao hơn các NHTM có vốn nhà nước chi phối, nhưng cá biệt có những NHTMCP còn giảm lãi suất tiền gửi thấp hơn NHTM nhà nước, đơn cử như ACB, Techcombank…

Nguồn: Hải Nam – Thời báo ngân hàng

Share this post