Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Bảo vệ hiệu quả người gửi tiền
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) sẽ tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN – đó là một trong những định hướng được BHTGVN đề ra khi triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Theo báo cáo được công bố, BHTGVN xác định 14 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2021. Trong đó, đáng chú ý, BHTGVN sẽ nghiên cứu, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo chỉ đạo của NHNN để BHTGVN triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ mới: Cho vay đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt. Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý để BHTGVN phát huy vai trò và sử dụng được nguồn lực tài chính hiện có nhằm hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống QTDND. Bên cạnh đó, BHTGVN xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2021, BHTGVN sẽ tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại TCTD yếu kém theo chỉ đạo của NHNN. Phối hợp chặt chẽ với NHNN trước, trong và sau quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD. Bên cạnh đó, BHTGVN tập trung triển khai đúng tiến độ, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Các mảng nghiệp vụ như cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG, kiểm tra, giám sát, tính và thu phí BHTG, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi cũng được BHTGVN cho biết sẽ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, đáp ứng các quy định của Luật BHTG và các văn bản có liên quan. Để luôn sẵn sàng triển khai chi trả đúng đủ, kịp thời trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả, BHTGVN xây dựng phương án chi trả, kế hoạch dự phòng chi trả phù hợp với từng tình huống thực tế.
Thực hiện thành công mục tiêu kép
Theo thông tin được BHTGVN công bố, tính đến ngày 31/12/2020, có tổng cộng 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 1 Ngân hàng Hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Nhìn chung, hoạt động cấp và thu hồi giấy Chứng nhận tham gia BHTG đã được BHTGVN thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các TCTD, qua đó góp phần minh bạch hóa chính sách BHTG, nâng cao vị thế của BHTGVN và niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Tính đến ngày 31/12/2020, BHTGVN đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về Kế hoạch thu phí BHTG với tổng số phí BHTG thu được trong năm 2020 là 8.322 tỷ đồng, đạt 108,7% kế hoạch, tăng 13% so với số phí BHTG thu được năm 2019. Đối với một số QTDND được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN đã thực hiện miễn nộp phí BHTG theo quy định, nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi hoạt động của các quỹ này. Đặc biệt, trong năm 2020, BHTGVN đã tích cực chia sẻ khó khăn cùng các tổ chức tham gia BHTG do ảnh hưởng của dịch Covid-19. BHTGVN đã báo cáo và kiến nghị NHNN một số nội dung nhằm sửa đổi bổ sung Luật BHTG, qua đó BHTGVN có cơ sở miễn, giảm hoãn nộp phí cho các tổ chức tham gia BHTG đang phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch hoặc các trường hợp tương tự.
Trong năm 2020, hệ thống các TCTD hoạt động ổn định, do đó, BHTGVN chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm đối với người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, BHTGVN cũng đã diễn tập vận hành mô phỏng chi trả trên phần mềm theo kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và nguồn lực tài chính để phản ứng kịp thời trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm.
Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, BHTGVN thực hiện giám sát đối với 100% tổ chức tham gia BHTG thông qua việc khai thác dữ liệu hiệu quả từ NHNN. Bên cạnh đó, BHTGVN thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức tham gia BHTG duy trì việc gửi thông tin báo cáo về tiền gửi theo quy định.
Từ những thông tin thu thập được, BHTGVN định kỳ hoàn thành báo cáo giám sát đối với hệ thống tổ chức tham gia BHTG; tăng cường, tập trung giám sát chuyên sâu đối với một số TCTD đang được kiểm soát đặc biệt để kịp thời tham mưu, đề xuất kiến nghị với NHNN có biện pháp giải quyết kịp thời, đồng bộ.
Trong năm 2020, một trong những hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN chịu ảnh hưởng nặng nề là kiểm tra tại chỗ, do phải thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19 cũng như do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Nhằm ứng phó với những diễn biến này, BHTGVN đã chủ động điều chỉnh kế hoạch kiểm tra phù hợp với tình hình thực tế.
Tính đến ngày 31/12/2020, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra đối với 383 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: Kiểm tra theo kế hoạch đối với 365 đơn vị, đạt 100% so với kế hoạch kiểm tra đã được HĐQT phê duyệt điều chỉnh và kiểm tra đối với một số QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2020, đạt 100% kế hoạch được giao. BHTGVN cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra năm 2021 để triển khai kịp thời trong thời gian tới.
Công tác đầu tư, phát triển nguồn vốn của BHTGVN cũng được thực hiện hiệu quả, an toàn. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn hoạt động của BHTGVN là 70,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2019. Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN đã đạt hơn 64 nghìn tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2019. Đây là nguồn lực tài chính đáng kể để BHTGVN có thể tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Trong mảng hoạt động tham gia tái cơ cấu các TCTD và hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG gặp vấn đề, BHTGVN đã theo dõi chặt chẽ đối với một số TCTD được kiểm soát đặc biệt, cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt và thực hiện nhiệm vụ theo quy định, xử lý các tình huống phát sinh. Đến hết năm 2020, dù chưa phát sinh hồ sơ đề nghị cho vay đặc biệt nhưng BHTGVN đã chủ động xây dựng mức vốn dự phòng phục vụ nghiệp vụ này để chủ động nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt đủ điều kiện vay vốn.
Về hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG, thông qua các phương pháp, công cụ, kênh tuyên truyền đa dạng, BHTGVN đã đưa nội dung chính sách đến với đông đảo nhiều tầng lớp công chúng, đặc biệt tập trung vào người gửi tiền tại khu vực nông thôn, người gửi tiền tại QTDND. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng truyền thông tới nhóm người gửi tiền tiềm năng là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các biện pháp tuyên truyền của BHTGVN đã có những chuyển dịch nhằm tuân thủ quy định về giãn cách xã hội, giảm tiếp xúc trực tiếp, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu tuyên truyền.
Có thể nói, năm 2020, BHTGVN đã đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao niềm tin của công chúng và góp phần bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Những kết quả đáng khích lệ ấy là tiền đề để BHTGVN hiện thực hóa những mục tiêu đề ra của năm 2021.
Nguồn: Kỳ Nam – Thời báo ngân hàng