Hướng đến chuyển đổi số quỹ tín dụng

Hướng đến chuyển đổi số quỹ tín dụng

Với 27 năm xây dựng và phát triển, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các hộ dân trên địa bàn thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu và xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ gửi tiền và vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Là một trong những đơn vị có quy mô tương đối lớn trong hệ thống quỹ tín dụng cả nước, thời điểm hiện tại, Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu có 9.500 thành viên; tổng nguồn vốn đạt 1.300 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 1.100 tỷ đồng. Quỹ luôn đổi mới điều hành, quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tín dụng và đang hướng đến chuyển đổi số để đảm bảo chính xác, tiết kiệm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Ông Đặng Thế Anh, Giám đốc Quỹ, thông tin: Từ năm 2002 đến nay, có nhiều phần mềm quản lý giúp cho hoạt động của các quỹ tín dụng thuận lợi. Chúng tôi đã đầu tư mua phần mềm đưa vào sử dụng, giúp hiệu quả nâng lên rõ rệt, như: Giải phóng được nhân lực, rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng; quản lý tài sản và nhân lực chặt chẽ, khoa học.

Hiện tại, Quỹ đang sử dụng phần mềm để phục vụ cho hoạt động, như: Huy động vốn, cho vay; quản lý tài chính, quản lý thành viên, nhân sự – tiền lương; quản lý tài sản, vật tư ấn chỉ, tài sản đảm bảo, hóa đơn điện tử và một số hoạt động quản lý khác; đồng thời, gửi báo cáo đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và các cơ quan quản lý khác. Ngoài ra, Quỹ còn xây dựng Website để đăng các thông tin, các sản phẩm dịch vụ của đơn vị đến các thành viên. Sử dụng phần mềm quản lý văn bản và ký số thuận tiện trong việc giải quyết văn bản. Quỹ đã đầu tư hệ thống máy chủ và hệ thống tự động backup dữ liệu đảm bảo hoạt động liên tục, an toàn.

Phụ trách Phòng giao dịch tại xã Tân Lập, ông Trinh Quý Quyền, cho hay: Trước đây, phần mềm và hệ thống mạng của Quỹ chưa phát triển, việc thực hiện các nghiệp vụ và giao dịch với khách hàng còn phải làm thủ công, mất nhiều thời gian. Hiện nay, việc thực hiện các nghiệp vụ giữa các phòng giao dịch với trụ sở chính được thực hiện online, tự động thông qua hệ thống mạng rất tiện lợi, giảm thời gian và chi phí quản lý.

Tham gia thành viên Quỹ Tín dụng từ năm 2007, ông Trần Văn Sơn, tiểu khu Khí tượng, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chia sẻ: Quỹ đã có nhiều đổi mới sản phẩm dịch vụ thuận tiện cho khách hàng. Quỹ nhận tiền gửi ngay tại nhà, giải quyết thủ tục nhanh chóng, đáp ứng vốn kịp thời cho khách hàng đúng với phương châm “Một lần đến vay, nhận ngay tiền về”. Quỹ có các sản phẩm dịch vụ hiện đại, như: Tự động gửi SMS thông báo biến động về số dư tiền gửi, tiền vay đến khách hàng; liên kết với các ngân hàng thương mại để chuyển tiền nhanh trong nước giúp khách hàng không phải cầm tiền mặt đi giao dịch, đảm bảo an toàn, chính xác, tránh rủi ro.

Bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số, thời gian tới, Quỹ đang tiếp tục cải tiến phần mềm đáp ứng yêu cầu xử lý nghiệp vụ; đảm bảo tự động tính toán và đưa ra các sổ sách, báo cáo kế toán, phân tích hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay; báo cáo bằng file điện tử theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; nâng cao khả năng khai báo, phân tích, thống kê phục vụ cho công tác lập kế hoạch, hoạch định phương hướng trong hoạt động kinh doanh…

Tuy nhiên, ông Đặng Thế Anh, Giám đốc Quỹ, băn khoăn: Theo quy định hiện tại, các quỹ tín dụng chưa được phép mở tài khoản thanh toán và chưa được tham gia vào hệ thống thanh toán chuyển tiền. Quỹ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép những quỹ tín dụng có điều kiện về cơ sở vật chất, khả năng quản lý và khả năng tài chính được phép mở tài khoản thanh toán cho thành viên và khách hàng để thực hiện các dịch vụ ngân hàng điện tử. Bên cạnh đó, hỗ trợ và cho phép các quỹ tín dụng được kết nối công nghệ trực tiếp với các ngân hàng hợp tác xã, hoặc các ngân hàng thương mại khác để thực hiện tự động các dịch vụ ngân hàng; hướng dẫn cụ thể và áp dụng phù hợp về an toàn thông tin đối với quỹ tín dụng.

Xu thế chuyển đổi số là tất yếu. Những tháo gỡ trong quy định của các cấp, các ngành chức năng, có thẩm quyền sẽ “mở rào” cho Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu cũng như hệ thống quỹ tín dụng bắt nhịp chuyển đổi số, phát huy vai trò mô hình kinh tế tập thể trong thời đại công nghệ số, góp phần vào chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng nhu cầu xã hội số.

Nguồn: Phạm Đức – Báo Sơn Lan

Share this post