Áp lực mới
2015 là năm cuối cùng để hoàn thành Đề án tái cơ cấu các NHTM, nhiều giải pháp đã được NHNN triển khai quyết liệt, trong đó đẩy mạnh sáp nhập NH nhỏ với NH lớn, mua lại các NH yếu kém với giá 0 đồng…
Cụ thể, 3 NH được mua lại bắt buộc và chuyển đổi mô hình đã có vốn điều lệ đáp ứng được quy định, như NH TNHH MTV Xây dựng (CBBank) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, GPBank với mức vốn 3.018 tỷ đồng và Oceanbank có vốn 4.000 tỷ đồng. Hiện hệ thống có 34 NHTM, trong đó 9 NH có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng, 9 NH có vốn điều lệ từ 5.000-10.000 tỷ đồng và 16 NH có vốn dưới 5.000 tỷ đồng.
Song song đó, sau sáp nhập với các NH yếu kém, vốn điều lệ của nhiều NH cũng tăng mạnh, như Sacombank sau khi sáp nhập Southernbank vốn điều lệ tăng lên 18.853 tỷ đồng; VietinBank sau khi sáp nhập PGBank tăng lên 40.234 tỷ đồng và mục tiêu sắp tới là 49.975 tỷ đồng; vốn điều lệ của BIDV tăng thêm 3.062 tỷ đồng sau khi sáp nhập MHB, đạt mức 31.481 tỷ đồng; MaritimeBank đạt 11.750 tỷ đồng sau khi sáp nhập với Mekong Bank…
Nhiều NH khác cũng đã tăng vốn thành công như MB đã tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng; VPBank tăng từ 6.348 tỷ đồng cuối năm 2014 lên 8.056 tỷ đồng cuối quý II-2015; BacABank tăng vốn lên 4.400 tỷ đồng.
Hiện NHNN cũng đã chấp thuận tăng vốn điều lệ cho một số NH như SHB được chấp thuận tăng vốn lên 9.486 tỷ đồng; VPBank từ 8.056 tỷ đồng lên 9.181 tỷ đồng, BacABank từ 4.400 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng; OCB tăng vốn điều lệ từ 3.547 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng…
Không dừng lại ở đó, các NH đang thể hiện rõ mong muốn mở rộng quy mô vốn điều lệ, như VietinBank đưa ra mục tiêu tăng vốn điều lệ đạt 49.000 tỷ đồng trong năm 2015; SHB với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.486 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của NHNN, trong tháng 9-2015, mức vốn điều lệ của các TCTD đã tăng 7.261 tỷ đồng, trong đó các NHTMCP tăng 4.406 tỷ đồng, NHTM nhà nước tăng 2.755 tỷ đồng.
Theo lộ trình áp dụng các chuẩn mực vốn Basel II của NHNN, dự kiến tháng 2-2016, 10 NHTM đã được lựa chọn sẽ áp dụng thí điểm để tiến tới những chuẩn mực quản trị và an toàn hoạt động của NH hiện đại trên thế giới. Đến cuối năm 2018, các NH này sẽ phải đáp ứng tuân thủ các chuẩn mực vốn Basel II theo phương pháp nâng cao, và sau đó NHNN sẽ triển khai áp dụng cho toàn hệ thống.
Trong báo cáo triển vọng ngành NH năm 2016 vừa công bố, CTCP Chứng khoán Bảo Việt nhận định, việc áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NH giảm, yêu cầu vốn tăng lên. Bởi ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những NH có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện CAR. Hiện nay, các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng Basel II và Basel III, tỷ lệ an toàn vốn của Việt Nam (theo Basel I) vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, việc tăng CAR thêm 1%, tương đương với việc phải tăng vốn điều lệ thêm 8-10%, sẽ là áp lực mới đối với các NHTM.
Cần yếu tố bền vững
Để tăng vốn, nhiều NH đã lên phương án tìm cổ đông, nhà đầu tư chiến lược để bán số lượng lớn cổ phiếu với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ mới, cộng với nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu cao nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Trong khi đó, việc chào bán cổ phần riêng lẻ hiện cũng không hỗ trợ được kế hoạch tăng vốn, vì hiện giá cổ phiếu NH rất thấp nên nhà đầu tư không mặn mà.
Điển hình trong quý III-2015, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thông báo bán đấu giá 26.660 cổ phần tại OCB với giá khởi điểm 4.900 đồng/cổ phiếu và 24.662 cổ phần SCB với giá khởi điểm 4.100 đồng/cổ phiếu, nhưng không nhà đầu tư nào đăng ký tham gia.
Vì vậy, các NH đang triển khai thêm nhiều giải pháp để tăng vốn, như VietinBank sử dụng thêm nguồn thặng dư vốn cổ phần hiện có để tăng vốn, đồng thời phát hành thêm 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp trên thị trường có thời hạn 5-10 năm và sáp nhập PGBank để đạt được mức vốn điều lệ 49.000 tỷ đồng. SHB công bố kế hoạch tăng vốn lên 10.486 tỷ đồng bằng cách tiếp tục phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của CTCP Vinaconex Viettel trong giao dịch sáp nhập.
Mới đây, VPBank có công văn xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ đợt 1 năm 2016 bằng việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho nhà đầu tư. Phương án này đã được NHNN chấp thuận và đang chờ chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Dự kiến cuối tháng 1-2016, vốn điều lệ của NH này sẽ đạt 9.181 tỷ đồng.
Với việc thực hiện phương án phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức 2015, phần còn lại chưa thực hiện do một số nhà đầu tư đăng ký nhưng chưa nộp đủ tiền mua cổ phần hoặc thời gian nộp tiền muộn… không phù hợp dự kiến, nên VPBank đã kết thúc đợt phát hành giai đoạn 1. Đến nay, việc phát hành giai đoạn 1 đã qua 6 tháng, NH này chuẩn bị khởi động việc triển khai giai đoạn 2. Tuy nhiên, do số lượng nhà đầu tư bày tỏ quan tâm mua cổ phần ưu đãi cổ tức nhiều hơn số cổ phần còn lại trong kế hoạch cũ, cùng với nhu cầu vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh, VPBank đang xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phần ưu đãi lần 2 để tăng vốn điều lệ, với số cổ phần dự kiến 100 triệu, tương ứng 1.000 tỷ đồng.
( trích cafef)