Cho vay mua nhà trên giấy: Ngân hàng muốn “túm kẻ có tóc”
Cho vay mua nhà trên giấy: Ngân hàng muốn “túm kẻ có tóc”
Nhiều người muốn vay tiền mua nhà bị ngân hàng từ chối cho vay, nhận thế chấp bằng nhà ở hình thành trong tương lai. Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã lên tiếng giải thích là do “hiểu văn bản chưa đúng, hiểu một chiều”. Vậy điều gì khiến ngân hàng e ngại cho vay nhận thế chấp tài sản “trên giấy”?
Vừa qua, Ngân hàng BIDV, TienphongBank bất ngờ tạm dừng cho vay đối với khách hàng vay mua nhà và thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai (thường gọi là nhà trên giấy, chưa có sổ đỏ).
Trong khi đó, hoạt động cho vay nhận đảm bảo bằng nhà trên giấy vẫn được chấp nhận, giải ngân bình thường ở nhiều ngân hàng khác. Điều này đã gây hoang mang, lo lắng cho nhiều người có nhu cầu vay mua nhà mà tài chính eo hẹp, không có tài sản…
Lỗi tại… văn bản?
Một số người dân cho biết, họ có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua nhà với lãi suất ưu đãi từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ. “Điều kiện để được mua nhà ở xã hội, vay vốn của gói này thực tế rất khó khăn, ngặt nghèo, nay lại thêm việc ngân hàng tạm dừng cho vay nhận tài sản hình thành ở tương lai. Tôi chưa biết xoay sở tài chính như thế nào để đóng tiền mua nhà cho chủ đầu tư”- Chị Nguyễn Thị Ngọc (Mễ Trì, Hà Nội) – khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Đồng Mô- bày tỏ lo lắng, khi bị ngân hàng BIDV từ chối phê duyệt hồ sơ.
Lý do là “chờ văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai” sau khi BIDV chỉ đạo các chi nhánh ngừng nhận thế chấp nhà chưa có sổ đỏ từ ngày 10/12/2015.
Theo khách hàng này, nhân viên tín dụng hướng dẫn đưa tài sản thế chấp khác, đã có sổ đỏ thì hồ sơ mới được phê duyệt cho vay. Còn hồ sơ chỉ có tài sản hình thành trong tương lai thì tạm thời “gác lại, chờ hướng dẫn”…
Cuối tháng 12/2015, Ngân hàng Tienphongbank cũng tạm dừng cho vay một tuần để rà soát thủ tục cho vay theo Nghị định 99 về giao dịch đảm bảo đối với tài sản hình thành trong tương lai, sau đó đã cho vay trở lại bình thường.
Việc các ngân hàng tạm dừng cho vay khiến nhiều người mua nhà lo lắng, phải tìm phương án xoay sở vốn từ người thân, vay ngoài hoặc tạm dừng mua nhà, chờ thông tin rõ ràng hơn.
Ông Đặng Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN, vừa lên tiếng giải thích: Một số ngân hàng từ chối nhận tài sản hình thành trong tương lai là do hiểu không đúng văn bản. Vì đây là tài sản của người mua nhà, được quyền thế chấp vay vốn.
“Vướng mắc đó là do hiểu văn bản chưa đúng, hiểu văn bản chỉ một chiều. Vì thế, sắp tới NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn và giải thích rõ để chính các ngân hàng và người mua nhà đều hiểu rõ hơn, nhằm tạo thuận lợi cho các thủ tục mua nhà”- Ông Đông khẳng định.
Hiện, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất vay ưu đãi là 5%/năm vẫn được triển khai bình thường, nhận tài sản nhà ở trong tương lai. Thời gian qua, các ngân hàng đã giải ngân lượng vốn lớn từ gói này, nhằm hỗ trợ vốn cho nhiều người thu nhập thấp mua được nhà ở giá rẻ.
Khó cấp bảo lãnh
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, thời gian qua, nhiều khách hàng cũng bị ngân hàng từ chối xét duyệt cho vay đối với tài sản nhà ở trong tương lai ở dạng Hợp đồng mua bán (đã chuyển nhượng lại hợp đồng).
Trên thực tế, một dự án nhà ở từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành, người mua nhà đã chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhiều lần, qua nhiều chủ nhà… Việc mua bán nhà trên giấy này diễn ra rất phổ biến khi nhiều chủ dự án huy động vốn “chui” khi chưa đủ điều kiện bán nhà…
Sau đợt thanh tra, việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán bị siết chặt, không cho thay tên người mua trên hợp đồng, dẫn tới người mua khó vay vốn ngân hàng.
Nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết họ rất ngại nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng mua nhà dạng “nhận chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán”, tức không phải chính chủ hợp đồng. Họ có thể viện nhiều lý do để từ chối cho vay như: tài sản nhà ở trong tương lai chưa có sổ đỏ, chưa đủ điều kiện thế chấp.
Vì trách nhiệm với khoản nợ vay liên quan đến người đứng tên trên hợp đồng mua bán nhà, nhưng họ đã chuyển nhượng tài sản cho người khác… nên thủ tục phức tạp hơn. Ở một vài dự án, khách hàng chỉ có thể vay vốn từ ngân hàng tài trợ vốn cho chủ đầu tư dự án.
Từ ngày 12/8/2015, các ngân hàng thực hiện việc cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 56, Luật kinh doanh Bất động sản). Từ đây, việc giao dịch nhận tài sản trên giấy lại nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn cho ngân hàng và người vay vốn.
Một điểm vướng mắc nằm ở nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng trong việc trả lại tiền cho người mua nếu chủ dự án vi phạm tiến độ bàn giao nhà.
Khi chủ đầu tư đã có bảo lãnh ngân hàng mới được phép bán nhà, nhưng ngân hàng khó xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo lãnh nếu chưa có hợp đồng mua bán cụ thể, như: về giá trị mua bán, hạn mức bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh…
Nếu hợp đồng chuyển nhượng qua nhiều chủ thì càng khó khăn hơn cho ngân hàng khi muốn “túm người có tóc” để thu hồi nợ vay, nợ xấu sau này.
( trích thoibaokinhdoanh)