Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Đảm bảo nhanh, an toàn và bền vững

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Đảm bảo nhanh, an toàn và bền vững

Theo ông Trần Quang Hưng – Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), dòng tiền là nền móng của nền kinh tế số, chính vì vậy, ngành tài chính – ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh, an toàn và bền vững trong ngành Ngân hàng là một trong những mục tiêu tiên quyết hướng tới nền kinh tế số trong tương lai.

Ngân hàng đã nhập cuộc mạnh mẽ

Trao đổi tại Hội thảo “Hành trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng trước những thách thức thế hệ mới”, ông Đỗ Danh Thanh – Giám đốc Tư vấn Công nghệ thuộc Công ty TNHH Tư vấn PWC cho biết: Số liệu thống kê cho thấy 94% ngân hàng Việt Nam đã đầu tư vào chuyển đổi số, 40% ngân hàng đã đưa chuyển đổi số thành tầm nhìn chiến lược trong 5-10 năm tới.

Kết quả nghiên cứu mới đây về kỳ vọng lợi ích từ chuyển đổi số trong 3-5 năm tới cũng cho thấy, 88% các TCTD lựa chọn triển khai số hoá dần các kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ; 19% TCTD đã hoặc có kế hoạch thiết lập thương hiệu và 6% TCTD đã tiến hành số hoá kênh giao tiếp khách hàng. Đồng thời, 70% TCTD cho biết đã sẵn sàng triển khai số hoá với các công nghệ Open, API, Data analytic, ISO 20022, Mobile… Điều này cho thấy các ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng và đang nhập cuộc với cuộc chơi chuyển đổi số một cách tích cực.

Theo ông Thanh, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cùng với kỳ vọng của khách hàng đang thay đổi chính là nguyên nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, đến năm 2025, sẽ có một thế hệ “khách hàng số” chi phối thị trường, tệp khách hàng này có những mong muốn và kỳ vọng cao hơn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Đồng thời, với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ, họ hoàn toàn có thể dễ dàng so sánh độ tiện lợi của dịch vụ giữa các ngân hàng, chi phí hợp lý hơn. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ phải chuyển đổi từ việc lấy sản phẩm làm trung tâm, sang lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, trong đó có các ngân hàng. Dự báo dân số đến năm 2030 là 106 triệu người, tỷ lệ chi tiêu của khách hàng sẽ tăng lên, cùng với đó là sự tăng trưởng trong tầng lớp trung lưu. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, số lượng người dùng điện thoại thông minh gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng được phân phối qua các kênh di động.

Đồng thời, một trong những yếu tố quan trọng là hành lang pháp lý phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của ngân hàng cũng đang dần được hoàn thiện, các cơ quan quản lý của Việt Nam đang khởi xướng và thúc đẩy chương trình số hóa ngành dịch vụ tài chính.

“Với những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô, thị trường ngân hàng đang phát triển, chúng tôi thấy nhiều cơ hội tiềm năng cho quá trình chuyển đổi số ngân hàng”, đại diện PWC nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thanh – chuyên gia tư vấn giải pháp Công ty Fortinet, các ngân hàng tại Việt Nam đã cho thấy sự dịch chuyển ngày càng mạnh mẽ bằng một loạt sản phẩm, dịch vụ mới, tiện lợi và hiện đại hơn. Tuy nhiên các ngân hàng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của cuộc chơi, tức là số hóa giấy tờ, công cụ làm việc, sản phẩm hiện tại. “Nhu cầu của khách hàng ngày càng cao hơn, và trên cuộc đua chuyển đổi số, ai nhanh chân hơn, chinh phục khách hàng nhanh hơn thì người đó sẽ giành chiến thắng”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chọn tiện lợi hay an toàn?

Theo ông Trần Quang Hưng – Giám đốc NCSC, trong quá trình chuyển đổi số, ngân hàng bắt buộc phải khiến cho hệ thống ngày càng tiện lợi, tạo ra giá trị cho khách hàng nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho các cá nhân, tổ chức.

Ông Hưng đánh giá, tài chính – ngân hàng là lĩnh vực quan tâm nhiều nhất đến vấn đề an toàn, an ninh mạng, và cũng là ngành đầu tư nhiều nguồn lực nhất cho vấn đề phần bảo mật và an toàn thông tin. Tuy nhiên, trước sự phát triển ngày càng tinh vi và phức tạp của các loại tội phạm công nghệ, cuộc chiến bảo mật, an toàn thông tin không còn là cuộc chiến giữa con người và máy móc, mà là cuộc chiến giữa con người và con người. Theo ông Hưng, đây chính là một trong những thách thức mà ngân hàng gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.

Theo ông Trần Quang Hưng, các ngân hàng cần phải tăng tốc đối phó với các loại tội phạm công nghệ cao. Trước đây, các ngân hàng chỉ nghĩ đến việc đảm bảo sự an toàn của hệ thống, cũng chính là bảo vệ khách hàng. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng đã xuất hiện theo nhiều vấn đề khác. Đơn cử như sự xuất hiện của nhiều trang web giả mạo, cổng trung gian thanh toán giả mạo… với những kiểu lừa đảo đó, không đơn giản chỉ là việc sử dụng công nghệ.

“Chúng ta phải đi cả hai chân, chân thứ nhất là tiếp tục quan sát, bảo vệ hệ thống, phát hiện những hành vi bất thường trong hệ thống và thứ hai là việc tuyên truyền rộng hơn cho người dân có thể nắm bắt được những hình thức lừa đảo. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ tài sản của khách hàng”. ông Hưng cho biết.

Đặc biệt, Giám đốc NCSC cũng nhấn mạnh, trong thế giới số, không có ai an toàn một mình, chính vì vậy, các ngân hàng nên hình thành mạng lưới chia sẻ thông tin. Làm sao để đảm bảo dữ liệu của mỗi ngân hàng không bị lộ nhưng vẫn có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với nhau. Tận dụng kiến thức, kinh nghiệm của nhiều bên để có thể cùng tiến xa trên con đường chuyển đổi số.

Diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense

Trong khuôn khổ Hội thảo và Triển lãm Banking Tech Việt Nam 2020, NCSC phối hợp với Tập đoàn IEC (IEC Group) đã tiến hành tổ chức hoạt động “Diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense”.

Hoạt động diễn tập mang ý nghĩa tăng cường về năng lực tổ chức ứng phó. Đồng thời đảm bảo việc phát hiện sớm các nguy cơ và bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Kết quả Diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng: Đội thi đến từ Techcombank đã xuất sắc về nhất với 1.374 điểm. Về nhì là Vietcombank với 1.000 điểm; xếp thứ ba là Công ty chứng khoán VPS với 975 điểm. Đồng giải khuyến khích thuộc về VIB và MBbank.

Nguồn: Quỳnh Trang – Thời báo ngân hàng

Share this post