Có nên ‘thả phanh’ tín dụng?

Có nên ‘thả phanh’ tín dụng?

Có nên ‘thả phanh’ tín dụng?

Năm 2015, tín dụng của hệ thống ngân hàng lấy lại đà tăng trưởng cao tới gần 17,3%. Ở từng ngân hàng, có nhiều chi nhánh ghi nhận mức tăng tín dụng đáng kinh ngạc lên tới 100%, thậm chí 267%.…

Ngay từ những ngày đầu năm 2016, các ngân hàng đã rốt ráo, phân bổ cho toàn hệ thống chi nhánh về chỉ tiêu kinh doanh từng quý, cả năm trên cơ sở kế hoạch tổng thể. Các chỉ tiêu về tín dụng, huy động vốn, lợi nhuận, nợ xấu… được giao khoán cụ thể theo khả năng hoàn thành của từng chi nhánh.

Tín dụng tăng “thần tốc”

Trao đổi với PV, giám đốc một chi nhánh lớn của Ngân hàng Vietcombank cho biết, năm 2015 vừa qua, chỉ tiêu tín dụng đã tăng trưởng “thần tốc” nhờ đẩy mạnh cho vay vào các lĩnh vực như bất động sản, xăng dầu, bán lẻ, tiêu dùng… Tỷ trọng cho vay được phân bổ hợp lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu.

“Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản đúng là có tăng trưởng khá, song vẫn chủ yếu là thực hiện giải ngân từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, việc giải ngân cho vay mua nhà ở thương mại cũng tốt hơn, cho vay tiêu dùng, bán lẻ được đẩy mạnh hơn…”- Vị giám đốc chi nhánh lớn của Vietcombank chia sẻ.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, ngân hàng chịu áp lực giao khoán chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng rất cao, cỡ vài nghìn tỷ đồng, nhưng không vì thế mà cho vay “hào phóng”, đổ vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, vàng… Thậm chí, chi nhánh này đã “nói không” với chứng khoán.

“Vừa qua, có nhiều dự án bất động sản cần vay vốn, nhưng chúng tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng cho vay, vì xét cơ cấu, chỉ cần cho vay vài doanh nghiệp lớn, có uy tín là đã đảm bảo đủ thị phần rồi mà an toàn hơn”. Được biết, năm 2015, nhiều chi nhánh lớn của Vietcombank có sự tăng trưởng tín dụng đáng kinh ngạc, nhờ vậy đã “gánh” đỡ cho chi nhánh bị thiếu hụt chỉ tiêu. Đơn cử, chi nhánh Vietcombank Ba Đình đạt mức tăng trưởng tín dụng tới 267%, quy mô dư nợ khoảng 4.625 tỷ đồng. Huy động vốn cũng tăng mạnh tới 129%, lên tới 6.400 tỷ đồng.

Chi nhánh Vietcombank Thăng Long cũng có tăng trưởng ròng tín dụng tới 65% (nếu loại trừ các khoản xử lý công nợ, rủi ro thì tăng tới hơn 80%). Một chi nhánh lớn là Vietcombank Hoàn Kiếm cũng có mức tăng tín dụng hơn 70%… Tính chung năm 2015, Vietcombank lấy lại đà tăng tín dụng cao ở mức 21,9%, đạt dư nợ 395.054 tỷ đồng (gồm trái phiếu doanh nghiệp) và cải thiện lợi nhuận lên mức 6.828 tỷ đồng. Năm 2016, Vietcombank cũng không ngần ngại công bố mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao, lên tới 17-18%, nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận tăng tối thiểu 10%.

Trong cuộc đua tín dụng sôi động năm qua, Ngân hàng Vietinbank cũng không kém cạnh khi tăng dư nợ tín dụng tới 24,2%, đạt 674.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay nền kinh tế đạt 537.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm 2015. Theo định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, Vietinbank đã đẩy mạnh “bơm” vốn vào lĩnh vực bán lẻ với dư nợ tăng trưởng 51% so với năm 2014, và nâng tỷ trọng cho vay bán lẻ từ 18,1% lên mức 22,4% tổng dư nợ trong năm qua

Năm 2016, NHNN dự kiến sẽ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng trưởng từ 18-20%

    Năm 2016, NHNN dự kiến sẽ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng trưởng từ 18-20%

Năm 2016: Vốn chảy vào đâu?

Đến giữa tháng 2/2016, hơn chục ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với chỉ tiêu tín dụng tăng trưởng trên hai con số. Ở một số ngân hàng, tín dụng tăng trưởng đột biến, như Ngân hàng Techcombank tăng trưởng dư nợ cho vay lên tới 38,7%, tương ứng 11.625 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng dư nợ cho vay khách hàng thì tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2014. Phía Techcombank cho biết, ngân hàng đẩy mạnh phát triển đối tượng khách hàng theo những phân khúc mục tiêu, đặc biệt là khách hàng có thu nhập khá trở lên và các doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng các giải pháp tài chính đa dạng.

Được biết, thời gian qua, Techcombank là nhà tài trợ vốn cho nhiều tập đoàn, công ty đầu tư bất động sản lớn với các dự án quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng. Không chỉ cho vay xây dựng dự án, mà Techcombank còn mở rộng cho vay đối với người mua nhà dự án, tăng thanh khoản dòng tiền, đảm bảo thu nợ. Bất động sản, xây dựng, xăng dầu, bán lẻ, xuất nhập khẩu… hiện là những mảng cho vay “béo bở” mà nhiều ngân hàng dồi dào vốn đang cạnh tranh quyết liệt thị phần như Sacombank, Eximbank, Maritimebank, PVcombank, SeABank, SHB, Quân Đội…

Để mở rộng quy mô tín dụng nhanh chóng, một mảng hút vốn ngân hàng rất lớn là trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn 2014-2015, hệ thống ngân hàng là một trong các đối tượng đầu tư trái phiếu Chính phủ lớn nhất và cũng thu về hàng chục tỷ đồng lợi tức mỗi năm. Với trái phiếu doanh nghiệp, năm qua, Vietinbank đã tăng vốn đầu tư vào trái phiếu tới 30%… Với chủ trương cần đẩy mạnh huy động vốn qua kênh trái phiếu Chính phủ, năm 2016, các ngân hàng sẽ tiếp tục tham gia thị trường này song cuộc chơi trái phiếu Chính phủ đòi hỏi các nhà băng trường vốn.

Năm 2016, NHNN dự kiến sẽ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng trưởng từ 18-20%, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng tới 17,29% năm trước. Sau 3 năm siết chặt tín dụng để tập trung tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, đến giờ, việc nới tín dụng ở mức trên hai con số rất cần phải làm thận trọng, gắn chặt với kiểm soát rủi ro nợ xấu. Việc “thả phanh” tín dụng tăng tới 30-40% đã làm mất an toàn tài chính, gây hệ lụy xấu cho nền kinh tế vẫn là bài học nhãn tiền.

( trích vietbao.vn)

Share this post