Cuộc đua ngân hàng số
Được coi là trọng tâm phát triển của các nhà băng trong giai đoạn mới, dịch vụ ngân hàng điện tử chứng kiến cuộc đua hấp dẫn trong vòng một năm qua, với không ít những ý tưởng đột phá.
Giải thưởng My Ebank 2014 do VnExpress tổ chức, với sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước và cố vấn chuyên môn của Công ty cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam, đồng thời mở ra một cuộc đua mới trong ngành ngân hàng trong suốt một năm qua.
Báo cáo được công bố gần đây của Công ty kiểm toán độc lập Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) cho rằng, từ khái niệm Internet Banking được nhắc đến từ 5 năm trước, ngân hàng điện tử gần đây thực sự trở thành tâm điểm phát triển của mọi nhà băng. Xu hướng này theo EY dự báo còn mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trên thực tế, chỉ trong 12 tháng qua, các nhà băng Việt Nam đã không ngừng làm mới và thay đổi diện mạo, tính năng ngân hàng điện tử của mình.
Cụ thể dịch vụ Ngân hàng điện tử – Internet Banking vừa được bổ sung nhiều tính năng, tiện ích mới, như chuyển tiền đến thẻ Visa, chuyển tiền – nhận bằng di động, nạp tiền điện thoại hoặc thẻ trả trước, thanh toán hóa đơn tự động bằng thẻ tín dụng… Với tính năng chuyển tiền đến thẻ Visa, người dùng không cần nhớ tên ngân hàng nhận, không cần tên người nhận, chỉ cần có số thẻ là có thể chuyển tiền. Đặc biệt, hệ thống sẽ thông báo tức thì khi khách hàng nhập không đúng số thẻ Visa.Nhận danh hiệu My Ebank – Ngân hàng điện tử được yêu thích tại Việt Nam năm ngoái, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục có những cải tiến đối với dịch vụ ngân hàng điện tử của mình, với mục tiêu duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, trong tháng 12 tới, Sacombank sẽ tiếp tục triển khai thêm các chức năng mua thẻ trả trước phi vật lý, nạp tiền chứng khoán, mở tiền gửi tương lai trực tuyến (hoạch định chi tiết số tiền trong tương lai mà khách hàng cần có) gắn kết trực tiếp với chức năng thiết lập mục tiêu tài chính cá nhân…
Không chỉ cung cấp những dịch vụ chuyển tiền, hỗ trợ thanh toán cho người dùng qua Internet hay Mobile Banking mà các ngân hàng còn thay đổi tư duy khi đẩy mạnh khái niệm “chi nhánh ngân hàng điện tử” và phát triển kênh Live Chat (tư vấn trực tuyến) nhằm hỗ trợ cho khách hàng.
Xác định Mobile Banking là chiến lược phát triển của ngân hàng bán lẻ, trong khi tiếp tục duy trì tầm quan trọng của Internet Banking, trong năm 2015, Ngân hàng VietinBank cũng đầu tư mạnh vào việc phát triển các tính năng mới trên Mobile Banking. Sau khi triển khai phương thức xác thực giao dịch ebank qua thẻ RSA, đáp ứng nhu cầu giao dịch hạn mức cao của khách hàng cá nhân VIP, nhà băng này trở thành đơn vị đầu tiên triển khai thành công dịch vụ thanh toán qua QR code (QR payment) trên mobile. Trong tháng 12 tới, VietinBank cho biết sẽ triển khai dịch vụ chuyển tiền qua số điện thoại di động, cho phép khách hàng chuyển tiền cho người nhận không có tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, kênh tư vấn và bán hàng trực tuyến Live Chat trên website và Mobile Banking cũng sẽ được hỗ trợ từ đầu năm 2016.
Bên cạnh các tính năng mới, ngân hàng cũng liên tục bổ sung, cải tiến các tính năng dịch vụ thanh toán hóa đơn trên iPay, như thanh toán vé tàu Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR). Công cụ này hiện cho phép khách thanh toán hóa đơn đa dịch vụ từ điện, nước, cáp truyền hình, vé máy may, vé tàu đến cước di động trả trước, trả sau, cố định, ADSL… Trong đó, các công ty điện lực đã phủ rộng trên toàn quốc, trong khi việc thanh toán vé máy bay đáp ứng cho 4 hãng nội địa và 27 hãng hàng không quốc tế.
Không chỉ vậy, lãnh đạo Vietcombank cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp hơn nữa các ứng dụng mobile, internet banking và các sản phẩm, nhằm thực hiện chiến lược trở thành ngân hàng số một về bán lẻ từ nay đến năm 2020, chứ không chỉ dẫn đầu về bán buôn như hiện nay.Ở các nhà băng khác, thay vì chỉ đầu tư cho giao diện Internet Banking, Mobile Banking trên trình duyệt, hiện hầu hết các đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng trên các App (ứng dụng) di động, với giao diện ngày một thân thiện hơn. Như Vietcombank, ngân hàng vừa ra mắt phiên bản 2 Mobile Banking với nhiều tính năng ấn tượng như cho phép người dùng tạo và lưu danh bạ người thụ hưởng. Khách hãng cũng có thể dễ dàng tra cứu các thông tin số dư hiện tại, lịch sử giao dịch của tất cả các tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi thanh toán, tài khoản vay, thẻ tín dụng trên điện thoại di động.
Với TPBank, trong năm 2015, nhà băng này cũng giới thiệu tài khoản Easy Link và Ebank phiên bản mới, cho phép kết nối tất cả các tài khoản thanh toán, tiết kiệm và tín dụng mà khách hàng có để điều chuyển linh hoạt các hạn mức ứng, vay trả một cách tiện lợi và thông minh. Do vậy, thay vì quản lý nhiều tài khoản với những số dư khác nhau, người dùng khi đăng ký EasyLink trên TPBank Ebank chỉ cần thực hiện giao dịch trên duy nhất một tài khoản. Giao diện của ứng dụng cũng thuận tiện và đồng nhất trên mọi thiết bị, mang lại tính năng phong phú và khả năng cá nhân hóa.
Trước đó, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) từng là đơn vị tiên phong ra mắt tính năng Live Chat trên website và Facebook vào tháng 7 năm ngoái, song đến nay, đây đã là một kênh tư vấn và bán hàng của hầu hết các nhà băng.
Gần đây, nhiều ngân hàng còn tự tạo trang web riêng cho mình để thành lập kênh giới thiệu sản phẩm và tư vấn tài chính. Trong xu hướng này, có ngân hàng lựa chọn việc triển khai trực tiếp tại tên miền của trang web chính thức của mình. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng chọn cách tạo ra tên miền mới, chẳng hạn như Ngân hàng Bản Việt với tên miền lamchutaichinh.
Điểm lợi của hệ thống tương tác trực tuyến kiểu này là có thể mang thông tin đến cho nhiều người cùng lúc hơn, ở bất kì đâu, bất kì thời điểm nào và phụ thuộc vào người tiêu dùng. Bằng cách này, ngân hàng cũng có thể tiết kiệm chi phí tư vấn hơn là những hệ thống tương tác hỏi đáp những câu đơn giản và đơn lẻ thông qua tư vấn viên tại tổng đài, quầy giao dịch hay trên trình duyệt của trang web.
Ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế – VIB cho rằng, khi hỏi các lãnh đạo ngân hàng yếu tố nào là quan trọng nhất trong việc tạo lợi thế cạnh tranh thì hầu hết đều đưa ra chung một câu trả lời là công nghệ, sau đó mới là dịch vụ khách hàng. “Thị trường bán lẻ có nhiều phân khúc khách hàng khác nhau nên đòi hỏi ngân hàng phải có sự đầu tư công nghệ để cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng”, ông chia sẻ.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank nhìn nhận, việc đưa ra các giải pháp tài chính công nghệ là con đường giúp các ngân hàng Việt Nam ngang hàng với các nhà băng thế giới trong xu hướng ngân hàng công nghệ hiện nay. Đây cũng là lý do đơn vị này theo đuổi định hướng trở thành Digital Banking – Ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV cũng cho hay, giai đoạn 2010-2015 là lúc mà các ngân hàng bắt đầu triển khai mạnh việc cung cấp các trải nghiệm tối đa cho khách hàng, cụ thể là số hoá dịch vụ bán hàng và sau bán hàng, kết hợp với các tương tác trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng cho các sản phẩm phức tạp.
“Trong trung hạn, các ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ trực tuyến hoặc doanh số tăng nhờ marketing online và có thể đạt đến 60% dựa vào sự phát triển của mobile banking”, ông nói.
Vì vậy, bài toán đầu tư công nghệ thông tin đối với các nhà băng cần được quan tâm và đặt lên hàng đầu trong công cuộc đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ. Theo Tiến sĩ Lực, các nhà băng phải ứng dụng công nghệ số trên cơ sở mô hình kinh doanh hiện tại và nâng tầm trong tương lai; xây dựng mới giải pháp tăng giá trị cho khách hàng thông qua công nghệ số.
Tuy nhiên, ông Lực khuyến nghị, đi kèm với chiến lược đầu tư và tăng trưởng theo công nghệ số này, các ngân hàng phải quản lý được rủi ro công nghệ và an toàn thông tin. Bởi công nghệ giúp giảm chi phí, tăng trải nghiệm cho khách hàng…, nhưng rủi ro hoạt động có thể tăng. Trong khi đó, năng lực quản trị, điều hành và quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại còn ở mức thấp.
(trích vnexpress)
Cuộc đua ngân hàng số