Lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp

Lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp

Lãi suất huy động của các ngân hàng biến động nhẹ trong những ngày đầu tháng 4, có những ngân hàng tăng, song nhiều ngân hàng lại điều chỉnh giảm. Theo lãnh đạo một ngân hàng có hội sở tại TP.HCM, động thái này của các nhà băng chủ yếu để cơ cấu lại nguồn vốn cho phù hợp với chiến lược kinh doanh, chứ không trở thành xu hướng.

Trên thực tế, lãi suất huy động của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước – vốn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường vẫn giữ ở mức thấp. Đơn cử, Vietcombank đang niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng 2,9%/năm, 3 tháng 3,2%/năm; các kỳ hạn từ 6 và 9 tháng 3,8%, kỳ hạn 12 tháng 5,5%/năm, các kỳ hạn 24 và 36 tháng là 5,3%/năm.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng cổ phần lớn cũng vậy. Hiện Techcombank vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động từ kỳ hạn 1 tháng là 2,7%, 2 tháng 2,8%, 3-5 tháng 2,9%; các kỳ hạn 6,7,8 tháng đều có mức lãi suất 4,2%; 9, 10, 11 tháng giữ mức 4,4%; các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng lãi suất của ngân hàng này kẻ thẳng một mức 5%/năm. Trong khi ACB áp dụng mức lãi suất huy động là từ 3-3,2%/năm cho kỳ hạn từ 1-3 tháng, 4,4-5,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng, các kỳ hạn từ 15-36 tháng lãi suất huy động ở mức 6,2%/năm, riêng kỳ hạn 13 tháng lãi suất 6,6%/năm.

Còn với nhóm ngân hàng quy mô nhỏ, dù lãi suất huy động có cao hơn, song cũng không nhiều. Chẳng hạn Kienlongbank các kỳ hạn từ 1-5 tháng lãi suất huy động 3,09-3,35%/năm, kỳ hạn 6 tháng 5,54%/năm, 7 tháng 5,52%/năm, 8 tháng 5,58%, 9 tháng 5,56%/năm, 12 tháng 6,1%/năm, 13 tháng 6,25%/năm… Đỉnh lãi suất của ngân hàng này 6,27% thuộc về kỳ hạn 15 tháng, thấp hơn mức trên 7%/năm vào đầu năm 2021.

SCB niêm yết đồng giá một mức lãi suất 3,95%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-5 tháng, kỳ hạn 6 tháng 5,7%/năm, các kỳ hạn từ 7-11 tháng 6-6,4%/năm, từ kỳ hạn 12 tháng trở lên nguyên một mức 6,8%/năm.

Đáng chú ý hiện các ngân hàng đang khuyến khích khách hàng sử dụng các phương pháp giao dịch trực tuyến nên lãi suất huy động tiền gửi theo hình thức online cao hơn so với phương pháp gửi tại quầy từ 0,2-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn và tùy từng ngân hàng. Theo các ngân hàng, gần đây NHNN cho phép các ngân hàng sử dụng công nghệ xác thực khách hàng từ xa (eKYC), người gửi tiền có thể tạo lập tài khoản tiền gửi có kỳ hạn ngay trên các ứng dụng ngân hàng điện tử mà không cần đến quầy giao dịch truyền thống đã làm tăng lượng giao dịch tiền gửi trên ngân hàng điện tử.

Ông Trần Quốc Anh – Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của HDBank, cho biết hàng năm ngân hàng luôn tổ chức các chương trình thu hút tiền gửi cá nhân. Năm 2021, HDBank vẫn duy trì truyền thống sản phẩm “tìm tỉ phú” thường niên, đồng thời hy vọng đây là một trong những ưu đãi quan trọng giúp nhiều người gửi tiền có điểm gửi vốn mà hoàn toàn an tâm. Đặc biệt, người gửi tiền cũng có điều kiện để cân nhắc gửi khoản nhỏ, kỳ hạn cực thấp, nhưng vẫn có hiệu quả tốt, phù hợp với nhu cầu linh hoạt và chuyển đổi vốn khi cần.

Nhìn chung hiện mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần quy định là 4,25%/năm. Điều này cho thấy nhu cầu vốn của các ngân hàng hiện nay không cao. Một minh chứng nữa cũng cho thấy thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào, đó là lãi suất VND liên ngân hàng vẫn đang duy trì ở mức rất thấp. Theo số liệu thống kê của NHNN, trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4, lãi suất giao dịch VND bình quân kỳ hạn qua đêm (từ ngày 29/3-2/4), 1 tuần và 1 tháng lần lượt ở mức 0,25%/năm, 0,46%/năm và 0,63%/năm.

Lãi suất huy động nằm ở mức thấp sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng duy trì ổn định một mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho rằng, lãi suất huy động là giá vốn của các ngân hàng nên ngân hàng cân đối nguồn vốn để quyết định lãi suất cho vay phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngân hàng áp dụng lãi suất nào cũng dựa trên cung cầu vốn của thị trường chứ không tự áp đặt một mức lãi suất mà người gửi tiền và người vay tiền không thể chấp nhận.

Lãi suất huy động ổn định ở mức thấp từ đầu năm đến nay đã tạo điều kiện cho lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Một khách hàng của Eximbank vừa được cấp hạn mức 500 triệu đồng với lãi suất 7,6%, bên cạnh đó vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh của ngân hàng này đang áp dụng ở mức 10%/năm đối với khoản vay có tài sản đảm bảo. ACB cũng đang cho vay sản xuất kinh doanh đối với các kỳ hạn ngắn ở mức lãi suất 6,5%/năm, ngân hàng này cũng cho vay mua và sửa chữa nhà ở lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng đầu và 8,9%/năm cố định trong 24 tháng đầu…

Thậm chí thời gian gần đây không ít nhà băng còn tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Điển hình phải kể tới Vietcombank khi mà ngân hàng này vừa đồng loạt triển khai các chương trình lãi suất ưu đãi cho vay đáp ứng cho nhiều nhóm khách hàng và các nhu cầu vay đa dạng khác nhau kể từ ngày 1/4. Trước đó ngân hàng này đã giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021. Theo đó, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19; giảm 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Còn đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh quý II/2021 do Vụ Dự báo Thống kê thuộc NHNN Việt Nam thực hiện mới đây cũng cho thấy, hệ thống TCTD cho biết tiếp tục điều chỉnh “giảm” nhẹ giá bình quân sản phẩm dịch vụ (lãi suất biên và phí dịch vụ) trong quý I/2021 và dự kiến “giảm” trong cả năm 2021.

Nguồn: Minh Phương – Thời báo ngân hàng

Share this post