Dân Việt ngày càng giàu, ngân hàng trúng lớn
Dân Việt ngày càng giàu, ngân hàng trúng lớn
Tiền gửi của dân và doanh nghiệp vào các ngân hàng tăng vọt, hiện đã lên đến gần 5,8 triệu tỷ đồng. Vậy phải chăng tiết kiệm đang lên ngôi hay nhà đầu tư đã sợ rủi ro hơn?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến 20/6/2016, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã tăng tới 8,07%, gần gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2015. Dựa theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước công bố và tính toán của chúng tôi cho thấy, mức tăng trưởng trên đã đưa tổng số dư tiền gửi của tổ chức và dân cư vào hệ thống ngân hàng lên đến gần 5,8 triệu tỷ đồng.
Tiết kiệm lên ngôi hay nhà đầu tư đã sợ rủi ro?
Số liệu mới công bố của cơ quan quản lý cho thấy tiền thực sự chảy vào ngân hàng ngày một nhiều. Con số tăng trưởng hơn 8% quy đổi tương đương đã có hơn 440 nghìn tỷ đồng được gửi mới vào hệ thống ngân hàng trong 6 tháng qua.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao tiền gửi vào ngân hàng lại ngày một tăng nhanh như vậy? Theo TS. Phan Minh Ngọc, ngoài lý do có thể là các tổ chức tín dụng đã đẩy lãi suất huy động lên để tăng tính hấp dẫn của tiền gửi ngân hàng nhằm thu hút cả phần vốn tiền đồng đang trôi nổi trên thị trường, ngoài hệ thống ngân hàng. Số liệu còn cho thấy kênh gửi tiết kiệm tiền đồng đã trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối trong số các kênh đầu tư khác trong mắt một bộ phận nhà đầu tư.
Thực tế, ngay từ đầu năm, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, trong số các kênh đầu tư phổ biến hiện nay thì gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư “vua” bởi mức lãi suất thu được khá cao, tới 7 -8%/năm, trong khi lại an toàn tuyệt đối vì cho đến nay vẫn không có ngân hàng nào bị phá sản và tiền gửi còn có bảo hiểm.
Trong khi đó bất động sản, vàng và chứng khoán có cơ hội mang về lợi nhuận nhiều hơn nhưng đi kèm là các rủi ro bủa vây, nhất là bất động sản với những cảnh báo về tình trạng bong bóng.
Và dù cho lãi suất tiết kiệm có giảm đi chăng nữa thì nhà người dân và đầu tư cũng vẫn nên cân nhắc coi đây là một kênh đầu tư an toàn, giúp phân tán rủi ro với các kênh khác.
TS. Bùi Quang Tín lý giải, việc huy động vốn tăng cao cũng giống như 2 mặt của 1 đồng xu. Một mặt là hiện nay mức sinh lời của các ngành nghề trong nền kinh tế đang suy giảm đáng kể. Nếu trước đây ROE (lợi nhuận trên vốn) trung bình các ngành từ 20-30%, sau khi trừ lãi suất trung bình các năm vừa qua từ 12-17% thì họ cũng còn được từ 8-13%, nhưng hiện nay ROE thấp chỉ còn khoảng 15-20%, cho nên sau khi trừ lãi vay thì chỉ còn khoảng 5-8% lợi nhuận. Đó là chưa khấu trừ rủi ro trong kinh doanh, nếu trừ rủi ro nữa thì gần như lợi nhuận về “mo” (bằng 0), hoặc bị âm lợi nhuận, thậm chí bị âm vốn chủ sở hữu dẫn đến phá sản.
Còn mặt kia là do vốn dĩ tiền mặt nằm ở 2 dạng gồm tiết kiệm gửi vào ngân hàng hoặc ở két sắt của người dân, khi có cơ hội kiếm tiền lớn (hơn gửi ngân hàng) thì họ sẽ lấy tiền nhàn rỗi đi đầu cơ, không loại trừ chuyện làm ăn phi pháp dù họ biết chắc chắn rủi ro sẽ lớn. Giờ đây nhiều người đã sợ rủi ro hơn vì thế họ phân tán vào các nguồn nhiều hơn, trong đó có gửi ngân hàng.
Ngoài ra, theo TS. Tín, so với các cơ hội kinh doanh khác thì gửi vào ngân hàng vẫn còn lợi nhuận, khoảng hơn 3% sau khi trừ lạm phát dự kiến 4-5%. Hơn nữa, kinh doanh thời buổi này có quá nhiều rủi ro, từ rủi ro pháp lý, rủi ro tín dụng, rủi ro đạo đức kinh doanh, chữ tín trong kinh doanh ngày càng thấp, lại còn rủi ro về ngoại tệ, giá … khiến cho nhiều người lo sợ, tìm đến ngân hàng để vừa giữ được vốn gốc chờ cơ hội kinh doanh mới lại vừa được lợi nhuận mà không lo rủi ro.
Ngân hàng trúng lớn
Cho dù các ngân hàng đang kêu “thừa tiền”, khó cho vay, nhưng nhu cầu huy động vốn vẫn chưa bao giờ có dấu hiệu chững lại. Bằng chứng là các ngân hàng vẫn miệt mài đua nhau đưa ra các chương trình khuyến mại để giữ khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới. Ngoài tặng quà, có nhiều ngân hàng còn tặng cả tiền mặt cho khách gửi tiền như một dạng cộng thêm lãi suất. Các cán bộ ngân hàng trong khi đó phải gánh chỉ tiêu huy động ngày một cao.
Nguồn tiền chảy vào ngân hàng nhiều hơn giúp các nhà băng có nguồn vốn dồi dào để kinh doanh và thu lợi. Bên cạnh cho vay ra nền kinh tế với lãi suất đầu vào đầu ra chênh lệch từ 2% trở lên (nhiều ngân hàng vẫn cho vay với mức +3-4% so với mức lãi suất huy động cao nhất), các ngân hàng giờ đây còn đầu tư nhiều vào trái phiếu chính phủ – nguồn an toàn tuyệt đối lại có lợi suất cao.
Dẫu vậy, dù nguồn lợi thu được từ kinh doanh lớn, nhưng không có nghĩa là lợi nhuận hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ ấy giúp các ngân hàng có nguồn tiền dồi dào để chia cổ tức cho cổ đông, chia thưởng cho nhân viên .. mà họ còn phải dùng để xử lý nợ xấu và những tồn tại cũ.
(trích bizlive)