Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Ninh Bình: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của địa phương

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Ninh Bình: Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của địa phương

Các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Ninh Bình đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, tương trợ cộng đồng vì sự phát triển bền vững của các thành viên.

Báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình tại Hội nghị chuyên đề về Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), tổ chức cuối tuần qua cho biết, sau 20 năm triển khai Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị (Chỉ thị số 57) và Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND”, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tăng gấp đôi về số lượng, QTDND trở thành một kênh cấp vốn hiệu quả để phát triển kinh tế, từng bước góp phần xóa bỏ hụi, họ, cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương…

Đây cũng là thành quả của NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước của ngành Ngân hàng trên địa bàn và làm tốt công tác tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố, chấn chỉnh, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND trên địa bàn, kết thúc giai đoạn củng cố, chấn chỉnh theo Chỉ thị số 57 của Bộ Chính trị, 20 năm qua, hệ thống QTDND tỉnh Ninh Bình đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Phó Giám đốc NHNN tỉnh Hoàng Văn Thành cho biết, hiện có 39 QTDND đang hoạt động trên địa bàn 8 huyện, thành phố với 30.924 thành viên tham gia, tăng 16.599 thành viên (tăng 2,16 lần) so với năm 2000 (thời điểm bắt đầu củng cố, chấn chỉnh). Có 11/38 Quỹ có trên 1.000 thành viên. Quỹ có nhiều thành viên tham gia nhất là QTDND Ninh Vân có 1.528 thành viên.

Các QTDND đã phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư để cho vay, tương trợ cộng đồng vì sự phát triển bền vững của các thành viên. Tính đến 30/9/2020, tổng nguồn vốn huy động tiền gửi đạt 3.382,63 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 86% tổng nguồn vốn hoạt động, tăng 139 lần so với năm 2000. Tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn đạt 3.930,447 tỷ đồng, tăng 96,7 lần so với năm 2000. Trong đó, tổng số vốn điều lệ của các QTDND đến 30/9/2020 đạt 177,549 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,5% tổng nguồn vốn, tăng 65 lần so với năm 2000.

Cùng với nguồn vốn điều hòa từ Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Ninh Bình 181,515 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng nguồn vốn hoạt động (tương đương tăng 16,2 lần so với năm 2000), các QTDND trên địa bàn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống của các thành viên. Đến 30/9/2020 tổng dư nợ cho vay của hệ thống QTDND trên địa bàn đạt 3.114.881 triệu đồng, tăng 81,5 lần so với năm 2000. Mức dư nợ bình quân đạt 81.970 triệu đồng/Quỹ (tăng 42,9 lần so với năm 2000). Nhìn chung, việc sử dụng vốn tại các QTDND có hiệu quả, an toàn. Đến 30/9/2020, tổng nợ xấu chỉ chiếm 0,29% tổng dư nợ cho vay.

Các ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tại Hội nghị chuyên đề về Quỹ tín dụng nhân dân do NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình tổ chức cũng cho thấy, sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND không thể thiếu sự ủng hộ và quản lý nhà nước sát sao của các cấp chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị, sở, ngành của tỉnh.

Chủ tịch UBND xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, ông Phạm Văn Trọng khẳng định, sự hình thành và phát triển của QTDND xã Khánh Công đã góp phần đa dạng hóa các kênh phục vụ vốn sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, góp phần đưa Khánh Công từ một trong 23 xã nghèo trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2006-2010 trở thành xã nông thôn mới vào năm 2017 và đang tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Song, để Quỹ có thể đảm đương vai trò cung ứng vốn ấy, đằng sau đó là sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương, từ việc dành cho Quỹ 375m2 đất trong khuôn viên trụ sở UBND xã để xây dựng trụ sở hoạt động; tổ chức triển khai Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới 21 chi bộ và 15 xóm trong toàn xã; tham gia ý kiến về nhân sự cũng như giám sát quy trình bầu cử, hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát, có các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt vốn, tài sản của QTDND.

Hay như việc UBND xã giao cho Công an xã phối hợp với QTDND giải quyết khó khăn trong công tác thu hồi vốn, đặc biệt là việc quản lý các đối tượng vay vốn có biểu hiện chuyển khỏi địa bàn. Kiên quyết không xử lý hồ sơ khi chưa thanh toán xong nợ với QTDND và các ngân hàng. Chính vì vậy, từ khi hoạt động đến nay, QTDND xã Khánh Công luôn phát triển an toàn hiệu quả, hỗ trợ dịch vụ cho 813 thành viên, với dư nợ hiện tại là 68,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Ninh Bình Phạm Văn Huy cũng chỉ ra “vẫn còn một số QTDND hoạt động yếu kém, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn và an toàn hoạt động của QTDND”. Đặc biệt, vụ án “Tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại QTDND thị trấn Me, huyện Gia Viễn, năm 2019 là lời cảnh tỉnh cho các cấp chính quyền địa phương về vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Ngô Hùng Khánh cho biết, Quỹ này chỉ cách nhà ông có 50m, song đến khi vỡ lở mới biết. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cho biết, quá trình điều tra sau khi xảy ra sự cố cho thấy, Quỹ đã có những dấu hiệu bất thường rất sớm trước đó…

Đồng tình với những tồn tại của hệ thống QTDND mà NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã đưa ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận “trong những tồn tại đó có một phần trách nhiệm của chúng tôi”. Nhấn mạnh tồn tại lớn của hệ thống đó là xu hướng xa rời mục tiêu tôn chỉ, thương mại hóa và xu hướng hoạt động như một NHTM thay vì mục tiêu hỗ trợ thành viên, ông Tống Quang Thìn cho rằng: “Giải quyết vấn đề này không phải trách nhiệm riêng của NHNN tỉnh, mà còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Vì vậy phải kết hợp với nhau để làm”.

Về phía NHNN Chi nhánh Ninh Bình, cùng với những giải pháp đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn khuyến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cảnh báo tránh rủi ro do yếu tố con người và tình trạng gia đình chủ nghĩa có xu hướng gia tăng. Đồng thời chỉ đạo, giám sát các QTDND triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Ông cũng đề xuất, NHNN tỉnh cần xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền về cơ chế đặc thù trong việc xử lý các QTDND yếu kém; khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD, trong đó phát huy vai trò liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tham gia xử lý QTDND yếu kém; tăng cường phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các QTDND…

Để chung tay cùng NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với NHNN tỉnh và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách theo thẩm quyền để tạo điều kiện cho các TCTD, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam… tham gia xử lý QTDND yếu kém. Đồng thời nghiên cứu đề xuất việc ban hành, sửa đổi các chính sách về thuế, phí và lệ phí khuyến khích phát triển QTDND tại vùng nông thôn, vùng khó khăn theo định hướng, giải pháp đã quy định tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông chỉ đạo Công an tỉnh chủ động phối hợp với NHNN tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có QTDND hoạt động trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động của các QTDND; tích cực hỗ trợ, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thu hồi vốn, tài sản của các QTDND; có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả liên quan đến rủi ro đạo đức của lãnh đạo, nhân viên các QTDND.

UBND các cấp cần tăng cường giám sát, giúp đỡ các QTDND triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án cơ cấu lại, củng cố và phát triển hệ thống; kịp thời xử lý các QTDND yếu kém, cán bộ QTDND vi phạm pháp luật và các vấn đề phát sinh trong quá trình củng cố, chấn chỉnh để giúp các QTDND yếu kém khắc phục khó khăn, tồn tại. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc thu hồi nợ, tài sản; chủ động phối hợp với NHNN tỉnh trong việc giám sát, hỗ trợ các QTDND trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn hiệu quả, nhằm cung cấp dịch vụ cho các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống…

Ông cũng đề nghị NHNN tỉnh và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, góp phần ổn định tâm lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời đấu tranh với các thông tin sai lệch gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống QTDND.

Nguồn: Nhất Thanh – Thời báo ngân hàng

Share this post