Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 3-7/6
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 3-7/6
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 14.349 tỷ đồng. Chốt tuần 7/6, VN-Index đứng ở mức 958,28 điểm, giảm nhẹ 1,60 điểm (-0,17%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index cũng giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,13%), xuống mức 104,21 điểm; UPCOM-Index giảm 0,52 điểm (-0,94%) xuống 54,61 điểm. Thanh khoản thị trường không cải thiện. Khối ngoại mua ròng hơn 187 tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI 5 tháng đầu năm 2019 đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây, đồng thời giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng mạnh 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây (năm 2016 đạt 10,1 tỷ USD; năm 2017 đạt 12,1 tỷ USD và năm 2018 đạt 9,9 tỷ USD).
Trong đó, cả nước có 1.363 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 6,46 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018. Có 505 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,63 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký. Không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông thì tổng giá trị vốn góp vẫn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,138 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 864 triệu USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo các chuyên gia, nhìn từ số liệu tổng hợp tình hình FDI cũng như thực tiễn triển khai FDI các năm qua, đặc biệt 5 tháng đầu năm nay, có một số vấn đề nổi cộm cần được quan tâm và tiếp tục theo dõi để có phương hướng giải quyết kịp thời. Thứ nhất, vấn đề luôn được nhắc đến là chuyển giao công nghệ chưa như kỳ vọng. Hầu hết các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam là từ các nước châu Á, có công nghệ và kỹ thuật chưa tiên tiến, các nước Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc có công nghệ tiên tiến, hiện đại chiếm tỷ trọng nhỏ.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 80% doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình, 14% công nghệ thấp và lạc hậu, công nghệ cao chỉ chiếm 6%. Thứ hai, tỷ lệ giải ngân vốn chậm cũng là một vấn đề cần được khắc phục.
Theo các chuyên gia, trong nhiều năm gần đây, mặc dù vốn giải ngân cũng có tín hiệu gia tăng, song tốc độ gia tăng vốn giải ngân vẫn khá chậm so với gia tăng vốn đăng ký, nên khoảng cách chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân vẫn còn khá lớn. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng hơn 40% tổng vốn đăng ký.
Những dự án không giải ngân hoặc giải ngân chậm làm lãng phí nhiều nguồn lực như tốn kém thời gian thẩm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng, làm mất cơ hội đầu tư của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khác có ý định, dự án đầu tư thật…
Đồng thời, với những dự án ảo không đi vào triển khai, quá trình xử lý, thu hồi dự án thường khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí của cả bên đầu tư và tiếp nhận đầu tư.
Thứ ba, vấn đề đáng lưu ý nữa là nguồn vốn đến từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018. Tính đến hết tháng 5, Trung Quốc dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mới. Các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục theo dõi dòng vốn từ Trung Quốc và có sự lựa chọn các dự án FDI có chất lượng, đảm bảo các yếu tố về môi trường.
Nhìn chung, để cải thiện nguồn vốn FDI, các chuyên gia nhất trí, Việt Nam cần xây dựng “phiên bản 2.0” về thu hút FDI, tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, tăng cường thu hút FDI theo “chiều ngang”, tức là doanh nghiệp Việt Nam không còn là “nhà thầu phụ” nữa mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI ở nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất, đồng thời hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ trong tuần từ 3-7/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 7/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.058 VND/USD, giảm nhẹ 7 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.700 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng giảm khá mạnh phiên đầu tuần, sau đó biến động nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 7/6, tỷ giá giao dịch ở mức 23.397 VND/USD, giảm 28 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 7/6, tỷ giá giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.390 – 23.415 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng VND tăng mạnh phiên đầu tuần qua, sau đó biến động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 7/6, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,15% (+0,29 điểm phần trăm); 1 tuần 3,25% (+0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 3,40% (không thay đổi); 1 tháng 3,67% (-0,01 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD tiếp tục biến động nhẹ trong cả tuần. Cuối tuần 7/6, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (+0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,62% (-0,01 điểm phần trăm), 2 tuần 2,70% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,81% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường mở trong tuần từ 3-7/6, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 72.000 tỷ đồng tín phiếu, các tổ chức tín dụng hấp thụ được 70.450 tỷ đồng. Trong tuần có 84.799 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.
Như vậy, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 14.349 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 70.450 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố vẫn với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%, không có khối lượng trúng thầu. Trong tuần không có đáo hạn. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố duy trì ở mức 0.
Thị trường trái phiếu trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 2.692/3.250 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 83%) ở các kỳ hạn từ 7 năm đến 20 năm. Trong đó, kỳ hạn 7 năm không có khối lượng trúng thầu, kỳ hạn 10 năm huy động được 942/1.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm và 20 năm huy động được lần lượt toàn bộ 1.000 tỷ đồng và 750 tỷ đồng gọi thầu.
Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn tại: kỳ hạn 10 năm 4,67%, kỳ hạn 15 năm 5,03%, kỳ hạn 20 năm 5,63% – đều giảm từ 1 điểm đến 5 điểm so với phiên đấu thầu trước.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch Outright và Repos trung bình trên thị trường tuần qua đạt khoảng 7.081 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức trung bình 6.000 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thị trường thứ cấp chốt phiên 31/5 ít biến động so với tuần trước đó. Cụ thể, các mức lợi suất trái phiếu Chính phủ giao dịch quanh mức: 1 năm 3,13%; 2 năm 3,43%; 3 năm 3,56%; 5 năm 3,81%; 7 năm 4,14%; 10 năm 4,67%.
Thị trường chứng khoán có tuần thứ 3 liên tiếp giảm điểm, mặc dù các chỉ số đã hồi phục khá tích cực trong phiên cuối tuần. Chốt tuần 7/6, VN-Index đứng ở mức 958,28 điểm, giảm nhẹ 1,60 điểm (-0,17%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index cũng giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,13%), xuống mức 104,21 điểm; UPCOM-Index giảm 0,52 điểm (-0,94%) xuống 54,61 điểm.
Thanh khoản thị trường không cải thiện so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trên 3.600 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng hơn 187 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Thế giới tuần qua xoay quanh động thái của các tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế và ngân hàng trung ương lớn. Báo cáo ra tháng 6 của World Bank hạ dự báo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2019 do những ảnh hưởng của các cuộc đối đầu thương mại, đồng thời dự báo kinh tế sẽ dần khôi phục đà tăng trưởng trong hai năm tiếp theo.
Tổ chức này giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia và khu vực lớn trong năm nay, song Mỹ và Trung Quốc không nằm trong số này và được giữ mức dự báo cũ.
Trong tuần, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tổ chức này sẵn sàng hành động nhằm hỗ trợ kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Để đối phó với kinh tế giảm tốc, Ngân hàng Trung ương Úc RBA đã có đợt cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,25% sau 3 năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB không thay đổi lãi suất nới lỏng 0,0% và phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất này cho đến giữa năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua đe dọa tiếp tục áp thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tuy nhiên vẫn khẳng định sẽ có một cuộc gặp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ chấm dứt các ưu đãi đặc biệt trong thương mại với Ấn Độ, trong khi đình chỉ vô thời hạn với việc đánh thuế hàng hóa Mexico.
Liên quan đến thông tin kinh tế, thị trường Mỹ và Úc là hai khu vực đáng chú ý trong tuần qua khi nhận nhiều thông tin tiêu cực. Thị trường lao động Mỹ ảm đạm khi tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 vẫn ở mức 3,6% như tháng 4, thu nhập của người lao động chỉ tăng nhẹ và lĩnh vực phi nông nghiệp tạo ra số việc làm mới thấp hơn so với dự báo.
Tại Úc, lợi nhuận hoạt động các doanh nghiệp quý 1 tăng thấp; doanh số bán lẻ tháng 4 giảm, đồng thời thặng dư cán cân thương mại tháng 5 cũng thấp hơn so với dự báo.
Nguồn : Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB