Kinh tế số đang tăng: Cơ hội nào cho tổ chức tín dụng?

Kinh tế số đang tăng: Cơ hội nào cho tổ chức tín dụng?

Các TCTD gần đây phát triển rất nhiều App cung cấp dịch vụ tài chính, nhưng trong cuộc đua thanh toán điện tử nếu các TCTD nào có hệ sinh thái rộng lớn và kết nối được một kho dữ liệu khách hàng số sẽ thành công.

Việt Nam có thể đứng đầu khu vực về kinh tế số

Báo cáo thống kê của Google và Temasek cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia) về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn 2015-2019 và dự báo có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu về kinh tế số trong khu vực giai đoạn 2020 – 2025. Sở dĩ như vậy là bởi Việt Nam là quốc gia thuộc nhóm nước có tốc độ phát triển nhanh về hạ tầng công nghệ, nếu cuộc thử nghiệm sóng viễn thông 5G hoàn tất trong đợt này sẽ là điều kiện cấu thành quan trọng trong phát triển kinh tế số.

Theo Bùi Tiến Dũng – Vụ Công nghiệp thuộc Ban Kinh tế Trung ương, cả nước đã có 12 công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho người dân và DN. Điều này giúp thực hiện các giao dịch trên mạng internet thuận tiện an toàn, đặc biệt giúp các DN thực hiện các dịch vụ công tại nhà, bao gồm cả thanh toán điện tử phí và lệ phí (cấp độ 4) trong nhiều lĩnh vực như các dịch vụ ngành thuế, hải quan, bảo hiểm… Hạ tầng công nghệ trong lĩnh vực tài chính đang đứng đầu trong việc phát triển các dịch vụ số hóa để cung cấp ra xã hội.

Thể chế cho kinh tế số đã có chuyển biến tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên chưa được hình thành đồng bộ, chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Đặc biệt, hệ thống dữ liệu dân cư hiện nay mới đang trong quá trình số hóa hợp nhất từ các dữ liệu CMND cũ và mới, thẻ căn cước. Nếu đề án chip hóa thẻ công dân được Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ sẽ cung cấp dữ liệu cho nền kinh tế số một khối lượng khách hàng rất lớn. Tuy nhiên, do quy định không ép buộc người dân chuyển đổi sang thẻ căn cước mới nếu chưa hết thời hạn sử dụng nên tiến độ hoàn tất thẻ căn cước gắn chip có thể sẽ kéo dài thêm một thời gian do thời gian qua ngành Công an đã có những chuyển đổi một lượng rất lớn từ CMND sang thẻ căn cước mã vạch.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Theo các chuyên gia, nói đến kinh tế số điều đầu tiên phải nhắc tới là thương mại điện tử. Theo đánh giá của tổ chức quốc tế, với gần 100 triệu dân, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thương mại điện tử. Ước tính đến năm 2025 giá trị thị trường có thể đạt khoảng 43 tỷ USD. Tuy nhiên để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, điều kiện tiên quyết là phải thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Ông Nguyễn Bá Diệp – đồng sáng lập, Phó chủ tịch ví điện tử MoMo cho biết, ví điện tử này đang xây dựng một siêu ứng dụng tích hợp tất cả các ứng dụng thiết yếu để người dùng không cần cài đặt quá nhiều App trên điện thoại. Hiện nay, người dùng ví điện tử MoMo đã có thể thanh toán dịch vụ hành chính công, khám chữa bệnh, học phí và mua sắm hàng hóa dịch vụ…

Ví điện tử MoMo hiện có 20 triệu người mở tài khoản đã kết nối với 25 ngân hàng sẽ sang chuyển tiền qua lại để thanh toán những món hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ lẻ từ mua sắm, trả nợ vay, chi trả các khoản phí, lệ phí.

Từ góc độ trung gian thanh toán, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – đại diện Nexttech (đơn vị sở hữu ví điện tử Vimo) cho biết, DN này đã cung cấp ra thị trường hơn 45.000 máy mPOS đáp ứng cho shipper (người giao hàng) đến tận nhà cho người tiêu dùng có thể quẹt thẻ ngân hàng thanh toán món hàng mua qua mạng. Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng cần phải có cơ chế giảm phí thanh toán đối với các thanh toán thẻ như các loại thẻ tín dụng của Visa, MasterCard. Bởi hiện nay những hệ thống chuyển mạch thẻ và ngân hàng này đang thu phí đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại các cửa hàng bán lẻ hàng hóa, dịch vụ với mức phí 1,8% trên mỗi giao dịch. Nếu cửa hàng trả chi phí này đồng nghĩa với việc đội giá thành hàng hóa dịch vụ, bởi biên lợi nhuận của các cửa hàng bán lẻ dao động trong khoảng từ 3-5%. Còn nếu cửa hàng yêu cầu người tiêu dùng trả phí thanh toán thẻ, người tiêu dùng sẽ dùng tiền mặt để thanh toán.

Ông Nguyễn Xuân Thành – thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, thách thức lớn nhất đối với việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam đó là thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Bên cạnh đó việc thanh toán bằng tiền mặt còn xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa tin tưởng về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trên mạng. Thậm chí, khách hàng đặt mua hàng hóa và thanh toán bằng thẻ ngân hàng, nhà cung ứng hàng hóa lại gọi điện lại cho người mua để thương thảo lại giá hoặc chất lượng hàng hòa dịch vụ cung cấp. Điều này đã làm cản trở các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, các TCTD gần đây phát triển rất nhiều App cung cấp dịch vụ tài chính, nhưng trong cuộc đua thanh toán điện tử nếu các TCTD nào có hệ sinh thái rộng lớn và kết nối được một kho dữ liệu khách hàng số sẽ thành công.

Nguồn: Hải Nam – Thời báo ngân hàng

Share this post