Gian nan tăng vốn ở ngân hàng nhỏ
Gian nan tăng vốn ở ngân hàng nhỏ
Nhiều giải pháp quyết liệt đã được Ngân hàng Nhà nước thực hiện để đạt được mục tiêu tinh giản, lành mạnh hoá hệ thống TCTD, đặc biệt là hệ thống NHTM
Đâu phải chuyện dễ
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong tháng 9/2015, vốn điều lệ của hệ thống các TCTD tăng 7.261 tỷ đồng. Trong đó, phần tăng nhiều hơn thuộc về các NHTM với 4.406 tỷ đồng, theo sau là khối các NHTM Nhà nước ở mức 2.755 tỷ đồng. Nhiều NHTM trong năm nay đã được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ. Đơn cử như VPBank đã tăng từ 6.347 tỷ đồng lên 7.324 tỷ đồng trong tháng 4/2015; Sacombank tăng từ 12.425 tỷ đồng lên 18.852 tỷ đồng. Hay mới đây là OCB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn điều lệ cũng được nhiều ngân hàng trình ĐHCĐ để thông qua. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn. Không ít các trường hợp, ngân hàng dù trình kế hoạch tăng vốn điều lệ, nhưng sau nhiều năm mới được “toại nguyện” như: Saigonbank, Nam A Bank… Với trường hợp ở Nam A Bank, ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng từ ĐHCĐ năm 2012, và cả kế hoạch tăng lên 4.000 tỷ đồng, nhưng phải tới năm 2015, ngân hàng mới thực hiện được mục tiêu này.
Theo các chuyên gia tài chính, việc ngân hàng tăng vốn điều lệ nhằm mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh là chuyện dễ hiểu. Nhưng không phải cứ muốn là được. Bởi để đáp ứng được mục tiêu này, cần rất nhiều điều kiện, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cạnh tranh ngày một gay gắt và khốc liệt, trong khi phương thức chủ yếu mà các ngân hàng sử dụng để tăng vốn điều lệ là bán cổ phiếu cho cổ đông.
Cách này, trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên xuống thất thường càng trở nên khó khăn. Cổ phiếu ở một số ngân hàng dù được phát hành với giá ưu đãi, nhưng vẫn không thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư.
Chưa kể, do các TCTD đang thực hiện tái cơ cấu, nên nhà đầu tư cũng không khỏi lo lắng với câu hỏi liệu ngân hàng mà họ nắm giữ cổ phiếu có thuộc diện phải sáp nhập, hợp nhất hay không? Nếu có, thì giá trị cổ phiếu sẽ có sự chênh lệch nhất định, chưa kể tới việc bị dừng niêm yết thì rủi ro cho nhà đầu tư là rất đáng quan ngại.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa khởi sắc. Và cũng hiếm người ngó ngàng tới cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ. Nhiều ngân hàng còn chú ý tới việc huy động nguồn vốn nước ngoài. Nhưng cổ đông nước ngoài thì lại càng khắt khe hơn trong đầu tư, nên việc này không hề dễ. Thêm vào đó, hệ thống ngân hàng đang ở trong giai đoạn “nóng” về tái cơ cấu nên khó khăn càng chồng khó khăn.
Áp lực tái cơ cấu
2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 2011-2015 về tái cơ cấu hệ thống TCTD. Nhiều giải pháp quyết liệt đã được NHNN thực hiện để đạt được mục tiêu tinh giản, lành mạnh hoá hệ thống TCTD, đặc biệt là hệ thống NHTM. Và M&A là điều tất yếu, buộc các ngân hàng phải bằng nhiều giải pháp nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng bám trụ trên thị trường tài chính.
Hãy xem câu chuyện của BIDV. Khó có thể nhìn thấy những vấn đề mà BIDV phải gánh khi sáp nhập với MHB. Và cái dễ nhận thấy nhất là việc sáp nhập này đã giúp BIDV mở rộng mạng lưới, tăng mức vốn điều lệ của mình lên 31.481 tỷ đồng. Tới thời điểm này, dẫn đầu hệ thống ngân hàng về vốn điều lệ vẫn là Vietinbank với hơn 40.000 tỷ đồng, tiếp sau là BIDV, Agribank và Vietcombank.
Hay như trường hợp của MaritimeBank. Việc sáp nhập với Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) đã mang về cho MaritimeBank 3.750 tỷ đồng vốn điều lệ, đưa ngân hàng này vào top 5 NHTMCP có vốn điều lệ cao nhất…Tuy nhiên nếu nhìn từ CB, GPBank, OceanBank – ba ngân hàng được NHNN mua lại 0 đồng lần lượt có mức vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, 3.018 tỷ đồng và 4.000 tỷ đồng thì thấy: Các ngân hàng này đều đã đạt và vượt mức vốn điều lệ theo quy định của NHNN. Do đó, vấn đề không phải chỉ ở mức vốn, mà còn là quản trị điều hành của NHTM đó có tốt không. Song có một thực tế phải thừa nhận là “có thực mới vực được đạo”.
Ngân hàng là tổ chức kinh doanh niềm tin. Việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu là tất yếu, mà muốn thế thì phải có tiềm lực. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tăng vốn điều lệ là một cách để các NHTM được xem là “tiểu gia” hạn chế được nguy cơ sáp nhập hoặc biến mất trên thị trường.
Theo tổng giám đốc của một NHTM lớn, làn sóng M&A đã tác động không nhỏ tới tâm lý cũng như chủ trương, định hướng phát triển của một số ngân hàng ngang tầm nhau. Câu chuyện kỳ vọng tăng vốn để tránh M&A không tỷ lệ thuận với tình hình thực tế và sức khoẻ của mỗi ngân hàng.
Tới thời điểm này, số lượng NHTM đã giảm từ 42 xuống còn 34 sau giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, và mục tiêu trong năm 2016 sẽ còn xuống thấp nữa. Bởi thế, nếu không tăng năng lực tài chính, các nhà băng nhỏ chắc chắn sẽ khó tránh khỏi M&A.
Tăng vốn đã khó, nhưng vấn đề nữa đặt ra là: đằng sau câu chuyện tăng được vốn rồi, thì sử dụng sao cho hiệu quả để sinh lời lại là bài toán còn khó hơn với các Ngân hàng Thương Mại. Vì vậy, theo khuyến nghị của một chuyên gia tài chính, với các nhà băng nhỏ, tăng được vốn là chuyện tốt, nhưng cũng cần tính toán rõ ràng và hoạch định kế hoạch cụ thể xem có nên không, hoặc tăng ở mức nào thì hợp lý với tình hình thực tế. Sâu xa hơn, là khi đạt được mục tiêu về tăng vốn, thì cần cân nhắc để nguồn vốn tăng thêm có thể phát triển và nhân rộng.
“Câu chuyện M&A là câu chuyện dài, không phải cứ tăng được vốn là an toàn. Quan trọng là quản trị rủi ro, và khả năng sinh lời từ nguồn vốn. Nhỏ thì đừng kỳ vọng buôn to ngay lập tức”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
( trích thoibaonganhang)