Gửi tiết kiệm kiểu nào lãi nhất?
Gửi tiết kiệm kiểu nào lãi nhất?
Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều người băn khoăn, gửi tiền vào ngân hàng nên gửi ngắn hạn hay dài hạn để vừa an toàn mà lại hưởng mức lãi cao nhất. Đây cũng là mối quan tâm của nhiều người có tiền nhàn rỗi, muốn đồng vốn sinh lời tốt nhất nhưng ngại rủi ro.
Chênh lệch lãi suất kỳ hạn ngắn-dài khá cao
Trên thực tế, trừ trường hợp có nhu cầu kinh doanh, đầu tư thì gửi không kỳ hạn hoặc dưới 3 tháng để linh hoạt đồng vốn, còn lại theo các chuyên gia, người dân nên gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người e ngại chuyện lãi suất biến động, tháng sau cao hơn tháng trước nên ngại gửi kỳ hạn dài vì sợ thiệt thòi. Đồng thời, cũng có nhiều người rơi vào tâm lý bất an, không tin tưởng vào một ngân hàng nhất định nên thường chọn gửi ở kỳ hạn ngắn để theo dõi thị trường.
Hiểu được tâm tư của người gửi tiền lúc này, một số chuyên gia ngân hàng cho rằng, người gửi tiền nên cân nhắc lựa chọn gửi kỳ dài để hưởng lãi suất ưu đãi nhất. Trong đó, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển phân tích, ngoại trừ trường hợp có ý định đầu tư vào các kênh khác như nhà đất, chứng khoán… cần có dòng tiền linh hoạt thì người gửi mới chọn gửi không kỳ hạn hoặc dưới 3 tháng. Bởi lãi suất loại này tuy thấp hơn so với gửi dài hạn, nhưng khi “thời điểm đầu tư đến”, người gửi có thể dễ dàng rút tiền ra sử dụng, vừa không bỏ lỡ cơ hội đầu tư sinh lời, lại vừa không bị phạt rút trước hạn.
Ngược lại, với trường hợp không có dự định kinh doanh, làm ăn mà chỉ có nhu cầu gửi tiết kiệm thì nên chọn thời hạn dài và lĩnh lãi cuối kỳ. Bởi theo ông Hiển, hiện các ngân hàng đang thực hiện rất tốt trong việc thiết lập đường cong lãi suất, tức kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng bị khống chế lãi không quá 5,5%/năm, còn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được tự do thỏa thuận mức hợp lý, có thể lên 7-8%/năm, thậm chí còn cao hơn nên khách sẽ có lợi khi gửi dài hạn.
Vị chuyên gia trên cũng tính toán rằng, với số tiền 300 triệu đồng, nếu chỉ đơn thuần có nhu cầu tiết kiệm thì khi gửi kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất mà người gửi được hưởng tối đa chỉ 5,5%/năm. Tính ra mỗi tháng người gửi nhận tiền lời chưa tới 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, cũng với số tiền này, nếu gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất có thể lên tới 8%/năm. Khi đó, số tiền lời được nhận mỗi tháng hơn 2 triệu đồng (tức cao hơn gần 500.000 đồng mỗi tháng là số tiền rất đáng kể).
Đảm bảo an toàn cho người gửi tiền
Riêng với tâm lý lo ngại gửi dài hạn chẳng may sau này lãi suất biến động tăng thì sẽ chịu thiệt, hay lo sợ để tiền lâu trong ngân hàng sẽ bị mất, trong bối cảnh này dường như không còn hợp lý.
Nói như vậy vì một phần, trong thời gian qua, nhằm có sự chuẩn bị nguồn lực, cơ cấu nguồn vốn để tuân thủ quy định mới, các NHTM mới cạnh tranh tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền.
Có điều, NHNN cũng quy định các NHTM phải khai thác nguồn vốn trở về đúng nguyên tắc, cơ cấu. Nghĩa là, huy động như nào thì phải cho vay như thế. Vì vậy, đến một thời điểm nhất định, khi đảm bảo đủ nguồn vốn cân đối thì các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất trở về đúng lãi suất thị trường và không còn nhiều ngân hàng duy trì lãi suất huy động ngắn hạn cao như hiện tại.
Mặt khác vừa qua, NHNN đã có chỉ đạo các NHTM tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp người gửi tiền. Theo đó, NHNN có văn bản quy định rõ hoạt động nhận tiền gửi hay cho vay đều được NHNN ban hành quy định pháp luật hướng dẫn đầy đủ.
Cụ thể, NHNN có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi là công khai, minh bạch quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra. Do vậy, tâm lý lo sợ mất tiền của người dân cũng được hóa giải phần nào.
Có điều, để đảm bảo an toàn, NHNN cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Nhìn chung, việc gửi tiết kiệm kỳ hạn dài luôn là lựa chọn tốt nhất cho người gửi tiền. Theo đó, người gửi nên cân nhắc chọn hình thức gửi tiền kỳ hạn dài để hưởng lãi suất tối ưu. Ngược lại, nếu vẫn còn băn khoăn trong việc gửi tiền, các chuyên gia ngân hàng khuyên rằng, có một phương án chu toàn cho người gửi tiền nữa là phân số tiền ra làm hai khoản khác nhau. Một phần ba đem gửi không kỳ hạn hoặc dưới 3 tháng để khi cần có thể rút ra sử dụng mà không lo gặp rắc rối như phạt rút trước hạn; hai phần ba còn lại hoàn toàn yên tâm mang gửi dài hạn để hưởng lãi suất cao…
(Theo thoibaonganhang)