Gửi tiết kiệm, lợi cả đôi đường

Gửi tiết kiệm, lợi cả đôi đường

Cả thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 nên hầu hết các kênh đầu tư tài chính cũng đóng băng. Ở thời điểm hiện tại, những nhà đầu tư sành sỏi đều cho rằng “tiền mặt là vua” trong thời điểm suy thoái nhưng để tiền mặt trong nhà là một phương án tồi. Vì thế gửi tiết kiệm ngân hàng là phương án được nhiều người lựa chọn vì vừa an toàn, vừa có mức sinh lời khá hấp dẫn.

Theo lời khuyên của giới chuyên gia, dù trong bất kỳ thời điểm nào, gửi tiết kiệm cũng luôn là một lựa chọn phải có trong danh mục đầu tư bởi sự an toàn của kênh đầu tư này. Trong thời điểm hiện tại, khi mà nhiều kênh đầu tư hoặc là đóng băng, hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì tiết kiệm càng được nhiều người dân lựa chọn.

Quả vậy, thời gian gần đây dòng tiền nhàn rỗi của người dân thường chảy vào một số kênh đầu đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng. Hơn nữa đầu tư trên thị trường này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, nên không chỉ dành cho một số ít nhà đầu tư.

Còn với vàng, mặc dù so với thời điểm đầu năm hiện giá kim loại quý này đã tăng khá mạnh. Thế nhưng, giá vàng biến động liên tục với biên độ lớn khiến cho vàng không còn là tài sản an toàn và chỉ dành cho các nhà đầu tư có kiến thức. Chứng khoán cũng vậy, thậm chí có phần đuối hơn.

Còn ngoại tệ từ mấy năm nay đã không còn hấp dẫn do chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN đã giúp tỷ giá trong nước được duy trì khá ổn định, qua đó giảm thiểu tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân. Hơn nữa hiện lãi suất tiền gửi USD đã được giảm về mức 0% từ mấy năm nay, khiến cho việc nắm giữ USD không còn nhiều hấp dẫn so với giai đoạn trước. Đó là chưa kể, dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, nợ Chính phủ tăng lên rất mạnh và Chính phủ Mỹ sẽ phải in thêm tiền khiến đồng USD mất giá.

Cũng chính bởi vậy hiện không những không nắm giữ USD, mà ngược lại người dân còn có xu hướng chuyển đổi từ USD sang VND để gửi tiết kiệm vì có lợi hơn khi mà hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn ở mức khá hấp dẫn. “Hiện tại, chỉ có kênh gửi tiết kiệm là sinh lợi cao nhất cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp”, một chuyên gia ngân hàng nói thêm.

Quả thật, nếu nhìn qua biểu lãi suất gửi tiết kiệm mà ngân hàng niêm yết thì lãi suất có giảm nhẹ so với cuối tháng 10 nhưng tính sinh lời từ kênh này vẫn được đánh giá là khá cao, lại an toàn. Cụ thể, biểu lãi suất tiền gửi thấp nhất ở mức 0,20%/năm đến 3,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Chẳng hạn, Techcombank với mức 2,65%/năm; VPBank ở mức 3,25%/năm; Sacombank ở mức 3,30%/năm… đều áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng.

Còn nếu người gửi kỳ hạn dài từ 12 tháng thì vẫn được hưởng lãi suất tiết kiệm cao nhất, trên 7,00%/năm. Cụ thể là Eximbank hiện đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8,40%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng, kế đó là NCB với mức lãi suất 7,30%; OceanBank là 7,10%/năm; SCB là 7,05%/năm; Vietcapital Bank là 7,00%/năm.

Nếu lựa chọn gửi tiết kiệm online thì người gửi được hưởng lãi suất nhỉnh hơn. Và trong số các ngân hàng công bố biểu lãi suất tiết kiệm online, thì SCB đang đứng đầu bảng với mức lãi suất cao nhất là 7,65%/năm đối với kỳ hạn 24 tháng, kế đến là Nam Á Bank với mức 7,60%/năm, Vietbank là 7,40%/năm và OceanBank là 7,30%/năm.

Như vậy, có thể nói, tiết kiệm là một hình thức đầu tư lâu dài dù sinh lời thấp nhưng luôn đảm bảo tính an toàn bền vững.

Nguồn: Lam Anh – Thời báo ngân hàng

Share this post