Hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp song hành cùng an toàn hoạt động tổ chức tín dụng
Cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép TCTD, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến ngày 24/4/2020.
Tại các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do NHNN phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức mới đây, lãnh đạo NHNN đều khẳng định rằng dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nên những chính sách của Chính phủ cũng như NHNN đều là những chính sách trước nay chưa có tiền lệ. Bản thân NHNN khi ban hành các văn bản pháp luật luôn có những lắng nghe phản ánh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện phù hợp trong tình hình mới.
Ghi nhận tại các hội nghị kết nối ở một số tỉnh, thành phố cho thấy, không chỉ DN, mà cả các TCTD cũng đề nghị NHNN xem xét, sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi nợ được áp dụng cơ chế quy định tại Thông tư 01. Cụ thể cho phép TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân sau ngày 23/1/2020.
Thời điểm ban hành Thông tư 01 là rất sớm, khi diễn biến dịch chưa phức tạp và cũng chưa xác định được đỉnh dịch. Theo chia sẻ của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở khá lớn, nên các DN cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là đối với những DN xuất nhập khẩu, cộng thêm chuỗi cung ứng trong nước cũng bị đứt gẫy. Thông tư 01 ban hành áp dụng cho tất cả DN bị sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng của Covid-19, tuy nhiên vẫn phải tuân theo quy định pháp luật. Bởi vậy NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 01 làm sao phục vụ tốt nhất cho người dân, DN, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD.
Với tinh thần đó, NHNN vừa đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất tại dự thảo là NHNN cho phép TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 25/4/2020.
Lý giải về dự thảo sửa đổi quy định này, NHNN cho biết thực tế dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh và phức tạp, gây ảnh hưởng sâu rộng tới hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Do không lường trước được các tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đối với các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020, việc xác định lịch trả nợ cho khách hàng của TCTD chưa phù hợp với mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng.
Vì vậy, theo phản ánh của nhiều TCTD và các DN thì với phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/1/2020 (đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn), khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.
Bởi vậy, NHNN thấy rằng việc bổ sung quy định cho phép các TCTD được áp dụng quy định tại Thông tư 01 cho các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 và có lịch trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là cần thiết.
Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng chính sách gây hậu quả nợ xấu cho toàn hệ thống TCTD trong các năm tiếp theo thì việc giới hạn phạm vi các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 cũng rất cần thiết. Nên cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép TCTD, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến ngày 24/4/2020.
NHNN đánh giá rằng thời điểm 24/4/2020 là phù hợp bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đến thời điểm này thì các TCTD đã nắm bắt được đầy đủ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế và cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó dịch. Đối với các khoản giải ngân sau ngày 24/4/2020, TCTD đã có thể đánh giá được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia kinh tế cho rằng thời điểm mà NHNN đưa ra về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến ngày 24/4/2020 không phải là không có lý. Vì thực tế tính đến giai đoạn này, Việt Nam đã và đang kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, bản thân các DN dù gặp khó khăn nhưng cũng phải có định hướng dài hạn và như Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói là tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải có những biện pháp để thích nghi trong điều kiện “bình thường mới”. “Tôi cho rằng ngân hàng thời gian qua đã rất nỗ lực để có thể có những giải pháp hỗ trợ cho các DN và cũng phải hy sinh không ít. Với trách nhiệm xã hội, các DN cũng nên chia sẻ điều này và chủ động thích ứng với hoàn cảnh, tìm chiến lược phù hợp cho DN của mình, lưu ý nắm bắt các chính sách của Nhà nước, các bộ, ngành, trong đó có ngành Ngân hàng để tiếp cận được với các hỗ trợ chứ cũng không nên quá phụ thuộc vào việc kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ”, chuyên gia chia sẻ.
Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể khoảng thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Dự kiến quy định phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020.
Theo đánh giá của NHNN, mốc thời gian 31/12/2020 được xác định theo đánh giá thận trọng căn cứ trên kịch bản 2 về tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam (trong điều kiện Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quý IV/2020).
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng