Không xử lý được tài sản đảm bảo, nợ xấu mua về chỉ để “thờ“
Không xử lý được tài sản đảm bảo, nợ xấu mua về chỉ để “thờ”
Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII cho biết, nợ xấu đã được xử lý một bước, nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của một số ngân hàng.
Do đó, việc gỡ “nút thắt” nợ xấu triệt để hơn sẽ là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Xung vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Cao Sỹ Kiêm bên lề hành lang Quốc hội.
Thưa Đại biểu, ông đánh giá thế nào về quan điểm “không sử dụng ngân sách nhà nước cho quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng”?
Tôi cho rằng, việc xử lý nợ xấu ngân hàng không sử dụng đến ngân sách Nhà nước là tư tưởng tiên tiến, nhưng như vậy thì không thực tế và quá trình xử lý nợ xấu lại rất lâu. Trong khi đó, ở Việt Nam, có nhiều khoản nợ xấu lại đang rơi vào các “con nợ” ở thế “quằn quại” về tài chính, và nguồn vốn ngân hàng cũng có phần hạn hẹp đi. Do vậy, nếu vẫn tiếp tục xử lý nợ xấu theo kiểu “nhỏ giọt” như hiện nay thì không biết tới bao giờ mới xong.
Hay cụ thể hơn, nếu cứ “kẽo kẹt” để các ngân hàng tự trích dự phòng rủi ro để bù vào, tự giải quyết không cần vốn ngân sách nhà nước, thì chắc chắn việc ngân hàng thoát được nợ xấu và doanh nghiệp thoát được tình trạng vi phạm tiêu chuẩn vay vốn còn rất lâu. Bởi vậy, khả năng để ngân hàng hùng mạnh thực sự và doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh là rất khó.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, ngay cả việc các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu cũng đã làm ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước bởi lợi nhuận ngân hàng trực tiếp bị “khấu hao”. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
Việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng là họ đã chấp nhận “ăn ít thôi”, do đó sẽ dẫn đến việc nộp ngân sách cũng ít đi. Như thế có nghĩa là, quyền lợi của ngân hàng bị “xén đi” và đồng nghĩa với việc ngân sách cũng bị “xén đi”.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu là điều mà hệ thống ngân hàng của chúng ta cần phải làm, vì nhiều ngân hàng khó khăn quá rồi. Mặc dù vậy, việc “xén” này cũng nên có giới hạn, không thể làm quá được. Bởi nếu làm mạnh quá sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe các ngân hàng và rất có thể dẫn tới việc đổ vỡ dây chuyền. Do đó, cần hỗ trợ để giúp các ngân hàng hùng mạnh lên thì mới có điều kiện phục vụ lại cho nền kinh tế.
Vậy theo ông, liệu các ngân hàng có thể “tự mình cứu mình”?
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước thì không thể bỏ ra để xử lý nợ xấu ngân hàng được, cho nên chúng ta cần tìm mọi cách củng cố và hoàn chỉnh môi trường pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu. Đây là con đường tốt nhất. Sở dĩ họ không vào được là do chưa có chính sách hoàn thiện, đồng thời do tài sản chưa có tính pháp lý cao, còn nhiều tranh chấp, nên nhà đầu tư không dám mua lại. Tôi nghĩ đây là điều khó và phải nỗ lực lớn, nhưng là lối thoát có khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình xử lý nợ xấu; tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức “mua về để đấy”. Quan điểm của ông thế nào?
Vừa qua, VAMC đã được trao thêm một số quyền để tăng cường vai trò, hiệu quả trong xử lý nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, cần tăng quyền hạn mạnh hơn nữa cho VAMC, thì họ mới quyết được khi xử lý nợ và tài sản bảo đảm đã thu về.
Bên cạnh đó, cần có một chính sách, cơ chế tổng thể hơn với sự phối hợp của nhiều đầu mối cơ quan khác nhau, bởi VAMC mua được nợ xấu, nhưng không xử lý được tài sản bảo đảm, thì nợ xấu cũng chỉ để “thờ” mà không giải quyết được triệt để.
Xin cảm ơn ông!