Lãi suất sẽ ổn định ở mức thấp
Lãnh đạo nhiều ngân hàng chia sẻ, không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng cũng muốn giảm thêm lãi suất, một mặt để chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, mặt khác lãi suất giảm cũng sẽ kích cầu tín dụng trong bối cảnh hiện tín dụng đang tăng trưởng khá chậm. Tuy nhiên việc giảm thêm lãi suất là một bài toán rất khó đối với nhà băng hiện tại.
Khó có thể giảm thêm
Trong Báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu mới đây, Trung tâm phân tích đầu tư Công ty chứng khoán SSI – SSI Research cho biết, NHNN bắt đầu thực hiện thanh toán các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng (mua từ tháng 4), qua đó tiếp tục bổ sung nguồn cung tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng. Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào. Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, kết tuần ở mức 0,68%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,77%/năm ở kỳ hạn 1 tuần, giảm lần lượt 0,02 và 0,06 điểm % so với tuần cuối cùng tháng 9/2021.
Trong tháng 7 và tháng 8, cơ quan điều hành cũng đã bơm ròng 130.000 tỷ đồng vào hệ thống qua việc thực hiện thanh toán các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn mua từ tháng 1 và 2, giúp lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng giữ xu hướng giảm liên tục từ tháng 6 tới nay, hiện ở vùng thấp nhất 6 tháng.
Cùng với thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, việc thanh khoản ổn định là cơ sở quan trọng để NHNN duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Trao đổi với phóng viên một chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất thấp có thể vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch Covid-19.
Nhiều công ty chứng khoán cũng có chung dự báo về tình hình lãi suất. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian còn lại của năm. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra quan điểm, chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng của NHNN xuyên suốt từ thời điểm dịch mới bùng phát cho đến nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý IV/2021.
Tuy nhiên Báo cáo vĩ mô tháng 9/2021 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, xu hướng giảm của lãi suất sẽ chững lại trong quý IV/2021, các nhịp tăng nhẹ có thể xuất hiện vào cuối năm. Cụ thể, đối với thị trường 2, VCBS dự báo thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn dồi dào, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn duy trì xung quanh mặt bằng như hiện tại, chỉ ghi nhận một số áp lực tăng ngắn hạn vào cuối năm. Trong khi đó, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ ổn định ở mặt bằng thấp trong quý IV/2021.
Cho rằng có cơ sở và điều kiện để lãi suất duy trì mặt bằng thấp, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận thấy, để giảm thêm lãi vay là rất khó. Theo chuyên gia này, thực tế có thể thấy ngay là mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây. Nếu lãi suất đầu vào tiếp tục giảm xuống, dòng tiền sẽ chạy vào những kênh đầu tư rủi ro như bất động sản, chứng khoán, gây mất ổn định hệ thống, nên câu chuyện giảm sâu lãi huy động là điều gần như bất khả thi.
Đảm bảo ổn định vĩ mô
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng chia sẻ, không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng cũng muốn giảm thêm lãi suất, một mặt để chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, mặt khác lãi suất giảm cũng sẽ kích cầu tín dụng trong bối cảnh hiện tín dụng đang tăng trưởng khá chậm.
Tuy nhiên việc giảm thêm lãi suất là một bài toán rất khó đối với nhà băng hiện tại. Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, thời gian qua Vietcombank nói riêng cũng như các NHTM nói chung đã rất nỗ lực để hỗ trợ khách hàng. Mặc dù dịch bệnh đang làm tăng áp lực nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro khiến chi phí hoạt động tăng lên, tuy nhiên các ngân hàng vẫn cắt giảm mạnh lãi suất, phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Để làm được điều đó, các ngân hàng đã phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, cắt giảm lương thưởng của cán bộ, giảm lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng.
Theo số liệu thống kê của NHNN lũy kế từ 23/01/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.
Theo các chuyên gia, hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống rất thấp nên muốn giảm thêm lãi suất cho vay, cần phải giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất huy động lại “động chạm” tới lợi ích của người gửi tiền và nếu lãi suất huy động giảm quá thấp có thể khiến dòng vốn đảo chiều chảy vào các kênh đầu cơ thì còn nguy hiểm hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, mà đã là doanh nghiệp thì vẫn phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh. “Ngân hàng có cái khó của ngân hàng, vì khi cắt giảm lợi nhuận thì sẽ phải tính tới câu chuyện quyền lợi của cổ đông, tới đời sống cán bộ nhân viên. Chưa kể là nếu doanh nghiệp dưới chuẩn, thì ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn cho vay được chứ chưa nói tới là lãi suất cao hay thấp, vì mục tiêu cao nhất của ngân hàng phải đảm bảo an toàn vốn, an toàn hệ thống. Một doanh nghiệp lao đao có thể chưa phải là vấn đề, nhưng nếu đặt trường hợp doanh nghiệp đó là một ngân hàng thì hậu quả sẽ là khôn lường cho cả nền kinh tế”, chuyên gia này nêu quan điểm.
Trong khi hiện nợ xấu đang có xu hướng tăng vì dịch bệnh nên các ngân hàng lại càng cần phải duy trì một mức thu nhập tương đối để có dư địa tăng trích lập dự phòng để xử lý những khoản nợ xấu này. Theo TS. Cấn Văn Lực, lợi nhuận của ngân hàng những quý đầu năm 2021 chưa phản ánh đầy đủ tình hình kinh doanh của các nhà băng do liên quan tới việc thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, giãn, hoãn trích lập dự phòng theo Thông tư 14.
Với lãi suất điều hành, NHNN đã ba lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 từ 1,5-2%; qua đó phát tín hiệu cho lãi suất thị trường giảm. Đến nay, sau một năm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm 1%. Ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, hiện lãi suất cho vay giảm nhanh hơn so với lãi suất huy động, theo đó lãi vay giảm 0,7%, lãi suất huy động giảm trên 0,4%. Với định hướng giảm lãi suất điều hành, trên thực tế lãi suất thị trường đã giảm, phù hợp với điều kiện vĩ mô hiện nay.
Tuy nhiên ngân hàng là trung gian tài chính nên phải đảm bảo cân đối, hài hoà giữa huy động vốn và cho vay, an toàn cho thanh khoản ngân hàng, hỗ trợ cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, NHNN tiếp tục theo dõi đầu vào, diễn biến kinh tế vĩ mô để cân nhắc, suy xét điều hành lãi suất trong thời gian tới.
Nguồn: Minh Khôi – Thòi báo ngân hàng