Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn

Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn

Để đáp ứng nhu cầu vốn trong những tháng cuối năm, các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn. Tuy nhiên, khác với mọi năm, năm nay các ngân hàng đang tập trung vào nguồn vốn trung dài hạn.

Bước vào tháng 12/2020, Sacombank công bố một chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm, trong đó năm đầu tiên lãi suất của sản phẩm này ở mức 7%/năm; từ năm thứ hai trở đi, Sacombank sẽ lấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 NHTM Nhà nước ngày 26/11/2020 và cộng thêm 1,2% ra lãi suất cho chứng chỉ tiền gửi thời kỳ tiếp theo. Theo đó, lãi suất chứng chỉ tiền gửi của Sacombank từ năm thứ hai trở đi chỉ ở mức 6,8%/năm do lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank chỉ ở mức 5,6%/năm.

Chứng chỉ tiền gửi của Sacombank có số tiền tối thiểu 1 triệu đồng/chứng chỉ, gốc trả một lần khi đáo hạn, lãi lĩnh hàng năm và có thể chuyển nhượng dưới các hình thức, mua bán, cho tặng trao đổi hoặc thừa kế theo các quy định của ngân hàng này. Theo ban lãnh đạo Sacombank, người mua chứng chỉ tiền gửi này nếu cần vốn vay đầu tư vào sản xuất kinh doanh có thể cầm cố tại Sacombank và nhận được nhiều ưu đãi hơn các sản phẩm tiền gửi khác. Đến ngày đáo hạn, nếu chủ chứng chỉ tiền gửi không đến thực hiện tất toán, ngân hàng sẽ tự động chuyển toàn bộ vốn gốc và lãi suất trong suốt thời kỳ sang tài khoản chờ thanh toán và trả lãi theo mức lãi suất không kỳ hạn của ngân hàng.

Theo Sacombank, mục đích của việc phát hành loại chứng chỉ tiền gửi này là tăng quy mô vốn của ngân hàng và tăng nguồn vốn trung dài hạn, nâng cao các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng và cơ cấu nguồn vốn huy động của Sacombank theo hướng ổn định.

Agribank cũng thông báo phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng vào ngày đầu tháng 12/2020 để có vốn tăng vốn cấp 2 đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN. Đồng thời tăng trưởng nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay của nền kinh tế, đặc biệt cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, DNNVV, các dự án đầu tư trung dài hạn.

Theo kế hoạch, trong đợt phát hành trái phiếu này, Agribank dự kiến phát hành 5 triệu trái phiếu. Trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 7 năm và lãi suất được tính trên cơ sở lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trả cuối kỳ của 4 NHTM Nhà nước và cộng thêm 1,3%/năm cho 5 năm đầu và cộng thêm 1,5% cho năm từ năm thứ 6 cho đến hết năm thứ 7 đáo hạn. Nếu lấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng lĩnh lãi cuối kỳ của Agribank hiện nay là 5,6%/năm, thì lãi suất trong 5 năm đầu của trái phiếu Agirbank là 6,9%/năm, hấp dẫn hơn hẳn so với lãi suất tiền gửi thông thường.

Một số ngân hàng khác có các hình thức làm mới sản phẩm tiền gửi mùa cuối năm. Đơn cử, ACB đang thực hiện nhận tiền gửi từ 1 triệu đồng và cho phép khách hàng tùy chọn ngày đáo hạn theo mong muốn thông qua hình thức trực tuyến (online) sẽ được tặng thêm 0,4% lãi suất so với gửi tại quầy. Đặc điểm của sản phẩm tiền gửi này là phải có tài khoản thanh toán của khách hàng để trích tiền, nhưng kỳ hạn gửi cũng nằm trong phạm vi từ 1-12 tháng. Ngoài ra, người gửi tiền trên ứng dụng Savy 2 của Tienphong Bank trong tháng 12 này sẽ được tặng tiền từ 0,2-0,6% vào tài khoản thanh toán, tùy theo số lượng tiền gửi tăng thêm – tối đa 2 triệu đồng khi gửi có kỳ hạn…

Một chuyên gia kinh tế cho biết, nhìn vào cơ cấu lãi suất huy động của ngân hàng có thể dự báo lãi suất trong tương lai không thể cao hơn so với năm nay hoặc có thể giảm thêm. Nguyên do, đại dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, kéo theo đó nhu cầu tín dụng cũng sụt giảm. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng không thể để lãi suất huy động quá cao sẽ gây áp lực về chi phí đầu vào cho chính các ngân hàng khi không thể thúc đẩy cho vay.

Đặc biệt, hiện thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào cũng tạo điều kiện cho các nhà băng tập trung thu hút nguồn tiền gửi trung – dài hạn để cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng bền vững hơn. Chứng chỉ tiền gửi bản chất cũng là một hình thức tiết kiệm nhưng có kỳ hạn dài hơn, ưu điểm lãi suất bao giờ cũng cao hơn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài thông thường. Các ngân hàng huy động các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi hoặc trái phiếu công chúng hầu hết đều đã có một dự định đầu tư có địa chỉ vào một dự án lớn như phát triển nông nghiệp công nghệ, đầu tư công nghệ… Theo đó, hình thức huy động trái phiếu hay chứng chỉ tiền gửi ngân hàng ổn định được nguồn vốn trong suốt một giai đoạn dài trong đầu tư tín dụng cho một lĩnh vực ngân hàng có thế mạnh và tạo được tính ổn định lãi suất cho thị trường.

Nguồn: Minh Phương – Thời báo ngân hàng

Share this post