Ngân hàng lại tìm cách “lách trần” lãi suất
Ngân hàng lại tìm cách “lách trần” lãi suất
Rất có thể một vài ngân hàng đã vượt trần lãi suất huy động, nếu tính cả chi phí khuyến mại, lãi suất thưởng cho khách hàng gửi tiền. Liệu Ngân hàng Nhà nước có “tuýt còi” những ngân hàng này hay sẽ tính đến việc thả nổi lãi suất?
Lệ thường, cứ đến cuối năm các ngân hàng lại lấy lý do nhu cầu vốn tăng cao nên đã đẩy mạnh khuyến mại để thu hút tiền gửi từ trong dân. Năm nay có lẽ sôi động hơn vì tín dụng toàn hệ thống đã tăng mạnh nhất từ năm 2012 trở lại đây và có thể đã đẩy nhiều ngân hàng vào tình huống thiếu hụt thanh khoản tạm thời.
Lãi suất huy động có “vượt trần”?
Dạo qua thị trường lãi suất huy động của các ngân hàng có thể thấy hầu hết các ngân hàng đều để lãi suất huy động kỳ dưới 6 tháng dưới trần lãi suất 5,5%. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã dùng chiêu thưởng, khuyến mại để lách trần.
Ví dụ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hiện đang có mặt bằng lãi suất huy động kỳ dưới 6 tháng gần như cao nhất hệ thống với mức 5,4% cho kỳ hạn 3 tháng. Điều đáng nói, ngân hàng này đang triển khai chương trình khuyến mãi “Xuân Phương Đông – Nhận vàng phát tài” với hơn 4 tỷ đồng được dành để tặng quà, tặng lãi suất ưu đãi cho khách hàng gửi tiền. Chương trình này diễn ra từ 14/1/2/2015 – 13/3/2016.
Điều đáng nói, OCB đã không minh bạch mức lãi suất ưu đãi cho khách hàng gửi tiền nên không rõ ngân hàng này đã vượt trần lãi suất 5,5% hay chưa? Để có câu trả lời, có lẽ cần có sự vào cuộc của Cơ quan thanh tra NHNN.
Một trường hợp nữa, lãi suất huy động kỳ 3 tháng của một ngân hàng là 5,25%. Tuy nhiên, ngân hàng này đang triển khai trương trình khuyến mại với phần thưởng trị giá lên tới 23 tỷ đồng. Những chi phí này thực chất đều là chi phí vốn đầu vào của ngân hàng. Với tình huống này, liệu nhà băng này đã vượt “trần” 5,5% chưa? Câu trả lời này dành cho Cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
Thực tế, trên thị trường cũng còn nhiều ngân hàng đang có mức lãi suất huy động kỳ 3 tháng ở mức trần và gần chạm trần như NCB là 5,5%; VPBank, SHB, PGBank và VietBank với mức 5,3%; SCB, VietABank và GPBank là 5,4%; KienLongBank là 5,4%; VietCapitalBank và Ngân hàng Xây dựng là 5,45%…
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác lãi suất huy động tuy vẫn còn cách trần nhưng với việc tặng thêm lãi suất, khuyến mại thực tế cũng là tăng thêm chi phí đầu vào. Ví như VIB với chương trình khuyến mại tặng thêm 0,15%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng so với lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tương ứng công bố tại quầy/website của ngân hàng.
Thực tế, hệ thống ngân hàng đã không còn dư dật thanh khoản như những năm về trước do tín dụng đã tăng mạnh trở lại. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 18%, cao hơn so với năm 2014 là 14,16%.
Dữ liệu thống kê từ NHNN cũng cho thấy, vào thời điểm giáp Tết, để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng đang tăng cường vay mượn tiền đồng lẫn nhau.
Báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, cho thấy tuần cuối tháng 12/2015, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 162.278 tỷ đồng (bình quân 32.456 tỷ đồng/ngày), tăng 33.275 tỷ đồng so với tuần trước đó. Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm và 01 tuần (chiếm 35% tổng doanh số giao dịch VND).
NHNN sẽ “tuýt còi” hay bỏ trần lãi suất?
Bình luận về hiện tượng này, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng việc các ngân hàng lách trần lãi suất sẽ càng khiến cho bức tranh hoạt động ngân hàng thêm rối mù. “Tại sao lại đi lại đi ủng hộ một việc làm sai quy định (ngay cả khi quy định bất hợp lý)”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết chưa bao giờ ông ủng hộ việc áp trần lãi suất cả. “Việc NHNN cần làm là phải tự do hóa lãi suất. Nếu chỉ đổ lỗi cho việc “lách trần” của các ngân hàng là do họ quản trị thanh khoản chưa tốt là không đúng. Thực tế, NHNN đã tước đi công cụ quản trị thanh khoản của họ đấy chứ”, ông Tuấn nhận định.
Ông Tuấn cho biết từ 2002 là NHNN đã tự do hóa lãi suất với VND rồi, nhưng những cuộc chạy đua lãi suất gian đoạn 2008-2011 khiến cho NHNN quay trở lại áp trần lãi suất. “Chính sách này thực ra là một công cụ áp chế tài chính (financial depression) và nên bỏ càng sớm càng tốt”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Với lo ngại việc tự do hóa lãi suất sẽ khiến các ngân hàng sẽ tăng mạnh lãi suất huy động và không đạt được mục tiêu duy trì lãi suất thấp, ông Tuấn đặt câu hỏi ngược lại: Các nước khác không áp dụng trần lãi suất, họ quản lý lãi suất bằng cách nào? Thực tế NHNN có thể quản lý lãi suất bằng các công cụ của chính sách tiền tệ, như OMO, lãi suất tái chiết khấu…
“NHNN nếu muốn duy trì lãi suất mục tiêu thấp thì bơm tiền ra, còn không dám bơm tiền vì sợ lạm phát và mất giá VND theo như cam kết thì cũng không được lạm dụng công cụ áp trần lãi suất, vì nó gây ra các hệ lụy tiêu cực cho hệ thống tài chính. Nói chung là do Ngân hàng nhà nước tham lam, muốn đạt được đa mục tiêu cùng lúc”, ông Tuấn kết luận.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng cần phải tự do hóa lãi suất. “Để quản lý lãi suất NHNN có rất nhiều công cụ, trong đó có công cụ lãi suất trên thị trường mở (OMO)”.
( trích nhipsongkinhdoanh)