Ngân hàng Nhà nước vững vàng vượt qua thử thách
Vững vàng vượt qua thử thách
Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng nhà nước cần tiếp tục linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống…
Với những biến động khó lường của địa chính trị thế giới, năm nay dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động bất lợi. Vì thế, dù gặt hái nhiều thành công trong giai đoạn vừa qua, song các chuyên gia vẫn cho rằng, ngân hàng nhà nước cần tiếp tục linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống..
GS.TS. Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân
Linh hoạt và kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT
Thời gian tới, ngân hàng nhà nước cần xây dựng mục tiêu điều hành CSTT trong từng thời kỳ phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, trên cơ sở theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tài chính – tiền tệ trong nước và thế giới để kịp thời, chủ động đưa ra các dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Từ đó, ngân hàng nhà nước cần có các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ. Tiếp tục điều hành linh hoạt và kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sử dụng có hiệu quả các công cụ điều hành gián tiếp, phù hợp với sự phát triển của thị trường; hoàn thiện chính sách lãi suất, điều hành hiệu quả lãi suất thị trường hướng tới thực hiện mục tiêu của CSTT.
Một vấn đề chúng ta cần lưu ý nữa là cần tăng cường phối hợp chặt chẽ CSTT và CSTK và các chính sách vĩ mô khác; điều phối có hiệu quả các dòng luân chuyển tiền tệ phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động trong nền kinh tế.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngân hàng nhà nướccần tiếp tục duy trì điều hành chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách lãi suất, theo sát tín hiệu thị trường, phù hợp với cung – cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô, nhằm nâng cao vị thế đồng Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, bảo đảm các nhu cầu mua – bán ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng kịp thời.
Thực hiện theo lộ trình các biện pháp phát triển thị trường ngoại tệ phù hợp với khuôn khổ điều hành CSTT và tỷ giá, nâng cao năng lực điều tiết của ngân hàng nhà nước đối với thị trường ngoại tệ, đặc biệt là thị trường ngoại tệ liên NH, tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích việc phát triển các công cụ phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện lộ trình chống vàng hóa trong nền kinh tế, tiến tới huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế. Chúng ta cũng cần tiếp tục kiện toàn, từng bước tổ chức lại thị trường vàng trong nước, nâng cao khả năng quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với thị trường này…
TS. Bạch Ngọc Thắng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thắng, PGS. TS. Lê Quang Cảnh
Tránh xáo trộn trong kỳ vọng
Việc điều hành tỷ giá của Việt Nam năm 2016 cần được đặt trong hai bối cảnh mới là CNY đã chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của IMF và FED đưa ra lộ trình bình thường hoá (tăng) lãi suất trong giai đoạn 2016 – 2018.
Bối cảnh thứ nhất cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, bởi Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào trao đổi thương mại với Trung Quốc. Ở bối cảnh thứ hai, lộ trình tăng lãi suất của FED sẽ gây áp lực rất lớn đến tài khoản vãng lai của Việt Nam trong ngắn hạn khi các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn có xu hướng chuyển ngược về Mỹ, nơi có lãi suất cao hơn.
Với hai bối cảnh mới trên, cơ chế điều hành tỷ giá mới cần có sự linh hoạt nhất định để tránh gây xáo trộn trong kỳ vọng của thị trường. Năm 2016, chính sách điều hành tỷ giá cần có những điều chỉnh cơ bản để tạo tiền đề cho việc tự do hoá lãi suất trong những năm tiếp theo.
Điều này là cần thiết bởi Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. ngân hàng trung ương có thể thực hiện giảm dần việc neo vào USD trong việc điều hành tỷ giá với việc đưa ra một tham chiếu như tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa với một rổ tiền tệ bao gồm các đồng tiền chủ chốt. Việc thực thi cơ chế tỷ giá mới cần một số điều kiện nhất định.
Thứ nhất, ngân hàng nhà nước cần duy trì một khối lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để can thiệp khi có những biến động lớn trên thị trường. Thứ hai, cần tăng cường công tác dự báo và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn về lạm phát và tăng trưởng.
Đây là những nền tảng quan trọng cho việc tạo dựng một chính sách tỷ giá mới, hiện đại trong tương lai. Bởi những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô cần dựa trên những dự báo tốt để điều chỉnh các kỳ vọng và động cơ trên thị trường, hướng đến việc đạt được những mục tiêu trong dài hạn, thay vì các mục tiêu ngắn hạn và chạy theo những diễn biến trong quá khứ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Cải tổ mạnh mẽ về cơ chế, cơ cấu và chính sách
Thị trường tiền tệ của Việt Nam hiện có sự phát triển tốt. Nhưng chúng ta đang có rủi ro lớn bởi nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào thị trường tiền tệ.
Hiện nguồn vốn huy động dưới 12 tháng tương đối dồi dào, nhưng như vậy chúng ta lại bị rơi vào trường hợp “lấy ngắn nuôi dài”. Đó là rủi ro tài chính rất lớn cho thị trường tiền tệ. Thị trường tiền tệ đóng vai trò quá nặng nề trong vấn đề phát triển kinh tế, nguy cơ rủi ro lớn về thanh khoản. Cái nguy hiểm hơn mà tôi nhìn thấy, có tác động “gặm nhấm” đến sự phát triển của nền kinh tế là lãi suất cao so với các nước.
Muốn phát triển nền kinh tế, lãi suất của chúng ta phải hạ xuống thấp, nhất là với những nguồn vốn dài hạn, ví dụ bên Mỹ lãi suất chỉ 3 – 4%. Tuy nhiên, ở các nước nguồn vốn dài hạn lên đến 20 – 30 năm thì ở Việt Nam không có mà đẩy nhu cầu vốn đó qua thị trường tiền tệ.
Do hệ thống TCTD đang đóng vai trò đầu tư vốn chính cho nền kinh tế với áp lực lớn khiến mặt bằng lãi suất ở mức cao. Một điểm nữa, nhiều món nợ của Chính phủ đẩy vào thị trường vốn. TPCP lãi suất cao, lên tới hơn 5%/năm. Với một lãi suất của TPCP mà hệ số rủi ro bằng 0 mà đã 5%/năm thì hiếm có người gửi tiền nào chịu nhận lãi suất thấp. Và như vậy những người sử dụng vốn sẽ phải trả lãi cao vì không còn cách nào khác. Tất cả những yếu tố đó đẩy lãi suất lên cao, cản trở phát triển kinh tế.
Hy vọng năm 2016 Chính phủ hạ lãi suất xuống bằng việc kiểm soát nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách. Vấn đề phải bắt đầu từ Chính phủ để có thể giữ được thị trường tiền tệ ở mức ổn định và phát triển thị trường vốn. Nan giải ở chỗ chi phí quốc gia lớn, nhưng nguồn thu ngày càng eo hẹp, lại thêm việc giá dầu xuống kỷ lục đã giáng một đòn mạnh vào những nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Nhưng dù cho khó khăn bao nhiêu, nếu vấn đề về kỷ luật tài chính của Chính phủ được thắt chặt lại thì sẽ có hy vọng. Về phía ngân hàng nhà nước, cần phải có sự cải tổ mạnh mẽ về cơ chế, cơ cấu đến chính sách. Thứ nhất, ngân hàng nhà nước phải trở thành một ngân hàng trung ương độc lập, nếu không gánh nặng sẽ rất lớn. Bởi nếu không độc lập, ngân hàng nhà nước sẽ khó mà có CSTT hữu hiệu. Chúng ta cần phải theo dần thông lệ quốc tế, khi ngân hàng trung ương phải là đối trọng của Bộ Tài chính.
Thứ hai, chính sách của ngân hàng nhà nước cần mạnh dạn đưa cả hệ thống ngân hàng vào kinh tế thị trường, chịu sự điều tiết của thị trường, như việc ngân hàng thương mại yếu kém sẽ xem xét cho phá sản. Để làm được những chuyện này, chắc chắn sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn đau đớn, nhưng chúng ta phải chịu sự hy sinh về trước mắt vì quyền lợi lâu dài của đất nước.
( trích thoibaonganhang)