Ngân hàng – Nỗ lực tìm vốn trung và dài hạn
Ngân hàng – Nỗ lực tìm vốn trung và dài hạn
NHNN đang lấy ý kiến dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó có đưa ra 2 phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của TCTD xuống còn 30%.
Cụ thể, theo phương án 1, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn chỉ duy trì ở mức 40% đến hết ngày 30/6/2020; từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ này sẽ giảm xuống mức 35%; từ ngày 1/7/2021 sẽ được giảm tiếp xuống còn 30%.
Còn với phương án 2, lộ trình giảm sẽ được giãn hơn. Cụ thể tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn cũng sẽ được duy trì ở mức 40% đến hết ngày 30/6/2020; từ 1/7/2020 đến hết 30/6/2021 tỷ lệ này sẽ giảm xuống mức 37%; từ 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 giảm tiếp còn 34%; và từ 1/7/2022 tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 30%.
Để chuẩn bị cho lộ trình này, ngay từ đầu năm nay nhiều NHTM đã đẩy mạnh huy động vốn trung dài hạn nhằm cơ cấu nguồn vốn đẩy lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ 2018. Hiện NHTMCP Bản Việt huy động kỳ hạn 24 tháng với lãi suất 8,6%/năm, tăng 0,53% so với năm 2018; SCB trả lãi suất tiết kiệm online lên đến 8,9%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng…
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu cũng là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong việc huy động vốn dài hạn. Với lượng phát hành giá trị lớn, kỳ hạn dài, ngân hàng có thêm nguồn vốn dài hạn ổn định.
Đơn cử, trong những tháng đầu năm nay VietinBank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi và không có bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn 5 năm. Trước đó, ngân hàng này còn phát hành 2.900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Vietcombank cũng đã chào bán thành công 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thời hạn 10 năm. Đây là loại chứng khoán không chuyển đổi và không có bảo đảm bằng tài sản, lãi được thanh toán sau hàng năm là 7,57%/năm.
Hay như VPBank đã thực hiện thành công 3 đợt phát hành trái phiếu cho VPS với tổng giá trị đạt 1.200 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, kỳ hạn 3 năm; mức lãi suất danh nghĩa áp dụng cho các lô trái phiếu này dao động từ 6,4% – 6,9%/năm.
Trước đó, trong tháng 4 VPS cũng đã liên tục mua vào tới 3.000 tỷ đồng trái phiếu của VPBank với mức lãi suất cũng chỉ từ 6,4 – 6,9%/năm. Không dừng lại ở việc phát hành trái phiếu trong nước mà VPBank còn đang thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản đối với cổ đông để thông qua phương án chào bán trái phiếu và niêm yết trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài.
ACB cũng vừa công bố thông tin về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 năm 2019 với tổng giá trị phát hành tối đa là 5.500 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 2-3 năm. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất cố định trong suốt thời hạn phát hành; mức lãi suất cụ thể tùy theo điều kiện thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư và sẽ do tổng giám đốc ngân hàng quyết định, tối đa 6,75%/năm đối với kỳ hạn 3 năm và 6,7%/năm đối với kỳ hạn 2 năm. Trước đó, ACB cũng đã huy động thành công 2.350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, với mức lãi suất 6,8%/năm trong đợt phát hành riêng lẻ đợt I/2019.
Bên cạnh việc tăng lãi suất nhằm cơ cấu nguồn vốn, các ngân hàng qua từng năm cũng liên tục tăng vốn điều lệ nhằm tăng quy mô tiềm lực tài chính để mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, TCTD còn tìm đến các hình thức vay khác như vay nước ngoài, tiếp cận các nguồn tài trợ ủy thác các tổ chức quốc tế, hoặc thông qua thị trường chứng khoán.
Theo thông tin từ trang điện tử NHNN Việt Nam công bố hoạt động ngân hàng tuần từ ngày 22-26/4/2019, lãi suất huy động VND bình quân của các TCTD có mức phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn toàn hệ thống các TCTD trong những năm qua ở ngưỡng khoảng 30-32%. Theo đó, mức cho phép 40% từ giữa năm 2020 có lẽ sẽ không phải là vấn đề lớn đối với các NHTM. Lộ trình giảm xuống 30% đến giữa năm 2021 cũng khá dài, đủ để các ngân hàng có thể sắp xếp, cơ cấu lại nguồn vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, cho rằng việc giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 30% là phù hợp với thông lệ quốc tế khi mà ở nhiều nước phát triển, hệ số này chỉ ở mức 20%. Theo ông Hiếu, nếu tỷ lệ này càng cao rủi ro đối với các ngân hàng càng tăng lên, nên việc NHNN giảm chỉ số này xuống là hợp lý.
(Nguồn Thời Báo Ngân hàng)