Ngân hàng thương mại đang khổ vì thủ tục hành chính

Ngân hàng thương mại đang khổ vì thủ tục hành chính

NHTM đang khổ vì thủ tục hành chính

“Hiện đang có nhiều vướng mắc trong giao dịch của DN với Ngân hàng, mà hầu hết nguyên nhân thì lại do quy định của bộ, ngành khác gây ra”, TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết khi trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh

Bà Trần Thị Hồng Hạnh

Trong 51 trang báo cáo tập hợp kiến nghị của các hiệp hội DN gửi tới Hội nghị Thủ tướng gặp DN ngày 29/4 vừa qua, phần do VNBA kiến nghị chiếm tới 18 trang. Thực sự các Ngân hàng đang phải đối mặt nhiều khó khăn như vậy?

Chúng tôi kiến nghị nhiều vì bản thân các Ngân hàng thương mại cũng đang “khổ vì thủ tục hành chính”. Nguyên nhân do quy định của bộ, ngành khác còn chồng chéo, các quy định chưa rõ ràng… dẫn đến một quy định có nhiều cách hiểu và xử lý khác nhau của cán bộ thụ lý hồ sơ gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc hoàn tất các thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển SXKD của DN và nhu cầu vốn vay tiêu dùng của khách hàng. Và còn nhiều vấn đề mà các Ngân hàng và VNBA đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết. Mà nếu vướng mắc không được giải quyết, cơ hội tiếp cận vốn của DN vẫn bị cản trở.

Ví dụ về một kiến nghị được VNBA đưa ra nhiều lần?

Nếu chiểu theo khoản 1a Điều 12 Luật thuế GTGT và Khoản 1a Điều 9 Nghị định 209/2013/NĐ-CP thì thuế GTGT đầu vào của các chi phí liên quan đến hoạt động máy ATM của các TCTD (trừ chi phí mua máy) sẽ được khấu trừ toàn bộ. Tuy nhiên, Khoản 1c Điều 9 của NĐ 209 nêu trên lại quy định thuế GTGT đầu vào TSCĐ, máy móc, thiết bị của các TCTD không được khấu trừ (Nội dung này đã được hướng dẫn cụ thể tại khoản 3 Điều 14 Thông tư 219/2014/TT-BTC).

Các NHTM đang "khổ vì thủ tục hành chính"

Các NHTM đang “khổ vì thủ tục hành chính”

Như vậy, cùng một nghị định, cùng một điều khoản nhưng các nội dung quy định lại khác nhau, nên việc xử lý không nhất quán, không có sức thuyết phục (Bộ Tài chính chỉ đồng ý cho các TCTD được khấu trừ thuế GTGT đầu vào ATM đến hết năm 2013, từ 1/1/2014 trở đi thì không được khấu trừ).

Để khắc phục tình trạng bất cập nêu trên, Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi khoản 3 Điều 14 Thông tư 219 nhưng tới nay vẫn chưa được Bộ Tài chính chấp thuận, vẫn chưa được khấu trừ. Nhân Hội nghị Thủ tướng gặp DN, VNBA đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát triển hệ thống ATM, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các phương tiện phục vụ triển khai công nghệ thanh toán điện tử như ATM, POS…

Một trong các kiến nghị của VNBA đến Thủ tướng là đề cập chuyện hợp đồng bảo đảm đã ký, đã công chứng nhưng phải làm lại toàn bộ vì cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (GDBĐ) yêu cầu điều chỉnh hợp đồng làm tốn thời gian, tăng chi phí. Cụ thể như thế nào?

Chuyện này là có. Theo quy định tại Nghị định 83/2010/NĐ-CP thì người thực hiện đăng ký GDBĐ có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký, yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ; chỉ được từ chối tiếp nhận khi hồ sơ đăng ký, đơn yêu cầu cung cấp thông tin không hợp lệ hoặc không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, cán bộ thụ lý hồ sơ ở một số cơ quan đăng ký gây khó khăn cho các Ngân hàng trong quá trình đăng ký, yêu cầu điều chỉnh các nội dung trong hợp đồng bảo đảm đã được các bên ký kết và được công chứng, nếu không điều chỉnh lại nội dung hợp đồng thì từ chối đăng ký, mặc dù không thuộc phạm vi từ chối đăng ký được quy định trong Nghị định 83.

Vì thế nên VNBA cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý có văn bản hướng dẫn các cơ quan đăng ký thực hiện thống nhất việc đăng ký GDBĐ, trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến đăng ký GDBĐ, các quy định của pháp luật nằm phân tán trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như pháp luật về Dân sự, Đất đai, Nhà ở, Hàng không dân dụng Việt Nam, Hàng hải, Sở hữu trí tuệ… Đó cũng là một khó khăn cần phải xử lý, thưa bà?

Hiện nay, hệ thống các quy định của pháp luật về GDBĐ còn tản mạn, chồng chéo và không thống nhất, nên rất khó cho việc theo dõi, thực hiện, nhất là quy định về việc đăng ký GDBĐ. Chẳng hạn, khái niệm về tài sản hình thành trong tương lai tại Nghị định 163, Nghị định 11 và các luật (Bộ luật Dân sự 2015, Luật nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014) có sự không thống nhất với nhau. Đề nghị Bộ Tư pháp rà soát trình Chính phủ sửa đổi khái niệm “Tài sản hình thành trong tương lai” để đảm bảo sự thống nhất giữa các luật, tạo điều kiện thuận lợi cho đăng ký GDBĐ.

Việc thế chấp tài sản là QSDĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba (người khác) dưới hình thức hợp đồng thế chấp phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự và pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Tuy nhiên, hiện nay, một số Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương cho rằng tổ chức, cá nhân dùng tài sản là QSDĐ của mình để thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ của người khác là quan hệ bảo lãnh, không phải là thế chấp, từ chối đăng ký đối với trường hợp trên.

Vì vậy, VNBA đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ TNMT có hướng dẫn rõ việc thế chấp tài sản là QSDĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba (người khác) là hoàn toàn hợp pháp và có hướng dẫn cho các Sở TN và MT địa phương thực hiện đăng ký thế chấp QSDĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba.

Một trường hợp vướng mắc khác, Điều 3 Nghị định 163 đã quy định rõ phạm vi nghĩa vụ bảo đảm của tài sản gồm các nghĩa vụ hiện tại và các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai.

Tuy nhiên khi TCTD đưa nội dung này vào hợp đồng thế chấp bảo đảm cho toàn bộ các nghĩa vụ đã, đang và sẽ phát sinh trong tương lai theo các hợp đồng tín dụng/hợp đồng cấp bảo lãnh ký giữa bên vay/bên được bảo đảm và TCTD thì một số văn phòng công chứng không chấp thuận điều khoản này mà yêu cầu TCTD phải quy định rõ bảo đảm cho nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng cụ thể nào.

Việc này gây khó khăn cho TCTD và khách hàng, nhất là đối với khách hàng có quan hệ tín dụng thường xuyên, có nhiều món vay với TCTD. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể và yêu cầu các văn phòng công chứng thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hay một vấn đề khác, các loại tài sản khác nhau cũng đang phải đăng ký ở các cơ quan nhận đăng ký GDBĐ khác nhau như Cục Đăng ký Quốc gia GDBĐ thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, Sở Địa chính, UBND xã, phường, thị trấn… Việc tổ chức thực hiện đăng ký GDBĐ cũng chưa được thống nhất, đặc biệt ở các địa phương, gây khó khăn cho DN và Ngân hàng.

Có DN phải thế chấp, cầm cố nhiều tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ tại một Ngân hàng thì DN buộc phải đi đến nhiều cơ quan để thực hiện việc đăng ký GDBĐ đó. Do vậy, chi phí, thời gian để đăng ký việc thế chấp, cầm cố tài sản của DN bị tăng lên, gây khó khăn cho DN. Chúng tôi kiến nghị nên thống nhất và tập trung các quy định liên quan tới việc đăng ký GDBĐ động sản để thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tế, tránh tình trạng phải đăng ký tại nhiều cơ quan do có nhiều loại tài sản khác nhau cùng đảm bảo cho 1 nghĩa vụ nợ vay.

Theo bà, để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, còn những vấn đề gì cần phải sửa đổi?

Để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tín dụng Ngân hàng tốt hơn, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả DN lẫn Ngân hàng; Hoàn thiện khung khổ pháp luật về GDBĐ, đặc biệt là pháp luật về tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản theo thông lệ quốc tế như hàng tồn kho trong thời gian luân chuyển, như các khoản phải thu, hay tài sản trí tuệ…; Tăng cường hơn nữa các chính sách khuyến khích các DN nâng cao năng lực tài chính, năng lực kinh doanh thông qua các công cụ đòn bẩy tài chính, xây dựng mô hình kinh doanh “chuỗi giá trị”, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; Cần có các giải pháp triển khai trong thực tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; Gia tăng giải pháp phát triển thị trường vốn để giảm áp lực đối với hệ thống Ngân hàng trong việc phải sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, góp phần đảm bảo cho hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

( trích thoibaonganhang)

Share this post