Ngân hàng tập trung phát triển nền tảng mobile
Ngân hàng tập trung phát triển nền tảng mobile
Một số ngân hàng mở ra các ứng dụng trợ lý ảo, tư vấn dịch vụ 24/7 trên mạng xã hội, xây dựng kho dữ liệu lớn thu thập tự động từ nhiều nguồn, phân tích hành vi khách hàng nhằm cung ứng sản phẩm phù hợp, mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng Mobile Banking…
Một Phó tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, hiện có đến 53% dân số sở hữu điện thoại di động thông minh, cộng với những tiến bộ về công nghệ liên quan đến thiết bị di động đang thay đổi nhanh chóng thói quen của người tiêu dùng. Do vậy, các ngân hàng cũng phải từng bước thay đổi phương thức phân phối sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là việc chú trọng phát triển những dịch vụ qua Mobile Banking thay vì Internet Banking như trước đó.
Dẫn số liệu của Vụ Thanh toán NHNN, một đại diện Sacombank cũng chia sẻ, hiện có khoảng 35% ngân hàng đã và đang triển khai xây dựng thành công chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh số, trong đó tập trung chủ yếu vào loại hình Mobile Banking.
Nếu xét riêng về số liệu ở mảng thanh toán của Sacombank, thời gian qua ngân hàng này cũng chủ động đầu tư xây dựng và số hóa ngân hàng nhằm tăng khả năng cạnh tranh thông qua các dự án như: triển khai hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM, khởi động dự án nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi T24 từ phiên bản R11 lên phiên bản R17, đầu tư công nghệ thanh toán và bảo mật của hoạt động thẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cấp hệ thống ngân hàng điện tử Mobile Banking.
Kết quả của việc đầu tư nêu trên đã giúp Sacombank tăng doanh thu dịch vụ năm 2018 lên 2.682 tỷ đồng, tăng 47,1% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 23% tổng nguồn thu. Trong đó, dịch vụ Mobile Banking của Sacombank đạt kết quả ấn tượng với lượt sử dụng Mobile Banking đạt mốc 1,4 triệu người (tăng 32,4%). Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang tích cực phát triển hệ thống đối tác liên kết để đa dạng sản phẩm, dịch vụ trong thanh toán hóa đơn, mua hàng, chuyển tiền.
Thực tế, việc phát triển ngân hàng điện tử đã được các ngân hàng chú trọng đầu tư suốt thời gian qua, có điều dịch vụ thanh toán trực tuyến Internet Banking và Mobile Banking, số lượng người tiêu dùng sử dụng các loại hình dịch vụ này chưa đạt con số như kỳ vọng. Thế nên, gần đây các ngân hàng mong muốn tập trung vào một mối để phát triển và chọn dịch vụ Moblie Banking vì hình thức này ngày càng thân thiện với người dùng.
Để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ này, gần đây, các ngân hàng mở rộng tính năng của Mobile Banking thay vì chỉ dừng lại ở hình thức căn bản như: Chuyển khoản; Truy vấn thông tin tài khoản; Mở tài khoản tiết kiệm, tất toán tài khoản tiết kiệm; Thanh toán hóa đơn dịch vụ, thanh toán tiền điện thoại trả sau, nạp tiền điện thoại cho thuê bao trả trước. Cụ thể, khách hàng hiện có thể thực hiện nhiều nhu cầu dịch vụ đời sống hàng ngày như mua sắm, du lịch, nhà hàng, khách sạn.
Không chỉ vậy, một số ngân hàng mở ra các ứng dụng trợ lý ảo, tư vấn dịch vụ 24/7 trên mạng xã hội, xây dựng kho dữ liệu lớn thu thập tự động từ nhiều nguồn, phân tích hành vi khách hàng nhằm cung ứng sản phẩm phù hợp, mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng Mobile Banking.
Sự thay đổi của các ngân hàng cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của khác hàng. Khi mà cuộc sống của giới trẻ ngày nay gắn liền với thiết bị di động: thức dậy với đồng hồ báo thức, đọc tin qua mạng xã hội; liên lạc với bạn bè, người thân, khách hàng qua các ứng dụng chat; đặt taxi, thức ăn, đặt vé máy bay, khách sạn qua ứng dụng; mua vé xem phim trực tuyến… Cùng lúc đó, tính năng mà dịch vụ Mobile Banking mang lại được đánh giá là đơn giản, dễ sử dụng, phương thức giao dịch đa dạng, tương thích với nhiều loại điện thoại, giao dịch đảm bảo an toàn và được bảo mật.
Nếu so với hình thức Internet Banking, dịch vụ Mobile Banking không có nhiều khác biệt vì cả 2 dịch vụ đều có thể đảm nhiệm được việc thực hiện các giao dịch online như chuyển tiền online, thanh toán online… Thế nhưng, trong bối cảnh người dùng thiết bị di động thông minh đang tăng ở cấp số nhân khiến việc triển khai dịch vụ thanh toán trên nền tảng Mobile Banking có phần tiện lợi hơn. Trong khi đó, việc sử dụng Internet Banking không phải ai cũng có máy vi tính bên cạnh hạn chế sử dụng dịch vụ.
Bước tiến nhảy vọt của Mobile Banking xuất phát từ việc phát triển công nghệ thanh toán phù hợp với xu hướng di động của người dân. Theo đó, người tiêu dùng hiện nay chỉ cần cài đặt ứng dụng Mobile Banking, việc thanh toán chỉ diễn ra trong khoảng 30 giây, không cần tiền mặt, không cần cà thẻ.
Xét về độ bảo mật, thanh toán trên Mobile Banking cũng giảm thiểu hành vi trộm cắp thông tin thẻ ngân hàng khi khách hàng không cần cung cấp thông tin cho bên thứ 3, khách hàng hoàn toàn chủ động thanh toán trên điện thoại di động. Mặt khác, quá trình thanh toán được bảo vệ thông qua 2 lớp bảo mật, một là mật khẩu đăng nhập ứng dụng, hai là bước xác thực giao dịch bằng mã OTP (hoặc bằng vân tay, nhận diện khuôn mặt, SoftOTP…).
(Trích thời báo ngân hàng)