Ngân hàng tìm cách kích tín dụng cuối năm
Nhiều ngân hàng sẵn sàng tài trợ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, năng lượng… tỷ lệ tới 90%, thậm chí 100% với lãi suất thấp nhằm kích tín dụng.
Mới đây, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết sẽ tài trợ vốn lưu động để khách hàng thu mua nguyên vật liệu, thanh toán các chi phí sản xuất, gia công đơn hàng xuất khẩu với tỷ lệ tới 90% nhu cầu vốn và thời hạn vay lên 12 tháng.
Ngoài lĩnh vực xuất khẩu, các ngân hàng cũng khá chú trọng đến mảng năng lượng tái tạo. Cụ thể, MBBank, Sacombank, OCB, VPBank… cho hay, sẵn sàng tài trợ vốn lên đến 70%, thậm chí 100% giá trị cho các dự án thuộc lĩnh vực này, lãi suất chỉ từ 8-10% một năm. Thời hạn vay 5 năm, tài sản đảm bảo chính là các hệ thống điện năng lượng mặt trời hình thành từ vốn vay.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh huy động vốn tại các ngân hàng có xu hướng tăng cao, nhưng tăng trưởng cho vay vẫn chậm, thậm chí có nơi tín dụng đến nay tăng chỉ vài ba phần trăm dù chỉ 2 tháng nữa là hết năm. Bài toán cho vay vì vậy càng khiến nhiều ngân hàng đau đầu.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam thừa nhận, hiện nay rất khó đẩy mạnh tín dụng bởi phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn sau hai đợt Covid-19. Tuy nhiên, theo ông, trong tình thế khó khăn như hiện nay, vẫn có một số mảng sáng như điện năng lượng, xuất khẩu hay tiêu dùng.
Theo đó, những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này, có phương án tốt, ngân hàng sẵn sàng tài trợ vốn lên đến 90%, thậm chí 100% với lãi suất thấp.
“Nếu như trước đây, các nhà băng giảm lãi suất được coi là động thái để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế…, thì các đợt giảm lãi suất gần đây còn nhằm mục đích để ngân hàng tự cứu mình khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm tài chính”, ông nhận xét.
Thực tế, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến 16/9 mới đạt 4,81% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là con số thấp nhất trong 6 năm gần đây (mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 từ 11% đến 14%).
Như vậy, để đạt được mục tiêu cả năm, tốc độ tăng bình quân các tháng cuối năm cần ở mức 2-3% mỗi tháng. Do vậy, đây là thời điểm các ngân hàng tích cực tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi dành cho khách hàng nhằm tăng tốc cuộc đua tín dụng cuối năm.
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank, mặc dù 9 tháng qua các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19, song nhờ có chính sách hợp lý mà nhà băng này đã giải ngân tín dụng khá thành công với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện năng lượng, tiêu dùng.
“Đến nay, tín dụng Sacombank đã tăng khoảng 8-9% so với đầu năm, con số này cao hơn hẳn mức trung bình toàn ngành. So với kế hoạch năm nay, ngân hàng chỉ còn khoảng 4-5% nữa là đạt room Ngân hàng Nhà nước giao”, bà Diễm cho biết.
Theo mội chuyên gia trong ngành điện mặt trời áp mái, 2 năm trước, các ngân hàng còn chưa nghiên cứu về mảng này nên khách hàng muốn lắp đặt vẫn gặp khó khăn về thu xếp vốn. Nay mọi thứ đã rõ ràng hơn, ngân hàng đã thiết kế các gói riêng cho các dự án kiểu này nên mọi thứ không còn khó như trước.
Với mảng xuất khẩu, các ngân hàng cũng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước khi động lực đến từ xuất khẩu của khối này tăng mạnh 19,5% so với mức tăng chung của cả nước là 4%. Ngoài ra, Hiệp định EVFTA được dự báo sẽ tiếp tục là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho mảng năng lượng, xuất khẩu mà các ngân hàng đang triển khai, cơ quan này kỳ vọng nguồn vốn hỗ trợ sẽ được đưa tới doanh nghiệp kịp thời. Qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
“Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngành trên 10% vào cuối năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông dự báo.
Nguồn: Hiệp Khổng – vnexpress