Ngăn ngừa làn sóng tăng lãi suất huy động
Ngăn ngừa làn sóng tăng lãi suất huy động
Những ngày cận Tết, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất huy động khiến dư luận lo ngại về cuộc đua lãi suất có thể xảy ra. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc các NHTM tăng lãi suất chưa đáng lo ngại, nhưng cơ quan này cũng đã có chỉ đạo quyết liệt để phòng xa việc đua tăng lãi suất. Nhà băng lớn, nhỏ đều nâng lãi suất
Vào thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016, khá nhiều NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đáng chú ý là không chỉ ngân hàng bậc trung mà cả những ngân hàng lớn cũng điều chỉnh tăng lãi suất. Đơn cử như SacomBank đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng 0,2% – 0,3%/năm; kỳ hạn 1 – 2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2% – 5,3%/năm.
Những ngân hàng lớn như BIDV cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 4,8%/năm, 2 tháng lên 5%/năm và 3 tháng là 5,2%/năm, tăng khoảng 0,3%/năm so với biểu lãi suất cũ. VietinBank áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1 – 3 tháng tăng tương đương với BIDV.
Trong một công bố mới đây, NHNN cũng cho biết, trong tháng 12.2015, tính chung toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn khoảng 0,1 – 0,5%/năm, bên cạnh đó có 2 ngân hàng giảm lãi suất khoảng 0,1 – 0,3%/năm. Tuy nhiên, NHNN cho rằng, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp giáp Tết.
Sau điều chỉnh, lãi suất của các ngân hàng này vẫn nằm trong vùng trung bình so với mặt bằng thị trường (khoảng 5 – 5,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 6,4 – 7,0%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng). Do đó, nếu tính trung bình toàn hệ thống, lãi suất huy động bình quân gia quyền trong tháng 12.2015 ở mức 5,1%/năm, chỉ cao hơn 0,06%/năm so tháng trước đó.
Theo NHNN, sang nửa đầu tháng 1.2016, có 3 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất khoảng 0,1 – 0,3%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Đây là các NHTM cổ phần nhỏ và mức điều chỉnh thấp nên lãi suất huy động bình quân gia quyền toàn hệ thống vẫn tiếp tục ổn định so với tháng 12.2015. Lãi suất của các ngân hàng này sau điều chỉnh vẫn nằm trong vùng phổ biến của toàn hệ thống.
Lý giải về đợt tăng lãi suất huy động này, lãnh đạo một NHTM cho rằng, bên cạnh yếu tố mùa vụ thì việc tăng lãi suất kèm với các chương trình khuyến mại cũng là cơ hội để các ngân hàng hút tiền gửi. Nhất là dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp thưởng Tết cho cán bộ nhân viên nên không ít người sẽ chọn kênh gửi tiết kiệm, sau Tết Nguyên đán mới tính đầu tư tiếp. Ngoài ra, đầu năm cũng là thời điểm các ngân hàng cơ cấu lại nguồn huy động nhằm bảo đảm cho vay trong thời gian tới.
Chấn chỉnh để giữ lãi suất ổn định
Cho rằng giữ mặt bằng lãi suất ổn định là khó nhưng theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thì việc này vẫn có cách giải. Trước hết, bản thân ngân hàng không muốn tăng lãi suất. Thêm yếu tố nữa là tính thanh khoản của các loại tài sản bao gồm cả tài sản bất động sản và tài sản đầu tư đang tăng trở lại. Điều đó không chỉ hỗ trợ cho việc không tăng lãi suất mà khi các tài sản này thanh khoản tốt thì giúp cho nợ xấu có thể giảm.
Mặc dù vậy theo “Báo cáo năm 2015, triển vọng năm 2016” của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố mới đây dự báo lãi suất 2016, ở kịch bản cơ sở, BVSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,6 – 1%/năm trong năm 2016.
Theo BVSC, có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất trong năm. Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016, năm mở đầu của kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2016 – 2020. Thứ hai, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5 – 7% cho giai đoạn 2016-2020, và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VNĐ so với USD và việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VNĐ.
Để chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động, giữa tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã ban hành văn bản 297/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động. Theo đó Thống đốc yêu cầu các TCTD không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn. Cơ quan quản lý về tiền tệ cũng yêu cầu các TCTD chủ động phát hiện và báo cáo về NHNN những TCTD cạnh tranh không lành mạnh vi phạm quy định về mức lãi suất huy động.
Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình khuyến mại trong huy động vốn, cho vay đúng quy định của pháp luật và tiết giảm tối đa các chi phí quảng cáo, khuyến mại, chăm sóc khách hàng để bảo đảm kinh doanh hiệu quả. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động đối với các TCTD trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và báo cáo Thống đốc NHNN.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ đạo này của NHNN là cần thiết để “nắn gân” các TCTD, tránh việc đua nhau đẩy lãi suất lên cao.
( trích taichinh)