Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ngành Ngân hàng đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động các giải pháp điều hành thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Chủ động, linh hoạt trong điều hành tín dụng

Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức các hội nghị làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD) để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020 hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ cho tất cả các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về yêu cầu Chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các TCTD nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng để tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp để dành nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm. Hiện đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng, doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng.

Giảm lãi suất từ 0,5-2% để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Từ ngày 17/3/2020, NHNN giảm đồng bộ các mức lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cụ thể: Giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) từ mức 6,0%/năm xuống mức 5,5%/năm.

Giảm 0,5-1%/năm các mức lãi suất điều hành, tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc để phát tín hiệu mạnh mẽ định hướng điều hành giảm lãi suất của NHNN, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong trường hợp tiếp cận vốn từ NHNN và hỗ trợ các TCTD có điều kiện giảm lãi suất cho vay nền kinh tế.

Đồng thời, tại cuộc họp với các NHTM ngày 31/3/2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất cho vay khoảng 2% so với thời điểm trước dịch.

Sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường

NHNN điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT như: Tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày tham chiếu diễn biến thị trường, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT; Phối hợp đồng bộ các giải pháp, công cụ khác (điều tiết thanh khoản, lãi suất VND…) nhằm ổn định tỷ giá và thị trường; Truyền thông chủ động, đa phương tiện để ổn định tỷ giá; Điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu ngoại tệ vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.

Miễn, giảm phí, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng trên quy mô lớn giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỷ đồng.

Toàn ngành nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh

NHNN yêu cầu các đơn vị trong Ngành tổ chức triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hệ thống ngân hàng (khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ, máy ATM, vệ sinh khử trùng tiền mặt)…; tăng cường khuyến khích sử dụng dịch vụ TTKDTM, hoạt động online, hạn chế giao dịch trực tiếp; chủ động xây dựng phương án, đảm bảo các hoạt động liên tục ngay cả khi dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là hệ thống thanh toán, công nghệ thông tin…

Ngành Ngân hàng đã tham gia ủng hộ công tác phòng chống dịch với tổng số tiền trên 160 tỷ đồng nhằm hưởng ứng Lễ phát động kêu gọi cả nước tham gia phòng chống dịch Covid 19 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Chí Kiên- Thời báo ngân hàng

Share this post