“Nguồn vốn” phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho phát triển hạ tầng và các sản phẩm, dịch thanh toán. Cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, thậm chí giới trẻ còn rất thích thú trong tiếp cận các phương thức thanh toán mới.
Một trong nhiều sự kiện đáng chú ý tuần qua là ngày 26/5/2020 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng cũng ký ban hành Quyết định số 654/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Trong bối cảnh “bình thường mới” sau dịch Covid, những quyết sách này được đánh giá là sẽ thêm nhiệt cho cuộc chiến vốn đã nóng trong những năm gần đây giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ TTKDTM.
Có thể nói, theo chủ trương phát triển TTKDTM của Chính phủ, gần 30 năm trước (tính từ thời điểm chiếc thẻ ATM nội địa đầu tiên ra đời) ngành Ngân hàng đã đặt nền móng cho các phương thức TTKDTM. Và từ chủ trương, chính sách định hướng của NHNN, các TCTD đã đầu tư nhiều tâm huyết, nguồn lực cho phát triển TTKDTM. Vậy đến giờ chúng ta có gì?
Một cách khái quát, sau nhiều năm chúng ta có: Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử được đầu tư, nâng cấp, trong đó Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động an toàn, hiệu quả và thông suốt; Hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet; Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn; Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công như thu thuế, điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí, chi trả các chương trình an sinh xã hội; Đã có Bộ Tiêu chuẩn cơ sở thẻ chip nội địa, Bộ đặc tả kỹ thuật QR-code nhằm đảm bảo an toàn, tiện ích với chi phí hợp lý. Hệ thống TTĐTLNH được nâng cấp, xây dựng Hệ thống thanh toán phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) cho phép xử lý giao dịch thanh toán 24/7/365 nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số…
Về con số cụ thể: Đến cuối năm 2019, có 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, 32 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Số tài khoản cá nhân hiện đạt hơn 88 triệu; Tổng lượng thẻ lưu hành đạt gần 100 triệu thẻ; Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả các địa bàn tỉnh, thành phố trên cả nước với 19.187 ATM và 277.754 POS (tăng 9,8% và 5,4% so với năm 2016); hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code.
Đến cuối năm 2019, số lượng giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH đạt hơn 161,2 triệu món với 98,4 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 98% về số lượng và 120,7% về giá trị so với cuối năm 2016). 5 năm trở lại đây, số lượng và giá trị giao dịch hoạt động thanh toán năm 2019 qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 456,9% và 1.801%; giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng tương ứng 233,6% và 208,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 218,4% và 141,8%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 39,8% và 54%. Thanh toán qua QR code năm 2019 có tốc độ tăng trưởng đến 1.655% so với năm 2018. Đã có khoảng 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của EVN thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%; 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…
Những con số này còn cho thấy, chúng ta có “nguồn vốn” rất lớn cho phát triển TTKDTM chính là thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi. Hình dung một cách đơn giản: ngày chiếc thẻ ATM nội địa đầu tiên ra đời và đến cả chục năm sau, chủ thẻ vẫn chủ yếu dùng để rút tiền mặt tại cây ATM rồi mang tiền vào cửa hàng thanh toán hóa đơn. Nay, đa số người tiêu dùng đã hình thành thói quen chạm màn hình điện thoại để thanh toán các khoản chi từ vài ngàn đến cả trăm triệu đồng.
Tới đây sẽ có thêm nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới được triển khai, như: dịch vụ Mobile-Money; thử nghiệm Regulatory Sandbox cho hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e KYC)…
Chúng ta đã đầu tư rất nhiều cho phát triển hạ tầng và các sản phẩm, dịch thanh toán. Cùng với đó, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, thậm chí giới trẻ còn rất thích thú trong tiếp cận các phương thức thanh toán mới. Song, vấn đề cốt lõi để các đơn vị cung cấp dịch vụ chiếm lĩnh và tăng thị phần lại là đảm bảo an ninh, an toàn trong TTKDTM. Bởi, đây là yếu tố gia tăng niềm tin của người tiêu dùng – “nguồn vốn” lớn nhất để tiếp tục phát triển TTKDTM.
Nguồn: Hà An – Thời báo ngân hàng