Những điểm mới cơ bản trong cho vay nông nghiệp, nông thôn
Những điểm mới cơ bản trong cho vay nông nghiệp, nông thôn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới.
Về đối tượng vay vốn, để phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015, Nghị định 116 sửa đổi Khoản 2 Điều 2 và bổ sung Khoản 3 vào Điều 2 Nghị định 55/2015/NĐ-CP theo hướng: khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là cá nhân và pháp nhân; hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.
Đối với mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm cũng được nâng lên so với Nghị định cũ. Theo đó, Nghị định 116 quy định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Theo Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) quy định này được sửa đổi bổ sung căn cứ thực tế cho vay không có tài sản bảo đảm của các TCTD trong thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc cư trú trên địa bàn nông thôn.
Nghị định 116 đã sửa đổi Khoản 4, Điều 3 Nghị định 55 và bổ sung Khoản 13 vào Điều này với nội dung: Chủ trang trại là cá nhân thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Như vậy, so với Nghị định 55, Nghị định mới đã bỏ quy định cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để giảm thủ tục hành chính trong quá trình xét duyệt, làm thủ tục cho vay.
Khoanh nợ: Nếu ngân sách địa phương không cân đối được phải báo cáo Trung ương
Đặc biệt, để khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, Nghị định 116 đã sửa đổi Khoản 1 Điều 15 và bổ sung Khoản 2a, Khoản 4 vào Điều 15.
Theo đó, các đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án, bao gồm: Khách hàng có dự án, phương án sản xuất nông nghiệp thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Khách hàng doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng về tài sản bảo đảm, đặc biệt là các tài sản có giá trị như nhà kính, nhà lưới… Nghị định đã bổ sung quy định khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm.
Nghị định 116 cũng bổ sung trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể tiêu chí, phương pháp xác định, xác nhận dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để làm cơ sở cho các TCTD thực hiện cho vay.
Về chính sách khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan bất khả kháng, Nghị định 116 bổ sửa đổi tên Điều 12, Khoản 2 Điều 12 và bổ sung Khoản 3, Khoản 4 vào Điều 12 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ; nguồn thực hiện cấp bù lãi cho tổ chức tín dụng do khoanh nợ cho khách hàng từ dự phòng ngân sách địa phương.
Trường hợp không cân đối được từ dự phòng ngân sách địa phương, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.
Nghị định quy định thời gian khoanh nợ tối đa là 2 năm. Riêng đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 14 và Khoản 3 Điều 15 Nghị định này thời gian khoanh nợ tối đa là 3 năm.
Như vậy, Nghị định đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc khoanh nợ.
Quản lý dòng tiền cho vay liên kết
Về cho vay liên kết, Nghị định 116 đã bổ sung Khoản 4 vào Điều 14 Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nội dung Quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, tổ chức tín dụng ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này.
Trao đổi với thoibaonganhang.vn, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, việc Nghị định mới bổ sung quy định quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm giúp các ngân hàng yên tâm hơn khi cho vay, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo điều kiện cho khách hàng vay không có tài sản bảo đảm tại các TCTD.
(Theo thoibaonganhang)