Vì sự phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Vì sự phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Nhờ có quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã, người dân thuận lợi hơn trong việc vay vốn đầu tư sản xuất, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi kinh tế, hạn chế tín dụng đen, góp phần ổn định phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn…

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay hệ thống TCTD là hợp tác xã ở Việt Nam gồm có NHHTX và gần 1.200 QTDND hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố phục vụ cho hơn 1,6 triệu thành viên là các cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó khăn, khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX) xoay quanh vấn đề hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững.

Ông có thể cho biết khái quát về bức tranh hệ thống TCTD là hợp tác xã hiện nay?

Cho đến nay, hệ thống TCTD là hợp tác xã bao gồm NHHTX và gần 1.200 QTDND thành viên hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 190.000 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ hơn 8.100 tỷ đồng (vốn điều lệ của NHHTX là 3.029 tỷ đồng, của các QTDND hơn 5.100 tỷ đồng), vốn huy động hơn 163.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 123.000 tỷ đồng; khai thác được nguồn vốn tại chỗ, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và hạn chế tín dụng đen ở nông thôn; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình QTDND.

Có thể nói đây là loại hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ – tín dụng, dịch vụ ngân hàng ở nông thôn, không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội, chính trị to lớn. Nhờ có QTDND và NHHTX, người dân thuận lợi hơn trong việc vay vốn đầu tư sản xuất, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi kinh tế, hạn chế tín dụng đen, góp phần ổn định phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn… Đặc biệt là ở nhiều địa bàn, mô hình hợp tác xã tín dụng đã phát huy được tinh thần nội lực của người dân để tự giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chính bản thân họ; tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư, thực hiện có hiệu quả các chương trình tiết kiệm, từng bước tự chủ về nguồn vốn huy động tại chỗ để phục vụ cho vay tại chỗ.

Đạt được những kết quả nêu trên là sự nỗ lực cố gắng của hệ thống QTDND, NHHTX, sự ủng hộ của hơn 1 triệu thành viên và đặc biệt là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của NHNN Việt Nam từ Trung ương đến Chi nhánh ở các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của NHHTX và các QTDND.

Với vai trò là “Ngân hàng của tất cả các QTDND”, ông có thể cho biết thời gian qua, NHHTX đã có những hoạt động trọng tâm nào để hỗ trợ hệ thống?

Ngay từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động gắn với trọng trách “Ngân hàng của tất cả các QTDND”, NHHTX đã xác định rõ đích đến là hướng đến việc hoàn thiện và phát triển NHHTX đủ mạnh về quy mô, tăng cường năng lực tài chính, nhân lực và công nghệ, sản phẩm dịch vụ, hành lang pháp lý để thực sự là công cụ hữu hiệu của NHNN, có khả năng tư vấn, hỗ trợ hiệu quả và thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững.

Cùng với nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới về công nghệ, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng phải được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời quan tâm tới công tác phát triển và gia tăng hiệu quả mạng lưới. Đến nay, NHHTX gồm có Trụ sở chính tại Hà Nội và 32 chi nhánh, 66 phòng giao dịch hoạt động trên 57/63 tỉnh thành toàn quốc với tổng số cán bộ trên 2.000 người.

NHHTX cũng đã tích cực cải tiến hoạt động để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của QTDND trong công tác nhận tiền gửi và cho vay điều hòa vốn; cho vay xử lý khó khăn tạm thời về thanh khoản. NHHTX đã đưa dịch vụ ngân hàng hiện đại thanh toán chuyển tiền điện tử, thẻ… kết nối gần 700 QTDND, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ và Thống đốc NHNN về thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, công nghệ thông tin; hỗ trợ về công tác kiểm toán nội bộ, nhân sự của QTDND khi có yêu cầu; tư vấn các mặt hoạt động cho QTDND…

NHHTX đã nỗ lực cao và tập trung các nguồn lực cho nhiều chỉ đạo quan trọng của Thống đốc NHNN, như: Thực hiện công tác kiểm tra trực tiếp QTDND theo kế hoạch của NHNN; đầu mối tổ chức in ấn phát hành sổ tiết kiệm trắng; Cải tiến công tác quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống theo hướng chủ động, hiệu quả để hỗ trợ các QTDND khó khăn. Đồng thời chủ động tham mưu, kiến nghị với Thống đốc NHNN về cơ chế, chính sách nhằm từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động của QTDND, NHHTX, hoàn thiện hành lang pháp lý quy định về mô hình, tổ chức và hoạt động cho NHHTX và hệ thống QTDND.

Trong quá trình tham gia tái cơ cấu hệ thống và xử lý QTDND yếu kém, NHHTX đã cử biệt phái trên 50 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tới đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát đặc biệt, cán bộ nghiệp vụ để thực hiện công tác quản trị, điều hành hỗ trợ hoạt động của Quỹ yếu kém. Đồng thời bố trí nguồn vốn và tài chính để kịp thời cho vay, gia hạn, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi để hỗ trợ các QTDND về nguồn vốn, lãi suất… khắc phục khó khăn theo đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động đã được NHNN phê duyệt.

Với chức trách, nhiệm vụ của mình, NHHTX đã tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại hệ thống gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó sẽ tập trung phát triển NHHTX có đủ năng lực tài chính, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững để thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của tất cả các QTDND; thực hiện tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn hệ thống các QTDND, hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên phạm vi toàn quốc.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò quản lý nhà nước trong thời gian qua đối với hệ thống TCTD là hợp tác xã?

Thời gian qua, NHNN Việt Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hoạt động của hệ thống QTDND, đã tổ chức 8 đoàn công tác do đồng chí Phó Thống đốc phụ trách trực tiếp và các Vụ, Cục NHTW, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHHTX đi khảo sát thực tế địa phương và nghe báo cáo, đánh giá hoạt động QTDND đại diện các vùng trên cả nước để từ đó có đánh giá đầy đủ thực trạng và đề xuất giải pháp chấn chỉnh căn bản hoạt động QTDND. Đồng thời, đã dần hoàn thiện hành lang pháp lý và hoạt động quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực QTDND bằng nhiều Thông tư và Chỉ thị, qua đó, từng bước điều chỉnh mô hình hoạt động của hệ thống QTDND trở lại hoạt động theo đúng khuôn khổ loại hình hợp tác xã, đúng tôn chỉ, nguyên tắc hợp tác xã và mục tiêu hỗ trợ thành viên.

Để củng cố, bảo đảm hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, NHNN cũng đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, NHHTX, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đối với QTDND trên địa bàn; tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương các cấp trong hoạt động hệ thống QTDND.

Đặc biệt, Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành một lần nữa đã thúc đẩy sự vào cuộc của các cơ quan, bộ, ngành và có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với NHHTX và hệ thống QTDND; đã gắn vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam… trong công tác củng cố, tái cơ cấu hệ thống QTDND nhằm khắc phục tồn tại, hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững.

Trong quá trình thực hiện vai trò là “Ngân hàng của các QTDND”, NHHTX gặp phải những khó khăn gì? có đề xuất gì với Chính phủ, NHNN để hệ thống QTDND tiếp tục phát triển ổn định và an toàn?

Trải qua gần 30 năm hoạt động, từ mô hình 3 cấp chuyển sang 2 cấp, qua một thời gian dài phát triển, cũng đã có những củng cố chấn chỉnh, triển khai tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, nhưng đến nay hệ thống QTDND cũng bộc lộ một số vấn đề căn bản:

Thứ nhất, về mô hình tổ chức hoạt động có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích của TCTD là hợp tác xã; vai trò của thành viên; nguyên tắc tự chủ tự chịu trách nhiệm; quy mô vượt quá trình độ quản lý điều hành; rủi ro đạo đức; gia đình chủ nghĩa; chạy theo lợi nhuận… của một số QTDND đã dẫn đến những rủi ro, mất an toàn.

Thứ hai, hành lang pháp lý điều chỉnh, quản lý hoạt động, kiểm soát các rủi ro, giám sát kiểm tra QTDND; cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ QTDND gặp khó khăn cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện vì sự khác biệt của mô hình QTDND với các TCTD khác.

Thứ ba, hiện vẫn còn một số QTDND có xu hướng xa rời tính liên kết hệ thống, muốn thoát ly hoạt động với NHHTX và không muốn tham gia Quỹ bảo toàn, Hiệp hội QTDND Việt Nam.

Thứ tư, nhiều nơi chưa có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của các QTDND, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố với các cấp, các ngành chức năng có liên quan trong suốt quá trình tái cơ cấu, củng cố hệ thống QTDND.

Thứ năm, nguồn lực về tài chính, cơ chế hoạt động, bộ máy mạng lưới hệ thống và cán bộ của NHHTX chưa đáp ứng được vai trò liên kết hệ thống, vai trò hỗ trợ các QTDND thành viên khi gặp khó khăn, nhất là các trường hợp lâm vào kiểm soát đặc biệt. Nguồn chi phí kết dư bảo hiểm tiền gửi cũng chưa được quy định tạo điều kiện hỗ trợ chi trả tiền gửi cho người dân khi QTDND lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.

Hiện nay, NHHTX và hệ thống QTDND đang tích cực triển khai công tác tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững, xuất phát từ tình hình chung, NHHTX có một số đề xuất với NHNN như sau:

Một là, đề nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động NHHTX, QTDND và củng cố tính liên kết để điều chỉnh căn bản hoạt động của QTDND theo đúng mục đích tôn chỉ và bản chất hợp tác xã, tự chủ tự chịu trách nhiệm, vai trò trách nhiệm thành viên, quy mô hoạt động, nhất là trong công tác kiểm tra QTDND, cho vay điều hòa vốn, hỗ trợ thanh khoản, xử lý QTDND yếu kém, hỗ trợ tổn thất cho NHHTX.

Hai là, trong hoạt động của QTDND cần có sự vào cuộc, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Để điều chỉnh căn bản mô hình, hoạt động, xử lý các vấn đề tồn tại của hệ thống QTDND, đề nghị NHNN xem xét, báo cáo Chính phủ nghiên cứu có thể trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 57-CT/TW về củng cố, hoàn thiện, phát triển hệ thống QTDND (Bộ Chính trị ban hành năm 2000 và đã được tổng kết vào năm 2013) với các vấn đề căn bản điều chỉnh mô hình, tổ chức hoạt động hệ thống QTDND trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.

Ba là, hiện nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHHTX hơn 43.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 tổng nguồn vốn của các QTDND, trong đó vốn điều lệ là 3.029 tỷ đồng. Với quy mô hoạt động, nhu cầu phát triển và mức vốn điều lệ như hiện nay, các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của NHHTX tiến tới giới hạn. Để NHHTX trở thành công cụ hữu hiệu, đủ mạnh để làm tốt vai trò ngân hàng đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND, NHHTX đề nghị NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHHTX thêm 2.000 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Đồng thời có nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn hỗ trợ cho NHHTX và phát huy vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong hỗ trợ hoạt động của NHHTX và hệ thống QTDND, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay thanh khoản.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Minh Ngọc – Thời báo ngân hàng

Share this post