Đừng quá lo ngại áp lực tỷ giá, lãi suất
Đừng quá lo ngại áp lực tỷ giá, lãi suất
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động làm tăng mối lo lãi suất sẽ tăng, song theo TS. Lê Thành Trung, việc đánh giá một động thái lãi suất trên thị trường chỉ dựa vào một trạng thái trên thị trường thì chưa thể phản ánh được tổng thể.
Tháng 12 năm ngoái, NHNN đã hạ lãi suất tiền gửi USD của cá nhân xuống còn 0%, ngang bằng mức gửi của tổ chức kinh tế. Trong khi đó, với lãi suất tiền đồng, một số ngân hàng ở thời điểm trước và sau Tết nguyên đán đã rục rịch nâng lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn lẫn dài.
Lãi suất cho vay USD không giảm dù ngân hàng không mất chi phí để huy động vốn, trong khi lãi suất huy động VND lại tăng khiến cho thị trường lo ngại mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên.
Nhận xét về diễn biến này, theo TS. Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc ngân hàng HDBank, kịch bản lãi suất tiền đồng tăng trở lại có thể xảy ra, song khó có thể biến động mạnh. NHNN sẽ có những tính toán để ổn định thị trường, phù hợp với tình hình kinh tế.
Thực tế cho thấy, không chỉ Việt Nam mà ở các nước phát triển trên thế giới, lãi suất được ổn định ở mức thấp, thậm chí trong thời gian rất dài hàng thập kỷ, để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Các NHTM đang có động thái nhích dần lãi suất huy động nhưng theo ông Trung, đó cũng chỉ mới là động thái của các NHTM, chứ không phải động thái của thị trường. Bởi lãi suất chỉ là một biến thiên của thị trường và thời gian gần đây không phải NHTM nào cũng tăng lãi suất mà chỉ tăng ở một số ít ngân hàng. Vì thực tế cho thấy, ở một số NH đang thừa tiền, nhưng mà ở một số ngân hàng cũng thiếu tiền.
Lãnh đạo HDBank đồng thời cho rằng, việc đánh giá một động thái lãi suất trên thị trường chỉ dựa vào một trạng thái trên thị trường thì chưa thể phản ánh được tổng thể. Nói về lãi suất thì ngay cả lãi suất VND cũng phải tính toán từ nhiều khí cạnh chứ không hẳn chỉ dựa vào biến động tỷ giá hay lãi suất USD.
Bên cạnh những lo ngại về lãi suất, tiền đồng sau khi đã mất giá hơn 5% trong năm 2015, thời gian qua cũng xuất hiện những quan ngại rằng các biến động khó lường của thị trường thế giới cũng sẽ làm cho tiền đồng sẽ mất giá thêm. Thậm chí, ở kịch bản xấu nhất, trong báo cáo về triển vọng năm 2016 mới đây, công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, nếu không thuận lợi thì tiền đồng sẽ mất giá tới 8% trong năm nay.
Về những áp lực lên tỷ giá từ bên ngoài, các ý kiến đưa ra từ cuối năm ngoái tới nay hầu hết đều tập trung vào việc đồng Nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá và Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên theo ông Trung, nếu xét kỹ thì chúng ta có thể thấy rằng, không chỉ có 2 yếu tố trên tạo áp lực lên tỷ giá mà quan trọng nhất vẫn là cơ chế kinh tế thị trường và phải dựa trên quan hệ cung – cầu. Điều này cũng đã được NHNN tính toán để điều hành tỷ giá, chứ không chỉ tác động bởi sức ép từ các yếu tố trên thị trường quốc tế.
Xét sâu về cung cầu ngoại tệ, theo các chuyên gia, chúng ta không hề thiếu ngoại cung vì nguồn kiều hối, FDI và FII vẫn vào nhiều. Đó là chưa nói trong năm nay khi hội nhập cùng AEC, sau đó là tham gia TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong việc thu hút các nguồn vốn này, nhất là ở lĩnh vực dệt may.
Còn về phía cầu, chủ yếu chỉ có nguồn là thanh toán hàng nhập khẩu, thanh toán các loại phí liên quan đến ngoại tệ như phí du học, chữa bệnh… trả nợ nước ngoài. Nhưng đối với trả nợ nước ngoài thì hiện Chính phủ Việt Nam đã phát hành trái phiếu thu hút ngoại tệ.
Tựu chung lại, những áp lực đối với biến động tỷ giá, ít nhất là trong ngắn hạn, theo các chuyên gia và cả lãnh đạo NHNN, là không có áp lực nào ở thời điểm này. Còn về dài hạn hơn một chút, việc điều hành tỷ giá là vấn đề tổng hợp nhiều công cụ điều hành liên quan, căn cứ tình hình quốc tế và trong nước, và những biến động đột biến cũng khó xảy ra.
( trích cafef)