Sẽ xem xét cho phá sản một số ngân hàng yếu kém
Sẽ xem xét cho phá sản một số ngân hàng yếu kém
Năm nay, NHNN sẽ xem xét cho phá sản công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân nếu hoạt động không hiệu quả. Sau đó, NHNN có thể cho phá sản cả những Ngân hàng Thương mại đang hoạt động yếu kém. Đây chính là cảnh báo cho các ông chủ ngân hàng phải nghiêm túc trong hoạt động.
Thi hành án chậm tác động lớn đến xử lý nợ xấu
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2016 trên địa bàn TP.HCM tổ chức ngày 15/1, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN, chi nhánh TP. HCM cho biết, tổng vốn huy động trên địa bàn năm 2015 đạt hơn 1,567 triệu tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2014.
Đáng chú ý là vốn huy động 2015 không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng vốn đã cải thiện nhiều so với những năm trước đây. Trong đó, tính ổn định của nguồn vốn ngày càng tăng cao, bộ phận tiền gửi tiết kiệm dân cư tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng huy động vốn (năm 2015, bộ phận này tăng 13,35%, chiếm 52,26%).
Qua thống kê, tiền gửi VND tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 84,5% trong tổng nguồn vốn huy động. Điều này tạo điều kiện để các Ngân hàng Thương mại tăng tỷ trọng cho vay. Tính đến cuối năm 2015, tổng dư nợ tín dụng đạt hơn 1,235 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng tiền đồng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 90% trong tổng dư nợ và tăng 21,44% so với cuối năm 2014. Riêng dư nợ bằng ngoại tệ đạt 138.000 tỷ đồng, chiếm 11,2% trong tổng số dư nợ và giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Với dư nợ tín dụng hiện tại, năm 2015 được xem là năm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, tăng trưởng 15,6% (trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2014 là 12,06%). Tín dụng tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 80% tổng dư nợ. Đặc biệt hơn nữa là xu hướng cho vay trung – dài hạn cao hơn ngắn hạn.
Theo đó, dư nợ tín dụng trung – dài hạn cuối năm 2015 đạt khoảng hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 28,7% và chiếm 57,6% trong tổng dư nợ tín dụng. Một con số vượt trội so với những năm trước đây, tín dụng trung và dài hạn luôn chiếm khoảng 45% và có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tín dụng ngắn hạn.
Về tình hình nợ xấu, đến 30/11/2015, nợ xấu trên địa bàn chiếm 4,03% trong tổng dư nợ trên địa bàn. So với cuối năm 2014, nợ xấu trên địa bàn giảm 15,6%, tương ứng giảm 8.835 tỷ đồng, tập trung vào nhóm chi nhánh ngân hàng cổ phần có hội sở chính ngoài địa bàn (Hội sở Hà Nội và các tỉnh thành phố khác, các chi nhánh thuộc các ngân hàng cổ phần được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng…).
Cần hơn vai trò của NHNN
Chia sẻ ý kiến của mình tại hội nghị, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB bày tỏ, nhờ các chính sách điều hành tốt mà hoạt động ACB cũng tốt hơn. Tín dụng tăng 15%, huy động tăng hơn 12%, nợ quá hạn dưới 1,3%. Riêng năm 2015, xử lý nợ quá hạn khá tốt, và hệ thống hoạt động các đơn vị lỗ giảm đáng kể.
Tuy nhiên, trong câu chuyện xử lý nợ xấu, còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Toàn, quá trình thi hành án kéo dài, và khi có bản án rồi thì người vay lại không hợp tác… gây khó khăn cho ngân hàng. Do đó, ông mong có sự liên minh giữa các ban ngành để xử lý nhanh vấn đề nợ xấu.
Nhiều lãnh đạo Ngân hàng cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông Toàn khi nói rằng việc xử lý tài sản bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của người khác (tài sản của người thứ ba) hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quy định, cơ quan thi hành án phải xác minh và chứng minh người phải thi hành án không có tài sản thì mới được tiến hành xử lý tài sản bảo lãnh. Điều này dễ dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài, rủi ro cho chấp hành viên trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng giấu giếm và chấp hành viên không thể biết được khi xác minh. Do đó, hiện nay đã nảy sinh tâm lý ngại khi xử lý tài sản bảo lãnh của chấp hành viên.
Mặt khác, sau khi bán tài sản bảo lãnh của người thứ ba để thi hành án mà vẫn không đủ thì người phải thi hành án hay người bảo lãnh tiếp tục trả nợ. Do quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên dẫn đến việc tranh cãi phức tạp và cơ quan thi hành án rất khó khăn trong việc buộc bên đảm bảo phải trả tiếp phần còn thiếu cho người phải thi hành án.
Trước những tâm tư mà lãnh đạo Ngân hàng Thương mạichia sẻ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh đưa ra quan điểm, NHNN sẽ tích cực gặp gỡ, liên kết với Cục Thi hành án và các đơn vị liên quan để giải quyết từng vướng mắc trong vấn đề thi hành án. Thậm chí, không phải họp hàng quý mà là hàng tháng…
Ngoài ra, Phó Thống đốc cũng cho biết, về thanh khoản, ông thấy rất hài lòng với kết quả Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố đạt được trong năm 2015. Sự công khai, minh bạch thời gian qua đã được nâng cao. Mặc dù nhiều cú sốc đã xảy ra (như lãnh đạo ngân hàng bị bắt, nhà băng bị kiểm soát đặc biệt…) nhưng người dân không còn hoang mang và rút tiền ồ ạt. Thị trường vàng và ngoại tệ tại TP. HCM đang phát triển rất tốt khi USD tự do không còn áp đảo được giá trong ngân hàng.
Riêng về tín dụng, Phó Thống đốc khuyến nghị các Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng phải đi đôi với chất lượng. Thời gian tới, các nhà băng cũng nên đẩy mạnh mảng bán lẻ, kiểm soát chặt tín dụng vào BĐS và các khoản vay dài hạn nhằm hạn chế rủi ro. Năm nay, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát hạn mức tín dụng (tín dụng mục tiêu 2016 tăng 18%). Bởi năm 2016 Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh đối với những trường hợp vi phạm mà NHTM không cải thiện được.
Cụ thể năm 2016, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập. NHNN sẽ ưu tiên cho những NH tự nguyện trước, nếu không thì buộc NHNN phải can thiệp. Thậm chí, sắp tới Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét cho phá sản một số ngân hàng yếu kém, công ty tài chính nếu không tự giải quyết được khó khăn.
Phó Thống đốc Thanh cũng đưa ra cảnh báo đối với các ngân hàng mà trước nay thường sống chủ yếu dựa vào tín dụng thì sẽ rất khó bền, vì thu tín dụng không thể bù chi. Những lĩnh vực tăng trưởng nóng như BĐS, cho vay tập đoàn sẽ bị Ngân hàng Nhà nước siết chặt trong năm 2016, vì thời gian qua, NHNN tạo điều kiện cho các Ngân hàng Thương mại cho vay lĩnh vực này chỉ để tạo bệ đỡ.
( trích thời báo ngân hàng)