Phát triển hệ sinh thái ngân hàng số: Lợi thế nghiêng về người tiên phong

Phát triển hệ sinh thái ngân hàng số: Lợi thế nghiêng về người tiên phong

Công nghệ liên tục thay đổi, đòi hỏi các ngân hàng phải cập nhật và đầu tư gần như không ngừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngân hàng số của người dân. Thực tiễn cho thấy, ngân hàng dù lớn hay nhỏ nhưng sớm dẫn đầu về năng lực và nguồn vốn đầu tư cho chuyển đổi số thì hiệu quả kinh doanh đều thể hiện rõ những năm gần đây.

Tiên phong trong định hướng và nguồn vốn

Theo một nghiên cứu của Pymnts.com và Entersekt, mặc dù việc sử dụng ứng dụng ngân hàng di động đã trở nên thiết yếu với tăng trưởng gấp đôi trên toàn cầu kể từ khi Covid-19 bùng nổ, nhưng người tiêu dùng, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ, nếu không có cơ hội trải nghiệm đủ các tính năng thanh toán cần thiết như một ngân hàng thật thì họ có xu hướng xa rời ứng dụng ngân hàng số.

Để đáp ứng các nhu cầu cầu này, một số ngân hàng đang tận dụng hệ sinh thái kỹ thuật số để tạo ra giá trị bổ sung cho chính ngân hàng và khách hàng. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cho ra mắt ứng dụng BIDV SmartBanking thế hệ mới, trong đó có phát triển hệ sinh thái thanh toán mới.

Theo đó, ngân hàng này đã kết nối với 30/41 Fintech ở Việt Nam để cung cấp hệ sinh thái với hơn 2.000 dịch vụ, tiện ích. Đơn cử như tính năng đăng ký trở thành khách hàng hoặc đăng ký sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên ứng dụng thông qua e-KYC (định danh điện tử), thanh toán qua mã QR tại các cửa hàng, quán cà phê, siêu thị…

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh quá trình chuyển đối số, xây dựng một hệ sinh thái của riêng mình nhằm tạo sự cạnh tranh. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank), đại diện ngân hàng này cho biết việc ứng dụng chuyển đổi số đã được các đầu mối trong hệ sinh thái của ngân hàng thực hiện từ nhiều năm trước, thậm chí ngay từ những ngày đầu ra đời và đi vào hoạt động.

Theo đó, ngân hàng này đã sớm thiết lập được nền tảng khách hàng rộng lớn, với hàng chục triệu khách hàng, hàng chục nghìn đại lý qua gắn kết qua 3 trụ cột chính là ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng và hàng không. Đây là điểm cạnh tranh vô cùng quan trọng của HDBank, là “phần cứng” trong chiến lược trở thành ngân hàng SME và bán lẻ.

Hay mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã nhận được giải thưởng “Ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam” và “Ngân hàng tự động hóa quy trình tốt nhất Việt Nam”. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, lựa chọn đầu tư vào công nghệ với vị thế của ngân hàng dẫn hàng đầu luôn khiến ngân hàng phải đối mặt với thách thức. Bằng sự tỉnh táo với những định hướng rõ ràng trong cuộc chơi công nghệ, ngân hàng đã đạt được những thành công lớn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số của riêng mình nguồn vốn đầu tư vững chắc và liên tục. Bởi, theo quy định của “Luật các tổ chức tín dụng”, các ngân hàng thương mai chỉ được phép đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động không quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Vì vậy, có thể thấy các ngân hàng chi mạnh cho xây dựng hệ sinh thái ngân hàng đều là những ngân hàng có vốn liều lệ tăng trong những năm gần đây. Đơn cử như HDBank vừa có năm tăng tới 60% vốn điều lệ, MB đều đặn tăng vốn điều lệ quy mô 15-20% mỗi năm…

“Trái ngọt” trong hiệu quả kinh doanh

Nhờ sớm chủ động về chủ trương và nguồn vốn cho hệ sinh thái ngân hàng số, hiệu quả kinh doanh tại một số ngân hàng đều cho những chỉ số tích cực so với mô hình tăng trưởng truyền thống trước đây.

Mới đây, đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, chỉ tính đến hết tháng 03/2021, số lượng giao dịch qua kênh số đã đạt gần 92 triệu với tổng giá trị đạt trên 800.000 tỷ và gần 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, CASA mảng bán lẻ vẫn tiếp tục tăng gấp rưỡi so với 2020.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Phát triển Hợp kênh, Khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank cho biết, trong tổng thể các giao dịch của khách hàng doanh nghiệp thì có tới 74% giao dịch qua kênh điện tử và đạt tăng trưởng về giá trị thanh đạt mức 52% trong năm 2020. Tương tự, đối với khách hàng cá nhân, kênh online ghi nhận mức tăng 43% về số lượng và cán mốc 3,8 triệu khách hàng sử dụng e-banking.

Để phát huy thành quả đó, trong năm năm 2021, đại diện Ngân hàng Techcombank cho biết sẽ áp dụng năng lực phân tích dữ liệu vào công cuộc số hóa để có thể đưa ra những giải pháp mang tính chất may đo cho khách hàng. Trong quá trình xây dựng những nền tảng công nghệ để có thể phục vụ không chỉ là một, hai mà là năm và mười năm tới, vì đó là những nền tảng lớn, dài hạn và mang tính chiến lược.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số thành công và kết quả như một số ngân hàng trên không phải chuyện dễ dàng. Bởi, trình độ khoa học và đổi mới công nghệ của mỗi ngân hàng là khác nhau. Các ngân hàng đã và đang làm tốt quá trình chuyển đổi số đều có những chiến lược rõ ràng và đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin chuyên biệt để chuyển đổi số. Vì vậy, phá bỏ những rào cản và tiên phong về nguồn nhân lực và đặc biệt là ngân sách cho công nghệ thông tin là những gì ngân hàng cần xây dựng trong tương lai.

Nguồn: Hương Giang – Thời báo ngân hàng

Share this post