Tài chính tiêu dùng: Đất màu vẫn cần vun xới
Tài chính tiêu dùng: Đất màu vẫn cần vun xới
Cần khuyến khích phát triển thị trường bán lẻ, cho vay tiêu dùng để qua đó hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính NH của người dân cũng như DN.
Khoảng 10,4 tỷ USD là quy mô thị trường tài chính Việt Nam, được CTCP StoxPlus đưa ra năm 2015. Còn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì cho rằng, vay tiêu dùng có thể cán mốc 10 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Nói về dư địa để lĩnh vực này phát triển, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.
Sự vận động của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay có “đúng đường ray” phát triển không, thưa ông?
Ai cũng có thể thấy rằng, càng ngày các NHTM cũng như công ty tài chính (CTTC) đều có sự quan tâm đặc biệt hơn tới mảng tài chính tiêu dùng.
Thêm nữa, các TCTD tại Việt Nam đã và đang trải qua thời gian tái cơ cấu mạnh mẽ nên sức cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ tăng lên. Chính bởi vậy, tỷ trọng cho vay tiêu dùng tăng lên đáng kể trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy về thị phần, hiện nay dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống.
Điều dễ nhận thấy là những sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực này được NHTM và các CTTC phát triển đa dạng hơn. Một điểm nữa, công nghệ thông tin cũng ngày một phát triển hơn, khi các NHTM hiện nay đã sử dụng một số phần mềm xếp hạng tín nhiệm với khách hàng, tạo điều kiện để hoạt động cho vay này phát triển.
Đồng thời, dưới sự quản lý chặt chẽ hơn từ phía NHNN, việc kết hợp giữa NHTM và CTTC… chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn, bởi đôi bên đều muốn có sự giao thoa, tương hỗ lẫn nhau nhằm bán được nhiều sản phẩm hơn.
Còn thách thức là gì, thưa ông?
Hiện nay, thị trường tài chính tiêu dùng ở mức độ chưa lớn bởi người Việt Nam chưa có thói quen nhiều về vay tiêu dùng. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn, không chỉ trong 2016 mà còn trong nhiều năm tới.
Điều kiện quan trọng không kém để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, người đi vay. Để người tiêu dùng qua việc tiếp cận nhiều hơn đến các sản phẩm, dịch vụ của NHTM cũng như CTTC có nhận thức về việc vay tiêu dùng, dù lãi suất có cao hơn so với một số loại hình khác, nhưng vẫn thấp và ít rủi ro hơn nhiều so với vay tín dụng đen. Ở các quốc gia khác, tỷ trọng lĩnh vực này lên tới 15-20% dư nợ.
Thêm vào đó, khuyến khích phát triển thị trường bán lẻ, cho vay tiêu dùng để qua đó hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính NH của người dân cũng như DN.
Đó là chuyện bình thường, bởi cho vay cá nhân sẽ rõ trách nhiệm hơn. Cá nhân gắn với một người cụ thể, nên việc thẩm định, kiểm tra năng lực tài chính dễ dàng hơn nhiều so với DN. Với cá nhân, khi cho vay tín chấp thông thường có những điều kiện khác như: tài sản dự phòng, nhà cửa… rõ ràng nếu có xảy ra rủi ro cũng dễ xử lý hơn. DN thì phức tạp hơn nhiều.
Chính điều này đòi hỏi các NHTM hay CTTC phải có chiến lược truyền thông, quảng bá, giới thiệu, thiết kế sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng phù hợp với từng đối tượng. NHTM nên liên kết với các đơn vị bán lẻ. Và người đi vay cũng phải chủ động nắm bắt thông tin, chủ động nắm kỹ điều kiện về tín dụng; cần thiện chí đối với NHTM hay CTTC bởi nếu đi vay mà không có thiện chí trả nợ thì rất nan giải. Đó cũng chính là rủi ro mà các NHTM hay CTTC lo ngại, đặc biệt với vay tín chấp.
Thị trường tài chính ở khu vực nông thôn hiện đang vô cùng “thênh thang”. Theo ông, CTTC thuộc NHTM hay các CTTC độc lập chiếm ưu thế hơn với thị phần khu vực này?
CTTC thuộc NHTM sẽ có lợi thế hơn khi tiếp cận thị trường tài chính tiêu dùng ở nông thôn, bởi có sự tận dụng lẫn nhau về vốn, cơ sở vật chất cũng như mạng lưới chi nhánh, con người… Những CTTC độc lập rõ ràng sẽ khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh mạng lưới hẹp, cạnh tranh cho vay tiêu dùng ngày càng khốc liệt.
Xin cảm ơn ông!
(theo cafef)