Tăng hạn mức cho vay học sinh, sinh viên
Hạn mức cho vay mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của học sinh sinh viên khi các chi phí cho học tập ngày càng tăng như học phí, chi phí mua sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở, đi lại…
Chính phủ nâng hạn mức cho vay vốn từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng đối với một học sinh sinh viên từ ngày 19/5/2022 và lãi suất cho vay chỉ còn 4,6%/năm.
Theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh sinh viên, từ ngày 19/5, con em các gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo quy định Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 một học sinh sinh viên sẽ được vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng thay vì 2,5 triệu đồng hiện nay. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) ở các địa phương sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ xin vay và giải ngân tín dụng học sinh sinh viên. Mức cho vay tối đa nêu trên được áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ ngày 19/5/2022.
Quyết định mới cũng sửa đổi khoản 2 điều 9 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về trả nợ gốc và lãi tiền vay. Cụ thể, kể từ ngày học sinh sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, người được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Quyết định mới cũng bãi bỏ chính sách ưu đãi lãi suất trong trường hợp trả nợ trước hạn. Đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đã ký trước ngày 19/5/2022, NHCSXH, người vay vốn và các bên liên quan tiếp tục thực hiện theo các cam kết, các quyền hạn và trách nhiệm ghi trong hợp đồng đã ký.
Đại diện NHCSXH cho biết, việc tăng mức cho vay tối đa lên 4 triệu đồng/tháng đối với một học sinh sinh viên lần này nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, hộ gia đình khó khăn do giá cả và mức học phí có xu hướng tăng.
Hạn mức cho vay mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn của học sinh sinh viên khi các chi phí cho học tập ngày càng tăng như học phí, chi phí mua sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở, đi lại… Với sự hỗ trợ từ chương trình tín dụng chính sách này, học sinh sinh viên có cơ hội nhiều hơn trong lựa chọn các trường, các ngành học có chất lượng cao hơn, để sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm việc làm ổn định sau này.
Theo quy định hiện hành, NHCSXH đang cho vay học sinh sinh viên với lãi suất 6,6%/năm. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Theo đó, trong hai năm 2022-2023 học sinh sinh viên vay vốn theo chương trình này sẽ được hỗ trợ lãi suất 2%, nên lãi suất cho vay học sinh sinh viên người vay thực trả chỉ có 4,6%/năm.
Theo số liệu thống kê của NHCSXH, sau 15 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với học sinh sinh viên, tổng doanh số cho vay từ năm 2007 thực hiện chương trình đến 30/4/2022 đạt 68.663 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã giúp cho trên 3,6 triệu lượt học sinh sinh viên trong cả nước được vay vốn để trang trải chi phí học tập. Tính đến ngày 30/4/2022 dư nợ chương trình này còn trên 10.000 tỷ đồng, với gần 290 ngàn hộ gia đình đang vay, tương đương với trên 300 ngàn học sinh sinh viên còn dư nợ; trong đó tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 1% trên tổng dư nợ.
Các nhà làm chính sách đánh giá, chương trình tín dụng này là một kênh vốn quan trọng cho những gia đình học sinh sinh viên nghèo hiếu học, từ thành thị đến nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Thông qua đó, tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong đảm bảo, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Ông Bùi Văn Sổn, Phó giám đốc NHCSXH chi nhánh TP.HCM cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, công khai thông tin tại điểm giao dịch ở trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để nhiều tầng lớp nhân dân biết, cùng triển khai thực hiện và giám sát. Ngân hàng cũng sẽ tập trung huy động nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho học sinh sinh viên. Đồng thời ngân hàng tiếp tục phối hợp với UBND cấp xã, hội đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm và vay vốn tại khu phố, ấp tập trung rà soát, thống kê các hộ gia đình trên địa bàn có con em là học sinh sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề… có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được hướng dẫn lập hồ sơ, thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn nhằm tiếp cận kịp thời vốn vay ưu đãi của Chính phủ. |
Nguồn: Thu Trang – Thời báo ngân hàng