Tham gia cơ cấu lại ngân hàng yếu kém được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tham gia cơ cấu lại ngân hàng yếu kém được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho đến mức tối thiểu 0%.
Đối với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại ngân hàng yếu kém theo chỉ định, Thống đốc xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng tổ chức tín dụng.
Đây là nội dung chính của Thông tư 23/2015/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, theo quy định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% (tổng vốn huy động) và 1% đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho mọi kỳ hạn đều là 1%. Dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ tương ứng là 8% và 6%.
Thí dụ ngân hàng huy động được 100 đồng kỳ hạn 6 tháng thì phải gửi dự trữ bắt buộc 3 đồng, còn lại 97 đồng được sử dụng để cho vay, dự trữ thanh khoản… Nếu 100 đồng đó có kỳ hạn gửi trên một năm, thì ngân hàng phải dự trữ bắt buộc 1 đồng.
Đây có thể xem là động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp các ngân hàng này có thêm nguồn vốn giá rẻ để cho vay.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các hình thức, biện pháp xử lý đối với những tổ chức tín dụng thiếu dự trữ bắt buộc theo quy định pháp luật hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và quy định pháp luật khác có liên quan.
Thông tư chính thức có hiệu lực từ 28/1/2016./.
( trích Stockbiz)