Thanh toán số chiếm ưu thế trong mùa dịch
Việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không những nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ mà còn góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua giao dịch tiền mặt và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của người dân.
Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý I/2021 so với quý I/2020. Tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Thanh toán qua QR code cũng tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hoá đơn khi chiếm 71%, mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ với 58% và tại siêu thị là 57%…
Nghiên cứu về Chỉ số thanh toán mới của MasterCard từ 18 thị trường toàn cầu cũng cho thấy 84% người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp cận với nhiều hình thức thanh toán hơn so với một năm trước.
Thông tin từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tính tới hết quý I/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có 272.263 POS và 19.714 ATM (tăng tương ứng 6,06% và 0,85% so với cùng kỳ năm 2020). Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục tăng cao: giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị); giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị). Giá trị giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng (tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị).
Bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Chính sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số.
Giới chuyên gia cũng khẳng định, việc các ngân hàng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt ở mảng thanh toán cũng góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19. “Việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không những nhằm thực hiện chủ trương đẩy mạnh TTKDTM của Chính phủ mà còn góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19 thông qua giao dịch tiền mặt và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của người dân”, một chuyên gia cho biết.
Có thể thấy rằng, nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng tăng trưởng mạnh, không chỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà nhìn rộng ra thì nguyên nhân giúp cho thanh toán số ngày một tăng xuất phát từ nhận thức của người dân nâng cao hơn cũng như nỗ lực từ phía Chính phủ. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý đối với lĩnh vực trung gian thanh toán đang ngày một hoàn thiện, các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế được chú trọng đầu tư, nâng cấp cũng là nguyên nhân quan trọng tạo đòn bẩy cho thanh toán số. Tháng 6/2020, thời điểm Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam đã chính thức được triển khai đã thiết lập hạ tầng thanh toán bán lẻ hiện đại, cung ứng khả năng thanh toán theo thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh, đa phương tiện, phục vụ nhu cầu chuyển tiền, giao dịch thanh toán bán lẻ, thanh toán các dịch vụ tiện ích…
Riêng với ngân hàng, thanh toán được xem là một mảng dịch vụ ngân hàng chịu tác động mạnh mẽ nhất của quá trình chuyển đổi số. Thanh toán cũng là điểm tựa vững chắc cho các ngân hàng bán lẻ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay. Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ, đã có thống kê cho thấy những khách hàng có lượng giao dịch thanh toán lớn nhiều khả năng sẽ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của ngân hàng và có thể đem lại doanh thu cao gấp 15 lần các khách hàng chỉ thực hiện một vài giao dịch thanh toán và chỉ sử dụng duy nhất một sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia công nghệ, ông này chia sẻ, một trong những thành tựu của CMCN 4.0 là blockchain nếu được ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán tiềm năng sẽ giúp cho các giao dịch nhanh hơn, giảm xung đột, minh bạch hơn và hoàn toàn bất biến. Giải pháp công nghệ từ blockchain cũng sẽ giúp làm giảm chi phí, giảm gánh nặng hành chính đối với ngân hàng cũng như khách hàng. Tất nhiên, vị này cho rằng, blockchain với Việt Nam dù sao vẫn còn tương đối mới mẻ, nên tất cả những bên tham gia vào quá trình phát triển công nghệ này cũng sẽ có những thách thức từ bảo mật, khả năng phát triển, thống nhất về các quy định, khả năng mở rộng… Bởi vậy, cần nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng blockchain vào hệ thống ngân hàng, trước hết đối với lĩnh vực thanh toán; nghiên cứu để xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ này vào hệ thống ngân hàng và phát triển sandbox thử nghiệm có triển khai công nghệ này trong thanh toán giá trị thấp…
Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) được nhận định sẽ là một cú hích thúc đẩy TTKDTM phát triển mạnh mẽ. Với tổng số thuê bao di động tại Việt Nam hiện nay vào khoảng 124,8 triệu sẽ cho phép kỳ vọng triển khai Mobile Money có sự chuyển biến mạnh mẽ trong thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công… để qua đó thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng