Có nên hạ quá thấp trần lãi suất?

Có nên hạ quá thấp trần lãi suất?

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và phù hợp quan trọng hơn là giảm trần lãi suất liên tục, bởi ở một thời điểm nhất định sẽ xuất hiện “điểm đảo chiều” lãi suất, khi đó, một mặt bằng lãi suất ổn định, đáp ứng được cung – cầu hợp lý của thị trường sẽ là tiền đề tốt cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Ngày 30/9/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục thông báo giảm các mức lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 4,5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3%/năm xuống 2,5%; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm.

Đặc biệt, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%.

Tất cả các biện pháp trên đều nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp vốn rẻ cho ngân hàng, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, NHNN cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND để đáp ứng nhu cầu vốn ở một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN từ 5%/năm xuống 4,5%/năm. Đây là một biện pháp hạ lãi suất cho vay “cục bộ” mang tính bắt buộc.

Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2020.

Lãi suất không phải là rào cản

Trên thực tế, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở rất nhiều ngân hàng đã ở mức từ 4%/năm trở xuống trước khi có quyết định mới từ NHNN. Như tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ khoảng 3,2-3,9%/năm; tương tự, ở VietinBank chỉ khoảng 3,5-3,8%/năm; đáng chú ý, ở Techcombank chỉ 2,55-3,1%/năm. Thậm chí các ngân hàng cỡ nhỏ như NamABank cũng chỉ khoảng 3,89 – 3,95%/năm, hay như VietABank là 3,91-3,95%/năm.

Điều này phần nào cho thấy quyết định giảm lãi suất điều hành ở thời điểm hiện tại không có nhiều tác động đến thị trường huy động, khi vốn dĩ lãi suất ngắn hạn đã ở mức thấp và trong xu hướng giảm.

Lãi suất ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân: về phía cung, vốn đầu vào rẻ vẫn đang rất dồi dào từ cả phía NHNN lẫn từ phía dân cư và doanh nghiệp khi tâm lý tiết kiệm – dự phòng vẫn ở mức cao; về phía cầu, đầu ra tín dụng yếu khiến nhu cầu huy động vốn đầu vào cũng giảm đi, đặc biệt khi ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng huy động đang vượt xa tăng trưởng tín dụng (đến ngày 22/9, tăng trưởng huy động là 7,7%, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 5,12%).

Trong thông cáo từ NHNN, mục tiêu giảm lãi suất lần này được ghi rõ là “hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”. Thông thường, việc giảm lãi suất sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế thông qua kích thích tăng trưởng tín dụng; bên cạnh đó, giảm mặt bằng lãi suất cũng giúp giảm thiểu gánh nặng trả nợ cho người đi vay.

Tuy nhiên, ở thời kỳ này, biện pháp giảm lãi suất có thể không giúp kích thích đáng kể tăng trưởng tín dụng.

“Lãi suất không phải là rào cản”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nhấn mạnh trong một diễn đàn mới đây, khi lý giải về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp từ đầu năm. Theo ông Lực, nhu cầu yếu của nền kinh tế mới là nguyên nhân chính.

Trên phương diện tổng cầu, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô – Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng chính sách tiền tệ ít hiệu quả trong việc kích thích tổng cầu trong giai đoạn hiện nay.

Một số ý kiến còn cho rằng việc giảm lãi suất thậm chí còn tác động có phần tiêu cực đến tổng cầu, bởi nó tác động đến chi tiêu của đông đảo người gửi tiết kiệm.

Tại Việt Nam, rất nhiều người không biết về chứng khoán, không hiểu rõ về vàng…, chỉ gửi tiết kiệm để lấy lãi. Đối với họ, khi lãi suất giảm, lượng tiền lãi thu về giảm thì sức mua của họ cũng bị sụt giảm. Điều này ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng, nếu kéo dài còn có thể ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh.

Như vậy, giảm trần lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng ở thời kỳ này có thể không mang lại hiệu quả đáng kể, trong khi việc hỗ trợ gánh nặng cho người đi vay lại có mặt trái, khi đối tượng chịu thiệt là người gửi tiết kiệm.

Có nên hạ quá thấp trần lãi suất?

Hạ mặt bằng lãi suất là một trong những hướng chính sách quan trọng mà NHNN lựa chọn. Tuy vậy, dù lựa chọn bất kỳ chính sách nào thì cũng sẽ có mặt được cũng như mặt trái. Vấn đề là nên duy trì mặt bằng lãi suất ở mức nào là hợp lý.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng lãi suất ở Việt Nam luôn phải ở mức trung bình cao, không chỉ so với các nước phát triển mà còn so với cả các nước đang phát triển. Vị chuyên gia này đưa ra 4 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam cao, nếu trong tầm kiểm soát thì cũng khoảng 3,5-4%/năm. Thứ hai, rủi ro doanh nghiệp rất lớn. TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam là BB, tương đương với xếp hạng đầu cơ, vì vậy lãi suất đi vay quốc tế bằng USD luôn ở mức cao từ 5%/năm đến 7%/năm, nếu vay bằng VND thậm chí còn yêu cầu lãi suất trên 15%/năm.

Thứ ba, chi phí giao dịch của toàn bộ nền kinh tế rất cao, cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức. Cuối cùng, lãi suất huy động phải cao để thu hút tiền gửi tiết kiệm.

Nếu nhìn vào việc hạ trần lãi suất tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống 4%/năm, có thể thấy NHNN đang muốn kéo trần lãi suất kỳ hạn ngắn xuống sát hơn với lạm phát thực tế (chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,85%). Tuy nhiên, như đã đề cập, lãi suất tiền gửi đang tự điều tiết và đa phần đã dưới mức trần mới, điều này hàm ý rằng đợt giảm thứ 3 này có thể không đem lại nhiều hiệu quả.

Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng thấp hiện tại đến từ nguyên nhân cầu yếu, trong khi tăng trưởng huy động tương đối khả quan dù giảm lãi suất đến một phần đến từ tâm lý dự phòng của người dân và doanh nghiệp. Điều này dẫn đến một kịch bản trong tương lai rằng, khi nền kinh tế phục hồi trở lại, nhu cầu tín dụng tăng cao trong khi huy động không còn được hỗ trợ bởi tâm lý dự phòng, cùng với đó, triển vọng lạm phát cũng tăng cao hơn, thì sẽ đồng loạt đẩy lãi suất tăng lên.

Nếu trần lãi suất tiền gửi ở mức quá thấp trong thời gian dài có thể làm méo mó cung – cầu vốn, làm phổ biến hơn tình trạng “đi đêm” lãi suất. Cùng với đó, trần lãi suất thấp cũng làm giảm sức mua của người gửi tiền, qua đó tác động tiêu cực đến sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng.

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, ít nhất trong 1 năm tới theo dự báo của nhiều chuyên gia, việc duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và phù hợp quan trọng hơn là giảm trần lãi suất liên tục, bởi ở một thời điểm nhất định sẽ xuất hiện “điểm đảo chiều” lãi suất, khi đó, một mặt bằng lãi suất ổn định, đáp ứng được cung – cầu hợp lý của thị trường sẽ là tiền đề tốt cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.

Share this post