Thí điểm Mobile Money (bài 4): Chống rửa tiền đi từ sim “rác”

Thí điểm Mobile Money (bài 4): Chống rửa tiền đi từ sim “rác”

Mobile Money khi được triển khai, bên cạnh những lợi ích cũng tiềm ẩn các rủi ro về quản lý sim rác, an toàn bảo mật, công cụ rửa tiền…

Chống rửa tiền đi từ sim “rác”

Khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Quyết định thí điểm Mobile Money trong 2 năm, ngay lập tức 3 doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là VNPT, Viettel và Mobifone đều có những động thái riêng triển khai dịch vụ này.

Sự hưởng ứng của các doanh nghiệp cho thấy sự sẵn sàng với Mobile Money. Bản thân loại hình tiền di động này, được các tập đoàn lẫn giới chuyên môn khẳng định là dịch vụ tốt, giúp ích cho người dân đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, hải đảo, tiếp cận với tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, việc triển khai Mobile Money cũng sẽ tạo thêm môi trường để tội phạm lợi dụng rửa tiền, sử dụng vào các hành vi pháp luật không cho phép.

“Có nguy cơ sử dụng Mobile Money cho việc rửa tiền” – ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số cho biết.

Thực ra việc rửa tiền sẽ có một số cách để vượt qua thông qua mua thẻ cào để nạp tiền nhưng phải có cơ chế để kiểm soát số lượng, như có quy định hạn mức một ngày nạp được bao nhiêu” – ông Trung nói thêm.

Cần nhìn lại một vài năm trước, đặc biệt năm 2018 khi công an triệt phá được đường dây đánh bạc trị giá hàng nghìn tỷ đồng do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu, tới 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó nạp tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game chiếm 97%.

Điều này đã cho thấy một lỗ hổng trong quản lý hoạt động thanh toán trên mạng, do vậy để tránh tình trạng này lặp lại, ngay từ bước đăng ký tài khoản, nhà mạng phải siết chặt.

Hiện nay theo quy định, để đăng ký sử và sử dụng dịch vụ Mobile Money, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện:

Phải cung cấp Chứng minh nhân dân /Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán định danh, xác thực;

Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 03 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money;

Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

“Cần đảm bảo các số điện đăng ký tài khoản Mobile Money phải là sim chính chủ, đây là việc nhà mạng phải có trách nhiệm, kiểm soát được các thuê bao. Bởi dòng tiền từ các sim rác, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ Vinaphone, Viettel, Mobifone phải kiểm soát thông tin khách hàng chính xác, đúng số định danh để kiểm soát giao dịch tốt hơn” – vị chuyên gia chuyển đổi số cho hay.

Quy định trên buộc nhà mạng phải quản lý chặt chẽ sim “rác”, mà đây là vấn nạn lâu nay chưa thể xử lý triệt để, còn tồn tại nhiều kẻ hỡ. Mặc dù các cơ quan quản lý cùng nhà mạng đã quyết tâm xử lý sim “rác” tuy nhiên tình trạng này chỉ giảm chứ chưa xử lý được triệt để. Tình trạng sim đã kích hoạt sẵn vẫn được bán công khai vẫn tồn tại, hay sim không đúng thông tin, không chính chủ vẫn còn. Vậy 3 nhà mạng lớn đang rục rịch triển khai sẽ quản lý sim “rác” như thế nào?

Mobile money đã được nhiều quốc gia áp dụng, đặc biệt là các nước châu Phi.

Mobile money đã được nhiều quốc gia áp dụng, đặc biệt là các nước châu Phi.

Kiểm soát gian lận: Kinh nghiệm từ Pakistan

Các mô hình hoa hồng theo cấp cho phép các đại lý thu được lợi ích lớn hơn từ các giao dịch giá trị thấp, điều này rất quan trọng trong việc triển khai tiền di động nơi các giao dịch giá trị thấp thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Easypaisa của Pakistan đã quyết định theo đuổi mô hình định giá theo tầng để tận dụng những lợi ích thương mại này. Tuy nhiên, các mô hình hoa hồng theo cấp vốn có rủi ro cao hơn các mô hình dựa trên tỷ lệ phần trăm với nhiều cơ hội hơn cho các đại lý “chơi” hệ thống thông qua việc chia nhỏ các giao dịch để kiếm được nhiều hoa hồng.

Thay vì từ bỏ các lợi ích của tầng mô hình hoa hồng, Easypaisa đã thực hiện một biện pháp phòng ngừa và kiểm soát để giảm thiểu rủi ro. Cả hai kiểm soát đều yêu cầu Easypaisa tiến hành phân tích hoạt động của khách hàng. Họ đã khám phá ra hai sự thật hữu ích để tạo ra các biện pháp kiểm soát phù hợp với các yêu cầu cụ thể của dịch vụ của họ.

Thứ nhất, hành vi bình thường của khách hàng là gửi ít nhất 50 Rupee vào tài khoản Easypaisa của họ cùng một lúc.

Thứ hai, nhóm đã xác định rằng trong khoảng thời gian 15 ngày, bất kỳ tài khoản nào tạo ra nhiều hơn hơn 45 lần gửi tiền mặt (trung bình ba lần gửi tiền mỗi ngày) là bất thường và thường có liên quan đến hoạt động đáng ngờ.

Xác định hành vi “bình thường” so với “bất thường”, có nghĩa là nhóm Easypaisa đã có thể tạo ra các biện pháp kiểm soát có thể hiệu quả nhưng không quá mức. Biết rằng khách hàng gửi ít nhất 50 Rupee có nghĩa là Easypaisa có thể tạo ra một khoản tiền gửi tối thiểu để không làm giảm trải nghiệm của khách hàng nhưng sẽ khiến các đại lý khó khăn hơn trong việc phân chia giao dịch.

Tương tự, bằng cách hiểu các mô hình của hành vi “bất thường”, Easypaisa có thể phát triển một công cụ kiểm soát, nơi họ tạo báo cáo để đánh dấu bất kỳ tài khoản nào thực hiện hơn 45 lần gửi tiền tại cùng một điểm đại lý trong khoảng thời gian 15 ngày. Thông qua tạo ra các biện pháp kiểm soát này, Easypaisa đã có thể tận dụng lợi ích thương mại của hoa hồng theo cấp trong khi quản lý mức độ rủi ro của họ.

Pakistan là một trong những quốc gia đã áp dụng công nghệ vào thanh toán số khá thành công những năm gần đây. Nếu như trước 2015, các nhà bán lẻ độc lập còn trì hoãn với hệ thống bán lẻ hiện đại (POS) như những điểm chấp nhận thanh toán cho các giao dịch không dùng tiền mặt thì sau 2015, sự hợp tác giữa Ngân hàng Habib và Công ty Monet đã dẫn đến sự ra đời của hệ thống bán hàng qua điện thoại (mPOS) đầu tiên tại Pakistan. Nó cho phép các nhà bán lẻ lớn nhỏ có thể trả tiền thông qua điện thoại và có thể chạy trên những kết nối GPRS chậm. Đây có lẽ là một trong những tiền đề để tiền di động phát triển tại quốc gia này.

Cũng từ khoảng 2015, trong một động thái nhằm thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia một cách nhanh nhất để kiểm soát an ninh, Pakistan đã yêu cầu người sử dụng di động tại quốc gia này phải cung cấp cho Chính phủ các thông tin về sinh trắc học. Các thuê bao di động tại Pakistan khi đó bị buộc phải đăng ký dấu vân tay nhằm kiểm tra danh tính người sử dụng. Những thuê bao không thực hiện đúng quy định sẽ bị cắt sử dụng dịch vụ hoàn toàn. Và đó lại là cơ sở để tiền di động tại Pakistan dễ dàng phát triển hơn cũng như có thể đối đầu với vấn nạn như rửa tiền…

Trong giai đoạn đầu mới thí điểm Mobile Money tại Việt Nam, theo như quy định thì định danh, xác thực tài khoản người dùng chưa bao gồm định danh sinh trắc học hoặc sử dụng eKYC. Tuy nhiên tương lai, khi CMTND/ CCCD đang được triển khai gắn chip điện tử, với cơ sở dữ liệu quản lý dân cư của quốc gia đầy đủ, tiện lợi và đồng bộ thông suốt ở nhiều dịch vụ công, hy vọng đây cũng sẽ là nguồn hỗ trợ lớn cho khu vực các nhà mạng nói riêng và các doanh nghiệp đăng ký triển khai Mobile Money có thêm dữ liệu ứng xử với các vấn đề phát sinh.

Nguồn: Nguyễn Long – Diễm Ngọc – Diễn đàn doanh nghiệp

 

Share this post