Thống đốc Bình: Nhiều ưu đãi lãi suất quá sẽ làm thị trường méo mó
Thống đốc Bình: Nhiều ưu đãi lãi suất quá sẽ làm thị trường méo mó
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhấn mạnh về vấn đề lãi suất, chúng ta cần phải làm sao để có một mặt bằng chung không thể ưu đãi mãi được, vì nếu có nhiều ưu đãi sẽ làm thị trường méo mó.
“Về lâu dài, lãi suất cho vay sẽ phải theo cơ chế thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Thực tế, có những doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi (6,5%/năm) còn thấp hơn lãi suất cho vay người nghèo. Như thế, thị trường sẽ không đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp đó, vì họ cho rằng với mức lãi suất đó thì nhiều doanh nghiệp khác cũng làm tốt được như vậy”, Thống đốc Bình phân tích.
Ngày 18/3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đã có chuyến đi thực tế tại An Giang để khảo sát về việc triển khai thực hiện thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra” theo Nghị quyết 14 của Chính phủ về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ nông nghiệp góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp.
Theo đó, Thống đốc đã đi tiếp xúc với những hộ dân nuôi cá tra có tham gia chương trình thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra”. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc nhưng về cơ bản, mô hình này đã giải quyết được những khó khăn, bế tắc tồn tại nhiều năm nay đối với lĩnh vực này.
Theo đó, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết cá tra của Công ty TNHH TMDV Thuận An (An Giang) giảm chi phí được 500 đồng/kg, có lãi cao gấp đôi so với hộ dân ngoài chuỗi liên kết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang, cho biết khi tham gia chuỗi liên kết này, gia đình ông đã ký hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh An Giang với hạn mức 15,5 tỷ đồng, dư nợ tính đến 29/2/2016 là 15,1 tỷ đồng. Ông Tấn đầu tư vào nuôi 7 ao cá với diện tích thả nuôi 32.000 m2, sản lượng bình quân khoảng 932 tấn/ vụ (tương đương 1.398 tấn/ năm ).
“Trước đây khi còn nuôi tự do, tự kiếm mối bán thì gặp đủ thứ khó khăn. Có khi bức bách chuyện thức ăn cho cá phải vay nóng với lãi suất cao. Cá tới lứa bán phải chạy vạy tìm nơi tiêu thụ nhưng nhiều khi bán không được. Nay tham gia chuỗi liên kết, cá tới lứa, thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu, chúng tôi không còn phải lo lắng tìm nơi bán cá nữa. Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng…, phần dôi dư là lợi nhuận, chúng tôi chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền”, ông Tấn chia sẻ.
Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, đến nay đã có 8 ngân hàng được phê duyệt tham gia chương trình cũng đã chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn vay thực hiện các dự án theo tiến độ.
Đến nay, tổng số tiền đã giải ngân theo chương trình là 6.937,24 tỷ đồng, vượt số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay ban đầu (5.627,62 tỷ đồng) do trong quá trình triển khai, một số doanh nghiệp đã xin mở rộng mức đầu tư.
Trong buổi làm việc với doanh nghiệp Thuận An, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Thuận An, cho biết cơ chế cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, về việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn nuôi cá.
“Bởi vì hiện nay, khi đầu tư sản xuất cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra với sản lượng 350 tấn thì vốn đầu tư cần thiết là trên 07 tỷ đồng, trong khi đó, theo quy định hiện hành, giá trị 01 ha đất nuôi cá khi thế chấp chỉ vay được khoảng từ 500 – 600 triệu đồng, chỉ đáp ứng khoảng 10% tỷ lệ bảo đảm theo quy định. Vì vậy, khi cơ chế cho vay thí điểm Chuỗi liên kết được ban hành và triển khai thì khó khăn này đã được giải quyết”, bà Trinh nhận diện.
Theo bà Trinh, thông qua chương trình cho vay thí điểm, các địa phương đã bước đầu hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao.
Trong buổi làm việc với Thống đốc, bà Trinh có kiến nghị Thống đốc gia hạn thêm mô hình thí điểm này đến năm 2018 và giảm lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm.
Về vấn đề này, Thống đốc Bình nhấn mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp Thuận An là 6,5%/năm, thấp hơn cả lãi suất cho vay hộ gia đình nghèo.
“Tiến tới, chúng ta cần phải làm sao để có một mặt bằng chung về lãi suất, không thể ưu đãi mãi được, vì nếu có nhiều ưu đãi sẽ làm thị trường méo mó. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ phải theo cơ chế thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp”, Thống đốc Bình phân tích.
Trong buổi làm việc, Thống đốc Bình chia sẻ, đây là lần cuối cùng ông đến An Giang với tư cách là Thống đốc. Chuyến đi này sẽ ghi nhận những vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện triển khai mô hình liên kết cho vay cá tra và thời gian tới đây sẽ sơ kết, tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả triển khai chương trình này để từ đó hoàn thiện cơ chế chính sách thành chủ trương của nhà nước, tiếp tục thể chế hoá thành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp, người nông dân và ngân hàng yên tâm triển khai thực hiện.
“Sẽ không có gia hạn, bởi chương trình thí điểm nào cũng phải có kết thúc. Nhưng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân sẽ được xem xét cơ chế chính sách để hoàn thiện thành văn bản quy phạm pháp luật để người dân, doanh nghiệp triển khai. Tính tôi không thích nợ nần ai cả, đã hứa là phải thực hiện”, Thống đốc Bình quả quyết.
(Trích Bizlive)