Tín dụng ngược chiều nợ xấu
Tín dụng ngược chiều nợ xấu
(TBKTSG) – Không chỉ các ngân hàng, mà cả doanh nghiệp và giới đầu tư đều bị ấn tượng bởi kết quả kinh doanh năm 2015 vừa được công bố của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
VPBank đã tiến những bước dài và nhảy lên vị trí tổ chức tín dụng hàng đầu, bỏ lại phía sau những tên tuổi một thời vang bóng như Á Châu, Sacombank, Techcombank và cả Quân đội.
Tín dụng “cất cánh”
Lợi nhuận trước thuế của VPBank cán mốc 3.096 tỉ đồng, tăng trưởng 92,4% so với năm trước đó. Không ngân hàng nào, kể cả Vietcombank đạt được mức tăng lợi nhuận cao như vậy. Nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2015, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng gần 100% nhờ thu nhập từ lãi tăng mạnh trong khi chi phí cũng tăng, nhưng chỉ bằng một phần ba mức tăng thu nhập. Tăng trưởng tín dụng của VPBank, không nghi ngờ, cao nhất hệ thống, tới 49%, nâng tỷ lệ cho vay/huy động từ 71% năm 2014 lên 88% năm ngoái.
Điều gì đã tạo nên sức bật cho VPBank? Chính là cho vay tiêu dùng. VPBank đang tiến rất sát Home Credit ở mảng này và đây là lý do vì sao ngân hàng đã tuyển dụng nhiều nhân viên bán lẻ trong những năm vừa qua. VPBank là một câu chuyện dài, với nhiều chi tiết thú vị, mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác.
Tăng trưởng tín dụng của VPBank cao, song xét về con số tuyệt đối, chỉ vài chục ngàn tỉ đồng. Tín dụng năm 2015 của cả hệ thống đã “chạy” gần 18%, chủ yếu dựa vào các ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh.
Theo báo cáo tài chính quí 4-2015 của các ngân hàng, cho vay khách hàng của BIDV lên đến 26%; của VietinBank 22%; của Vietcombank 19,7% trong khi mục tiêu đặt ra đầu năm tương ứng là 16%, 15% và 13%. Sau một thời gian được kiềm chế ở mức thấp, tín dụng đã được “thổi” những làn gió mới và đã có một độ bay bổng không thể không chú ý. Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng đã chảy vào những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển của nền kinh tế như nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng… Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đã được cải thiện và là nguyên nhân chính của tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên không thể bỏ qua tiền tài trợ cho bất động sản đang tăng cao hơn mức tăng tín dụng của cả hệ thống, chưa kể quá trình cơ cấu nợ và quy định được phép sử dụng tới 60% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể tạo ra những góc khuất mà nhìn thoáng qua, màu sắc của bức tranh tín dụng có khả năng không chính xác như phản ánh của số liệu.
Eximbank là một trong số ít tổ chức tín dụng ghi nhận mức âm tăng trưởng tín dụng cho năm 2015. Tín dụng của Eximbank giảm 3% so với năm 2014. Eximbank lỗ trong quí 4 do chi phí dự phòng đột biến, gấp gần hai lần so với mức của chín tháng đầu năm. Cả năm dự phòng rủi ro của ngân hàng tới 1.434 tỉ đồng, phản ánh sự thận trọng trong quản lý chất lượng tài sản. Tín dụng tăng trưởng âm, mà dự phòng rủi ro lại tăng mạnh, chứng tỏ chất lượng các khoản tín dụng của Eximbank các năm trước không phải ở mức đủ tốt cần thiết.
Nợ xấu tự công bố giảm
Sự khác biệt phải nhấn mạnh là năm qua các ngân hàng tương đối chú trọng việc xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng, theo báo cáo tài chính, đều giảm, như của Quân đội từ 2,85% năm 2014 xuống 1,61% năm 2015; của VietinBank từ 1,12% xuống 0,92%; của BIDV từ 1,9% về 1,6%; của Vietcombank từ 2,3% về 2%; của Eximbank từ 2,5% còn 1,9%…
Ngoài việc tăng cường bán nợ cho VAMC, các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro cao hơn, đồng thời sử dụng dự phòng để xóa một số khoản vay không có khả năng thu hồi. Chẳng hạn Ngân hàng Quân đội đã xóa 2.195 tỉ đồng nợ xấu năm ngoái, mức rất cao, bằng 1,8% tổng dư nợ.
Trong số các ngân hàng, giới đầu tư đánh giá cao việc xử lý nợ xấu của Vietcombank. Chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank năm 2015 đến hơn 6.000 tỉ đồng, cao nhất hệ thống. Riêng VPBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 235% từ 980 tỉ đồng năm 2014 lên 3.278 tỉ đồng năm ngoái. BIDV là ngân hàng bán nợ nhiều nhất cho VAMC. Tính đến tháng 8-2015, BIDV đã bán cho VAMC 7.000 tỉ đồng nợ (không tính số liệu bán của năm trước đó).
Tất nhiên bao giờ cũng có khoảng cách giữa tỷ lệ nợ xấu tự công bố của tổ chức tín dụng và tỷ lệ mà Ngân hàng Nhà nước công bố sau khi thanh tra, kiểm tra. Xu hướng chung, theo một số ngân hàng, là kiểm soát chặt các khoản cho vay mới nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh và sử dụng dự phòng để xử lý các khoản vay của những năm trước.
Một trong những thước đo chất lượng tài sản của các ngân hàng là giá cổ phiếu. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cao hơn của VietinBank và BIDV, nhưng thị giá cổ phiếu của Vietcombank luôn cao gấp 2-2,5 lần thị giá cổ phiếu BIDV hay VietinBank. Gần đây thị giá cổ phiếu các ngân hàng cổ phần niêm yết như STB, EIB, SHB đều ở mức thấp nhất 12 tháng. Lòng tin của giới đầu tư vào cổ phiếu một số tổ chức tín dụng cổ phần dường như đang bị thử thách dữ dội. Ngay cả cổ phiếu VPBank, bất chấp kết quả kinh doanh tốt năm ngoái, hiện trên thị trường OTC, đang được giao dịch xung quanh mệnh giá.
(trích thesaigontimes.vn)