Tín dụng ưu đãi kép cho công nghiệp hỗ trợ
Tín dụng ưu đãi kép cho công nghiệp hỗ trợ
Việc kết hợp các chính sách hỗ trợ tín dụng của Trung ương và địa phương sẽ giúp nguồn vốn vay chảy mạnh hơn vào khối DN ngành công nghiệp hỗ trợ.
NHNN Chi nhánh TP.HCM mới đây thông báo, trong năm 2016, chương trình kết nối NH – DN sẽ gắn kết với các chương trình, chính sách ưu đãi của UBND TP.HCM. Trong đó, đặc biệt hỗ trợ chuyên sâu vào nhóm DN thuộc Chương trình kích cầu đầu tư của địa phương như: DN thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và DN sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nhằm hướng nguồn vốn cho vay của NHTM vào các ngành, lĩnh vực mà TP.HCM quan tâm, ưu tiên phát triển.
Linh hoạt theo địa phương
Thực tế cho thấy thời gian gần đây, chính sách ưu đãi cho khối DN CNHT được chính quyền TP.HCM quan tâm nhiều hơn so với các lĩnh vực khác. Trong Kế hoạch phát triển CNHT giai đoạn 2016-2020, địa phương đã đưa ra những ưu đãi khá cụ thể đối với 4 nhóm ngành CNHT là: cơ khí – điện tử – công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa – cao su; chế biến lương – thực phẩm và dệt may – da giày.
Theo đó, từ năm 2016, các DN thuộc 4 nhóm lĩnh vực này sẽ được ngân sách địa phương cấp bù 50-100% lãi suất vay vốn đầu tư từ các NHTM. Nếu DN nào chủ động chuyển đổi từ sản xuất gia công sang tự chủ về thiết kế thương hiệu còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi lãi suất 100% khi vay vốn triển khai các dự án thiết kế sản phẩm mới.
Đáng chú ý là sau 4 năm, ngành NH triển khai Chương trình kết nối NH – DN, chính quyền TP.HCM đã nhận thấy sự tăng trưởng mạnh của nguồn vốn tín dụng từ chương trình này, với tổng dư nợ lên tới 240.700 tỷ đồng cho vay đối với trên 9.200 DN. Vì thế bắt đầu từ năm nay, địa phương sẽ kết hợp chương trình kết nối NH – DN với các chính sách ưu đãi riêng biệt của thành phố.
Theo đó, TP.HCM sẽ dành ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các DN CNHT khi vay vốn từ Chương trình kết nối NH – DN. Như vậy, các DN CNHT không những được hưởng lãi suất thấp (ngắn hạn tối đa 7%/năm, trung, dài hạn tối đa 8-10%/năm) mà sau khi dự án hoàn thành còn được ngân sách địa phương hỗ trợ một phần hoặc toàn phần số lãi vay.
Nếu việc kết hợp này được thực hiện suôn sẻ, dự kiến ngay trong năm 2016, trong số hơn 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD đã được các NHTM cam kết giải ngân cho Chương trình kết nối NH – DN sẽ có một tỷ lệ lớn được cho vay vào khối DN CNHT, giúp nhóm DN này bứt phá mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư.
Tự thay đổi để đón vốn
Quan sát trong thời gian 4-5 năm qua, có thể thấy đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM tiến hành kết hợp các chính sách, chương trình ưu đãi đặc thù của địa phương với các chương trình tín dụng của ngành NH.
Thực tế từ năm 2011, với việc dùng ngân sách địa phương để cấp bù 50-100% lãi suất vay vốn từ các NHTM, Chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị của TP.HCM đã được thực hiện khá thành công với sự phối hợp chặt chẽ của các NHTM. Chỉ tính đến giữa năm 2015, dù ngân sách thành phố chỉ mới giải ngân nguồn hỗ trợ lãi suất được khoảng 250 tỷ đồng, nhưng các NHTM trên địa bàn đã cho vay được gần 4.000 tỷ đồng đối với các DN và hộ nông dân.
Điều này có nghĩa rằng, 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay đã huy động được 16 đồng vốn vay từ các NHTM và hiệu quả kết hợp các chính sách ưu đãi của địa phương với các chương trình tín dụng trọng điểm của ngành NH là rất đáng ghi nhận.
Trở lại với nhóm DN CNHT, ngoài những chính sách ưu đãi kết hợp giữa NH với chính quyền địa phương như trình bày ở trên, thời gian tới cánh cửa vay vốn cho khối DN CNHT tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung sẽ tiếp tục được mở rộng. Vì trong khoảng 1-2 tháng tới đây, NHNN sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chính sách tín dụng phát triển CNHT theo Quyết định 111/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi Thông tư này được ban hành các DN CNHT không những được vay vốn với lãi suất ưu đãi (tối đa bằng mức lãi suất ngắn hạn từng thời kỳ) mà còn được xem xét cho vay tới 70% vốn đầu tư. Đối với các dự án thuộc danh mục sản phẩm CNHT được ưu tiên phát triển thậm chí còn được các Tổ chức tín dụng bảo lãnh vay vốn đầu tư nếu chứng minh được không có các khoản nợ đọng tiền thuế và nợ xấu tại các NHTM.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, hầu như các chính sách ưu đãi tín dụng đều đang hướng rất mạnh vào khối DN CNHT. Vấn đề còn lại là khả năng vay được vốn trên thực tế như thế nào? Điều này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khả năng đổi mới và thích ứng của các DN CNHT hiện hữu.
Bởi tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù cả nước có tới gần 600 ngàn DNNVV (trong đó một tỷ lệ lớn hoạt động trong lĩnh vực CNHT) nhưng đa số các DN nhóm này đều có nguồn lực tài chính hạn chế. Trong khi đó, khoảng 75% máy móc, thiết bị và công nghệ đều đã lỗi thời, cần thay đổi.
Ngoài ra, các DNNVV cũng chưa chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện hệ thống kế toán – tài chính do vậy các phương án sản xuất kinh doanh chưa thuyết phục được các Tổ chức tín dụng khi thẩm định để cho vay vốn đầu tư.
Để gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay, chính vì thế bản thân các DNNVV cần có chiến lược đầu tư dài hạn cho hoạt động tái cấu trúc, tranh thủ các hỗ trợ tài chính để đổi mới công nghệ, đổi mới phương pháp quản trị. Từ đó mới có cơ sở để phát triển các dự án sản xuất – kinh doanh mang tính khả thi cao, hấp dẫn được sự đầu tư từ các Tổ chức tín dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nguồn hỗ trợ từ ngân sách.
( trích thoibaonganhang)