Mobile Money – Giải pháp thực thi chính sách

Mobile Money – Giải pháp thực thi chính sách

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, triển khai Mobile Money sớm không chỉ thúc đẩy TTKDTM, mà trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, kéo dài như hiện nay, nó còn là giải pháp để có thể chuyển tiền hỗ trợ cho từng người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất bên cạnh các dịch vụ ngân hàng số.

Kết quả nghiên cứu gần đây của Tổ chức thẻ quốc tế Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng cho thấy, 85% người tiêu dùng tại khu vực Đông Nam Á chấp nhận các phương thức thanh toán số như thanh toán qua thẻ, thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử, thanh toán bằng QR code. Trong đó, 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (chiếm tỷ lệ 64%) đã trải nghiệm không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng tại Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%).

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và thúc đẩy TTKDTM trong nền kinh tế quốc dân cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ Việt Nam tại Chiến lược phát triển tài chính toàn diện quốc gia. Bởi thế, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt thí điểm Mobile Money được cho là bước đi phù hợp và cần thiết để giúp nâng cao tỷ lệ TTKDTM của người dân. Ngay sau Quyết định 316, ngày 20/4/2021, NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Đến thời điểm này, cả ba nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam là Viettel, MobiFone và VNPT đều đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể triển khai thí điểm Mobile Money. Cả ba đơn vị này cũng đã trình hồ sơ thí điểm dịch vụ này lần thứ nhất lên NHNN thẩm định và đang tiếp tục hoàn thiện chỉnh sửa một số nội dung sau khi có phản hồi.

Viettel cho biết đã triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ này cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng của Viettel. Còn VNPT trong quý I/2021 đã thí điểm Mobile Money nội bộ với hơn 40.000 cán bộ, nhân viên của tập đoàn trên toàn quốc. Phía MobiFone cũng cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện thủ tục, xin giấy phép để sẵn sàng tung sản phẩm ra thị trường.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhìn nhận, triển khai Mobile Money sớm không chỉ thúc đẩy TTKDTM, mà trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, kéo dài như hiện nay, nó còn là giải pháp để có thể chuyển tiền hỗ trợ cho từng người dân một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất bên cạnh các dịch vụ ngân hàng số.

Cùng chung quan điểm, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, Covid-19 đã khiến việc đi lại giữa các địa phương, hay thậm chí là các quận/huyện trong một thành phố khó khăn hơn và rủi ro hơn rất nhiều. Nếu Mobile Money sớm được triển khai thì một người dân hoàn toàn có thể gửi những khoản tiền nhỏ cho người thân, bè bạn… để giúp đỡ, hỗ trợ nhau lúc khó khăn ngay lập tức, chỉ mất rất ít thời gian thao tác trên điện thoại.

Báo cáo của Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA) năm 2020 cho thấy, hiện với 290 nhà cung cấp dịch vụ tại 95 quốc gia, Mobile Money trở thành nền tảng thanh toán phổ biến tại các khu vực với các dịch vụ tài chính chưa được phát triển mạnh.

Tuy vậy, triển khai Mobile Money cũng có không ít thách thức đi cùng. Theo ông Hoàng Sinh Trường – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, Mobile Money đứng trước ba thách thức lớn. Thứ nhất, thách thức đến từ xác thực khách hàng khi phải tập trung nguồn lực, công nghệ nhằm ngăn chặn các rủi ro phát sinh, đảm bảo an ninh tiền tệ. Thách thức thứ hai đến từ việc quản lý vận hành hiệu quả các điểm kinh doanh. Thách thức thứ ba tới là từ tập khách hàng mục tiêu, khi hiện nay 30% người dân chưa có tài khoản ngân hàng là những đối tượng khó mở rộng, tiếp cận nhất.

Về định danh khách hàng, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN khẳng định, sẽ không cần quá lo lắng về vấn đề sim rác, bởi những thông tin của thuê bao di động đã được định danh mới được cho phép mở tài khoản Mobile Money. Cụ thể, cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money phải cung cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân/ hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký thuê bao di động, được doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh và xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Mỗi người dùng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Thêm vào đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế, Mobile Money và dịch vụ ngân hàng số của các nhà băng sẽ có sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, chứ không hoàn toàn là yếu tố cạnh tranh. “Mỗi tài khoản Mobile Money chỉ được hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng cho tổng các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, những khoản chi quá lớn vẫn sẽ phải giao dịch qua ngân hàng. Ngay trong điều kiện thí điểm cũng đã có không chế số lượng tiền cũng như một số dịch vụ được thanh toán qua Mobile Money nên lo ngại về sự cạnh tranh là có, nhưng cũng không phải quá lớn. Và để cùng hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ TTKDTM của người dân, thì sự kết hợp giữa cả nhà mạng viễn thông và ngân hàng trong việc thanh toán là cần thiết”, chuyên gia này cho hay.

Dưới góc độ doanh nghiệp viễn thông, phía Viettel Digital nhìn nhận, cần phải truyền thông mạnh mẽ tới người dân biết về dịch vụ và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, đồng thời các đơn vị viễn thông phải chuẩn hoá thông tin thuê bao di động. Việc sớm đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào sử dụng sẽ có hiệu quả rất lớn trong khả năng định danh khách hàng.

Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng

Share this post