Việt Nam sẽ chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt nhanh hơn

Việt Nam sẽ chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt nhanh hơn

Các ngân hàng, công ty thanh toán và nhà cung cấp công nghệ đang có nhiều cơ hội hợp tác để tạo mạng lưới thanh toán vòng mở, tăng cường mức thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng, bà Winnie Wong, Giám đốc Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên thực tế vẫn còn rất khó khăn khi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến. Bà có gợi ý gì cho Việt Nam về mặt chính sách để cải thiện tình hình?

Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã không ngừng thúc đẩy chương trình nghị sự về thanh toán không tiền mặt trong nhiều năm qua. Xét về thanh toán điện tử, Việt Nam đã vượt xa các nước phát triển hơn trong khu vực như Singapore và Malaysia. Việt Nam có mức tăng trưởng thanh toán di động nhanh nhất trên thế giới, từ 37% năm 2018 lên 61% năm 2019.

Thành quả này phần lớn nhờ vào các biện pháp mạnh mẽ của Chính phủ nhằm chủ động thúc đẩy các dịch vụ thanh toán như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, ứng dụng di động và ngân hàng trực tuyến. Chúng tôi cũng thấy nhiều động thái tích cực được thực hiện để tích hợp thanh toán điện tử vào các dịch vụ của Chính phủ, như thanh toán hóa đơn tiện ích, trả lương hưu và an sinh xã hội.

Các sáng kiến này cùng với mức độ thâm nhập Internet và điện thoại thông minh, sự phát triển của thương mại điện tử, ví điện tử cũng như mức thu nhập và tiêu dùng tăng, đã tạo ra một môi trường sôi động với nhiều điều kiện thuận lợi để tăng tốc việc chấp nhận thanh toán kỹ thuật số. Dù vậy, thói quen thanh toán tiền mặt tuy đang dần thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch nhưng vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là những giao dịch mua sắm hàng ngày với giá trị thấp.

Dựa trên kinh nghiệm tại các thị trường khác và những thay đổi trong thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng do Covid-19, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ có tốc độ chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt nhanh hơn trong vài năm tới. Để đảm bảo một lộ trình suôn sẻ, liền mạch và toàn diện, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công và tư cần hợp tác với ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính để tích hợp thanh toán kỹ thuật số đơn giản, an toàn, dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi. Sự kết hợp của các bên liên quan sẽ cho phép Việt Nam tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số, nơi không ai bị bỏ lại phía sau, và có những cơ hội phát triển bình đẳng, mạnh mẽ.

Trong nỗ lực tạo ra một thế giới không tiền mặt, Mastercard cam kết phát triển song hành và tạo điều kiện cho sự phát triển của các thị trường như Việt Nam. Chúng tôi mong muốn mở rộng các sáng kiến, quan hệ đối tác và kinh nghiệm của chúng tôi để tăng cường việc thực hiện các giải pháp và công nghệ thanh toán giúp đẩy nhanh chương trình nghị sự không dùng tiền mặt của Việt Nam.

Hiện nay, đa số người dùng Việt Nam vẫn lo ngại vấn đề bảo mật khi thanh toán qua thẻ hay sử dụng các loại hình giao dịch điện tử, nhất là giao dịch quốc tế. Bà có khuyến cáo gì để người dân yên tâm sử dụng?

Các cuộc tấn công mạng đang ngày càng tăng lên về quy mô, độ tinh vi và tần suất. Cùng với đó, các hình thức thanh toán và giao dịch điện tử mới trên không gian Internet vạn vật cũng đang phát triển không ngừng. Điều này đòi hỏi chúng tôi và những công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán khác phải cùng kết hợp và đầu tư vào các giải pháp công nghệ giúp cá nhân và doanh nghiệp có được một hệ sinh thái thanh toán an toàn.

Thấu hiểu điều này, Mastercard luôn coi trọng và đi đầu trong việc phát triển các biện pháp bảo mật mới, giúp ngân hàng, cơ sở kinh doanh và chủ thẻ dự đoán và giải quyết các mối đe dọa bảo mật từ trước và sau giao dịch, đảm bảo an toàn trên tất cả các điểm thanh toán và thiết bị. Ví dụ như công nghệ NuDetect của chúng tôi thực hiện cách tiếp cận nhiều lớp để xác minh người đứng sau giao dịch, kết hợp thông tin đăng nhập thiết bị, lịch sử hành vi và sinh trắc học hành vi để xác minh người dùng trong thời gian thực.

Ngoài ra, Mastercard cùng với Enel X vừa cho ra mắt một phòng thí nghiệm mới ở Israel để thúc đẩy những đổi mới về công nghệ tài chính và an ninh mạng trong ngành thanh toán toàn cầu và hệ sinh thái năng lượng với sự phối hợp cùng các công ty khởi nghiệp và fintech.

Các phương thức thanh toán điện tử như ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Điều này liệu có ảnh hưởng đến doanh số phát hành thẻ của ngân hàng hay không, thưa bà?

Công nghệ mới luôn mang đến những thách thức và cơ hội. Chính vì thế, Mastercard luôn tìm tòi, học hỏi, nắm bắt những cơ hội để tạo nên một thế giới tốt hơn, kết nối tốt hơn và không tiền mặt. Với tư cách là một công ty công nghệ thanh toán, chúng tôi có những cơ hội đặc biệt để hợp tác không chỉ với những đối tác truyền thống mà cả những “người chơi” mới trong thị trường.

Chúng tôi đã hợp tác thành công với những đối tác truyền thống như ngân hàng để giúp họ thích nghi với nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng và giải quyết những thách thức mà những đối thủ mới tạo ra. Đồng thời, cũng đã làm việc với những “người chơi” mới như ví điện tử và fintech để giúp họ mở rộng quy mô và phát triển thị trường thanh toán.

Các loại thẻ thanh toán sẽ khó biến mất sớm và nhu cầu của người dùng cũng sẽ không giảm. Hầu hết các sản phẩm ví điện tử đang thiếu khả năng tương tác do hệ thống vòng thanh toán khép kín. Điều này có nghĩa là họ chỉ có thể thực hiện thanh toán ví điện tử tại các cơ sở kinh doanh có trong danh sách, trong khi thanh toán thẻ qua hệ thống thanh toán vòng mở được chấp nhận rộng rãi nhất.

Tuy nhiên, điều này đã mang đến cho các ngân hàng, công ty thanh toán và nhà cung cấp ví điện tử cơ hội hợp tác chặt chẽ, kết hợp các nguồn lực và chuyên môn, tạo ra một mạng lưới thanh toán vòng mở để tăng cường mức chấp nhận và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh.

Nguồn: Tri Nhân – thời báo ngân hàng

Share this post