Yếu tố giúp ngân hàng bứt phá trong 2021

Yếu tố giúp ngân hàng bứt phá trong 2021

“Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các sản phẩm số và tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại; triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công”.

Đó là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề ra cho các đơn vị thuộc NHNN trong năm 2021. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này cũng là yếu tố khiến các ngân hàng bứt phá năm 2021.

Thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, đặc biệt là thanh toán qua điện thoại di động. Vụ Thanh toán cho biết, đến cuối tháng 10/2020 số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đã đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Theo giới chuyên gia, tăng trưởng khá ấn tượng của TTKDTM ở năm 2020 phần nhiều do ảnh hưởng của Covid-19, khi thói quen, hành vi của con người từ offline dần chuyển sang online. Theo đó, không chỉ riêng với thanh toán, quy trình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại của các nhà băng cũng cho thấy có sự chuyển dịch lớn. Một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho hay, công nghệ số phát triển cho phép đưa toàn bộ hoạt động của ngân hàng lên môi trường mạng, thay vì chỉ đơn giản như trước đây là số hoá tài liệu hay quy trình, nên “số hoá chính là một trong những yếu tố chính để giúp các ngân hàng có thể bứt phá trong năm 2021”. Hay nói cách khác, cơ hội sẽ chia đều cho các ngân hàng bất kể quy mô ra sao, ai nhanh chóng ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số sẽ là người chiếm ưu thế trên thị trường.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng chia sẻ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu hướng chung là doanh thu các dịch vụ truyền thống của ngành Ngân hàng sẽ dịch chuyển 17-34% sang các dịch vụ mới, điều này diễn ra trên tất cả các mặt nghiệp vụ. Đây là nhu cầu tất yếu khiến các nhà băng không cách gì ngoài việc phải thay đổi để thích ứng với các mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, cuối năm 2020, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Điểm đáng chú ý và được trông ngóng từ khá lâu chính là tại Thông tư mới này đã quy định rõ ràng về việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại các TCTD bằng phương thức điện tử (eKYC). eKYC chính thức được áp dụng từ 5/3/2021, đồng nghĩa với cánh cửa cho ngân hàng số đã được mở. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, eKYC chỉ là bước khởi đầu, không phải chìa khoá vạn năng, để chuyển đổi số thành công phải có chiến lược và quy trình cụ thể.

Ông Nguyễn Hưng nhấn mạnh, chuyển đổi số là chiến lược cần được ưu tiên đầu tiên của các tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính – ngân hàng, thành công sẽ phụ thuộc vào khả năng và quyết tâm áp dụng công nghệ, cách thức triển khai của mỗi ngân hàng.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương – Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cũng cho rằng, bản thân ngân hàng phải nhận thấy sự cần thiết đổi mới tư duy chiến lược từ “hạn chế bị ảnh hưởng” sang “chủ động đổi mới”. Yếu tố đầu tiên được bà Dương nhắc tới nằm ở hệ sinh thái, khi thành công trong tương lai phụ thuộc lớn vào sự hợp tác giữa các thành viên trong hệ sinh thái, trong đó mỗi bên đóng vai trò thiết yếu khác nhau. Bên cạnh đó, các nền tảng tài chính – ngân hàng lấy khách hàng làm trung tâm sẽ giúp khách hàng tiếp cận nhiều tổ chức tài chính – ngân hàng khác nhau thông qua một kênh duy nhất sẽ trở thành xu thế, ở đây muốn nói tới open banking. “Quan trọng nữa là công nghệ, vì công nghệ mới hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng”, bà Dương cho hay.

Báo cáo từ phía Vụ Thanh toán chỉ ra, hiện nay 95% TCTD đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% TCTD đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% TCTD đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Nói về kỳ vọng về lợi ích chuyển đổi số trong 3-5 năm tới, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hơn 82% TCTD kỳ vọng tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%; hơn 58% TCTD kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số… Phân tích dữ liệu (Data Analytic) và Dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng rộng rãi nhất cho các hoạt động nghiệp vụ.

Nhận định con người và công nghệ luôn là hai đột phá chiến lược, đưa ra khuyến nghị trong tiến trình đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc ngại rủi ro hay sợ thất bại, hợp tác kém hiệu quả và chậm đổi mới chính là rào cản cho việc phát triển ngân hàng trong bối cảnh mới, nhất là khi dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất nhiều mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội từ trước đến nay. TS. Lực nhấn mạnh, “mô hình kinh doanh trên nền tảng số là xu thế tất yếu, trong đó việc tự xây dựng (build), mua lại (buy) hoặc chia sẻ (share) là các giải pháp được ưa chuộng; đi cùng với kênh phân phối và sản phẩm phù hợp giúp tăng trải nghiệm khách hàng”.

Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng

Share this post