Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – 65 năm phát triển cùng đất nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – 65 năm phát triển cùng đất nước
Cách đây 65 năm, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày nay – mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vẻ vang của ngành ngân hàng Việt Nam.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đầy cam go và khốc liệt, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia cũng như trong những năm tháng hòa bình, ngành ngân hàng đã từng bước khắc phục những khó khăn trong thời chiến, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược quan trọng của ngành trong việc xây dựng hệ thống tiền tệ – ngân hàng ngày một vững mạnh; đóng góp nguồn tài lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc; huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước; từng bước ổn định giá trị đồng tiền; cải thiện đời sống của nhân dân. Trong suốt hành trình gian khổ đó, nhiều thế hệ cán bộ ngân hàng đã nêu cao phẩm chất cách mạng – cần, kiệm, liêm, chính; nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành. Đã có hàng chục nghìn tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phong trào thi đua yêu nước của ngành ngân hàng, có hàng trăm cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của lớp lớp cán bộ ngành ngân hàng đã xây đắp nên “con đường huyền thoại tiền tệ” – là cầu nối cho hậu phương và tiền tuyến, đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã mở ra những định hướng khởi đầu cho sự nghiệp đổi mới của ngành ngân hàng Việt Nam. Bắt đầu từ bước đột phá thí điểm theo Quyết định 218-CT ngày 3-7-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về cho làm thử việc chuyển hoạt động của ngân hàng sang kinh doanh XHCN đến Nghị định số 53/HĐBT, ngày 26-3-1988 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy NHNN Việt Nam, đến ngày hôm nay, ngành ngân hàng đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng:
Một là, thể chế tiền tệ cho hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, cập nhật tiến dần theo thông lệ quốc tế. Khuôn khổ thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiện hành là Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hai Luật này.
Hai là, hình thành hệ thống ngân hàng hai cấp, tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của NHNN với chức năng kinh doanh tiền tệ của các TCTD. NHNN Việt Nam được tập trung củng cố, đổi mới để thực hiện ngày càng tốt hơn, đúng đắn hơn vai trò của ngân hàng trung ương trong kinh tế thị trường, đồng thời làm tròn nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ – tín dụng- ngân hàng. Hệ thống các TCTD Việt Nam phát triển nhanh, đa dạng về sở hữu, mô hình quản trị dưới dạng công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc mô hình ngân hàng hợp tác xã đã lần lượt ra đời. Đến nay, sau khi thực hiện chương trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015, toàn hệ thống đang có bảy NHTM Nhà nước, 28 NHTM cổ phần, sáu ngân hàng nước ngoài và 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hai ngân hàng liên doanh, một ngân hàng HTX, 1.149 Quỹ Tín dụng nhân dân, ba tổ chức tài chính vi mô và 27 TCTD phi ngân hàng; một Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) và một Ngân hàng phát triển. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, để bảo vệ lợi ích của người gửi tiền.
Ba là, NHNN với vai trò Ngân hàng Trung ương đã có bước trưởng thành vượt bậc trong hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) theo hướng chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp yêu cầu thực tiễn. Việc sử dụng các công cụ của CSTT như lãi suất, tỷ giá, nghiệp vụ thị trường mở, dự trữ bắt buộc… ngày càng đồng bộ, nhịp nhàng và nhuần nhuyễn hơn theo nguyên tắc thị trường. Cơ chế và hệ thống giám sát an toàn hoạt động ngân hàng được hoàn thiện, chuyển dần sang công tác thanh tra, giám sát theo rủi ro. Gần đây nhất, Chính phủ đã giao NHNN giữ vai trò đầu mối trong đánh giá và giám sát an toàn hệ thống tài chính quốc gia.
Bốn là, chủ động thực hiện các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong mối quan hệ với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Năm là, thị trường tiền tệ được phát triển ở quy mô lớn, là kênh dẫn vốn chủ chốt trong nền kinh tế. Tổng tài sản khu vực ngân hàng nắm giữ lên tới khoảng 7,32 triệu tỷ đồng, ước khoảng 95% tài sản của khu vực tài chính, hơn 170% GDP; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế khoảng 111% GDP, nguồn vốn huy động khoảng 126% GDP; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt mức rất cao so với trước đây, góp phần củng cố niềm tin về khả năng thanh toán của quốc gia, chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia được tăng lên, góp phần tiết giảm chi phí tài chính khi Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế. Đồng thời, NHNN cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện tốt việc hình thành thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khẩn trương hoàn thành chuyển trung tâm thanh toán trái phiếu về NHNN nhằm hỗ trợ thanh quyết toán, thanh khoản của thị trường ngày một cao hơn.
Sáu là, hệ thống thanh toán của nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển trên nền tảng công nghệ hiện đại. 100% các NHTM đã quản lý giữ liệu tập trung COREbanking, phát triển internet banking; home banking; số lượng máy chấp nhận thẻ (POS) trên toàn quốc có hơn 17 nghìn máy ATM và hơn 227 nghìn POS được lắp đặt; số lượng thẻ phát hành đạt mức hơn 100,5 triệu thẻ… Nhờ đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt đã được giảm dần, đến nay còn khoảng hơn 10% trên tổng phương tiện thanh toán.
Bảy là, ngành ngân hàng đã làm tốt hoạt động đối ngoại được Đảng và Nhà nước giao tại các tổ chính tài chính quốc tế. NHNN đã không ngừng củng cố quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như WB, IMF, ADB; tìm kiếm, mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng nhằm tăng cường huy động hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam. NHNN cũng chủ động tham mưu cho Chính phủ trong ký kết Nghị định thư với các nước, các cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng khi gia nhập WTO, tham gia các Hiệp định AFTA, gần đây nhất là TPP.
Tám là, chủ động tham mưu về chính sách cho Chính phủ và chỉ đạo hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong hoạt động cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo trong cả nước. Đến cuối năm 2015, tổng dư nợ cho vay đạt gần 143 nghìn tỷ đồng; gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ; dư nợ bình quân hơn 20 triệu đồng/đối tượng vay vốn.
Chín là, ngành ngân hàng đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực. Thống kê trong 5 năm qua (2011-2015), toàn ngành ngân hàng đã đóng góp hơn 10 nghìn tỷ đồng cho hoạt động này.
Có thể nói, những thành tựu của ngành ngân hàng đạt được trong 65 năm qua là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội và Chính phủ; là công sức, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phấn đấu vượt qua bao gian nan, thử thách, kể cả những hy sinh về tính mạng và tuổi thanh xuân của các đồng chí lão thành cách mạng và nhiều thế hệ cán bộ đi trước; sự phối hợp, hỗ trợ, đóng góp của các cấp, các ngành, của toàn xã hội và bạn bè quốc tế.
Ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của ngành ngân hàng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành ngân hàng Huân chương Sao vàng năm 2006, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 1996, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai năm 2011; ba đơn vị (B29, N2683, C32) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; nhiều đơn vị trong ngành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm đơn vị, hàng nghìn cán bộ ngân hàng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý khác. Ghi nhận và khẳng định những thành tựu của ngành ngân hàng trong giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ ba cho ngành ngân hàng nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam.
( trich baohiemtiengui)