Thị trường thanh toán cạnh tranh khốc liệt

Thị trường thanh toán cạnh tranh khốc liệt

Hiện nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng giao dịch thanh toán trên Internet  hiện đã vào khoảng hơn 100 triệu giao dịch mỗi quý; trên điện thoại di động lên đến trên 200 triệu giao dịch/quý.

NHNN vừa cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho Công ty cổ phần 9PAY. Theo giấy phép của NHNN, 9PAY được cung ứng dịch vụ TGTT sau: Dịch vụ cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ ví điện tử. Giấy phép này có thời hạn là 10 năm kể từ tháng 8/2020.

Tháng 7/2020, NHNN cũng đã cấp giấy phép cho một loạt đơn vị không phải là ngân hàng được hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT: Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT TELECOM); Công ty cổ phần AIRPAY (AIRPAY); Công ty TNHH CONNEXION Việt Nam (CONNEXION); Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Tài chính số 1 (1FINTECH)… Như vậy, chỉ riêng từ từ đầu năm đến nay NHNN đã cấp phép cho 9 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT, nâng tổng số đơn vị không phải là ngân hàng tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT lên đến 37. Đây là con số kỷ lục kể từ khi NHNN bắt đầu cấp phép cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này năm 2015. Điều đó cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn là mảnh đất giàu tiềm năng, thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Từ năm 2008, khi thị trường bắt đầu xuất hiện các công ty công nghệ tài chính (Fintech), NHNN đã thí điểm cấp phép cho một số đơn vị tham gia TTKDTM dưới hình thức dịch vụ TGTT. Song mãi đến năm 2012, khi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM của Chính phủ ban hành mới có những quy định cụ thể về điều kiện cung ứng dịch vụ TGTT. Theo đó, một tổ chức muốn cung ứng dịch vụ TGTT phải được NHNN cấp phép và phải đáp ứng các điều kiện như vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng, các điều kiện khác về nhân sự, kỹ thuật, nghiệp vụ… Đến cuối năm 2015, NHNN bắt đầu cấp giấy phép hoạt động chính thức đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT. Nhưng TTKDTM mới thực sự bùng nổ vài năm gần đây, khi có sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty Fintech.

Hiện nay, có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Số lượng giao dịch thanh toán trên Internet  hiện đã vào khoảng hơn 100 triệu giao dịch mỗi quý; trên điện thoại di động lên đến trên 200 triệu giao dịch/quý. Trong số 37 tổ chức không phải là ngân hàng tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT, không phải đơn vị nào cũng có khả năng cho ra mắt thương hiệu ví điện tử của riêng mình. Song thực tế vài năm trở lại đây, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, cho thấy họ đang dần áp đảo trong cung ứng TTKDTM. Bởi, từ các ví điện tử khách hàng không chỉ thanh toán dịch vụ điện thoại, hóa đơn điện, nước mà có thể thanh toán hóa đơn dịch vụ ăn uống, giải trí khác. Đây chỉ là các món nhỏ lẻ nhưng lại áp đảo về số lượng giao dịch so với ngân hàng. Chưa kể, các công ty Fintech còn có thể tham gia làm trung gian thanh toán cả các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng…

Chính vì thế, sau một thời gian “dò xét” lẫn nhau, ngân hàng và các Fintech đã lựa chọn liên kết để cùng win – win. Hiện trên thị trường có hơn 20 ví điện tử nhưng mỗi ví lại liên kết với nhiều ngân hàng khiến việc thanh toán của khách hàng dù là món nhỏ vài ngàn đồng đến vài chục triệu đồng đều rất thuận tiện. Theo quy định tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN ban hành ngày 22/11/2019, tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (bao gồm giao dịch thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và giao dịch chuyển tiền từ ví điện tử cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử mở) tối đa là 100 triệu đồng/tháng.

Sự phát triển của các phương thức TTKDTM nói chung và của các đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT nói riêng trước hết là từ nhu cầu tất yếu của người dân, sự hỗ trợ của công nghệ. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, từ định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các TCTD trong phát triển TTKDTM (qua triển khai các Đề án phát triển TTKDTM; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội…) đã tạo nền tảng để TTKDTM phát triển như ngày nay.

Trong tương lai sẽ còn nhiều hình thức TTKDTM mới xuất hiện và chắc chắn sự cạnh tranh trên thị trường thanh toán sẽ thêm khốc liệt. TCTD nào bắt nhịp kịp với xu hướng thay đổi của công nghệ, có định hướng chiến lược phát triển rõ ràng và nắm bắt được sự thay đổi nhu cầu và hành vi người tiêu dùng… sẽ có cơ hội chiến thắng lớn hơn.

Nguồn: Hà An – Thời báo ngân hàng

Share this post