Dịch vụ tài chính – cơ hội tốt cho doanh nghiệp
Dịch vụ tài chính – cơ hội tốt cho doanh nghiệp
Kinh doanh dịch vụ tài chính (Fintech) là xu hướng đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Việt Nam được đánh giá có khả năng lớn để phát triển ngành này, nhất là những dịch vụ phát triển trên nền tảng di động. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh Fintech. Cơ sở pháp lý và hạ tầng đã sẵn sàng
Fintech được lựa chọn là chủ đề trao đổi chính khi Thủ tướng Anh David Cameron thăm Việt Nam trong tháng 7.2015. Bởi Vương quốc Anh hiện có 1,1 triệu người đang làm việc trong ngành này, đóng góp 2,4 tỷ bảng Anh vào GDP của đất nước. Ngành kinh doanh dịch vụ tài chính đang tăng trưởng với tốc độ cao, giá trị doanh thu 20 tỷ bảng Anh/năm. Vương quốc Anh cũng là quốc gia đi đầu về phát triển công nghệ tài chính, với London là trung tâm công nghệ Fintech hàng đầu của thế giới.
Một nhân tố khác để Fintech được chọn là chủ đề chính cuộc trao đổi là điều kiện phát triển tại nước ta. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng cho biết, những điều kiện về cơ sở hạ tầng, sản phẩm dịch vụ và khuôn khổ pháp lý cho Fintech ở Việt Nam đã và đang được hình thành. Trong đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đã được Chính phủ quan tâm thực hiện, nhằm xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ, và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Số thuê bao di động và số người dùng internet, mạng xã hội có sự tăng trưởng ấn tượng. Các cơ sở dữ liệu về nhân khẩu quốc gia, doanh nghiệp, đất đai… đang được hình thành.
Đối với hạ tầng thị trường tài chính, Phó thống đốc Nguyễn Toàn Thắng nêu rõ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các định chế tài chính ở Việt Nam quan tâm đầu tư khá mạnh cho hệ thống công nghệ thông tin. Hiện nay, 90% ngân hàng thương mại đã hình thành hệ thống corebanking, mạng lưới ATM, ABS và không ngừng mở rộng mạng lưới thanh toán của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phát triển và vận hành hiệu quả hệ thống thanh toán liên ngân hàng (ATBS); đang chỉ đạo hình thành trung tâm thanh toán bù trừ tự động để tạo ra nền tảng tập trung, thống nhất cho thanh toán bán lẻ. Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ cũng đã quan tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng – là điều kiện tốt để phát triển ứng dụng Fintech ở Việt Nam.
Mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp
Trên nền tảng công nghệ sẵn có và kết hợp với các công nghệ mới, thị trường nước ta đã xuất hiện một số sản phẩm Fintech, dù còn sơ khai, nhưng có thể thấy, kinh doanh dịch vụ tài chính cần phát triển ở nước ta không chỉ để phù hợp với xu thế chung trên thế giới, mà vì sẽ đem đến nhiều tiện tích, cũng như lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.
Điều này có thể thấy rõ khi phân tích dịch vụ thanh toán xuyên biên giới do mạng lưới thanh toán Earthport của Anh cung cấp. Hiện nay, nếu người dân muốn thanh toán một khoản tiền cho người nhận ở nước ngoài, thì ngân hàng trong nước sẽ tính phí dựa trên số tiền chuyển. Ngân hàng của người nhận ở nước ngoài cũng sẽ tính phí khoản tiền chuyển đến. Mặt khác, nếu sử dụng USD để thanh toán tại quốc gia sử dụng đồng Euro cũng sẽ bị tính thêm phí rủi ro chênh lệch tỷ giá. Như vậy, số tiền chuyển ban đầu khó đủ để giải ngân cho khoản chi tại nơi nhận, vì bịrơi rụngdọc đường cho các loại phí giao dịch.
Tuy nhiên, mạng lưới thanh toán Earthport thay đổi mô hình thanh toán truyền thống này để mang lại quyền lợi cao hơn cho khách hàng. Sử dụng dịch vụ thanh toán mới sẽ giúp khoản tiền người dân chuyển ban đầu có thể khả đoán, tiên liệu được, bảo đảm người nhận ở nước ngoài nhận được đúng số tiền ban đầu, không bị trả thêm các khoản phí không biết trước. Các doanh nghiệp cũng sẽ được nhận lợi ích tương tự khi sử dụng mạng lưới thanh toán của Earthport – Giám đốc quan hệ ngân hàng châu Á -Thái Bình Dương Earthport Rohit Bammi nhấn mạnh.
Bên cạnh mạng lưới thanh toán Earthport, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Fintech có uy tín tại Anh cũng vừa đến nước ta để làm việc, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các định chế tài chính và doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước. Các dịch vụ góp vốn từ cộng đồng (crowdfunding) cho lĩnh vực bất động sản được Quỹ đầu tư Byoot cung cấp; phần mềm kiểm soát hệ thống ATM do Công ty phần mềm KAL cung cấp; dịch vụ thanh toán bán lẻ của Tập đoàn Paypoint… cũng thu hút sự quan tâm của ngân hàng, doanh nghiệp trong nước tham dự buổi giới thiệu.
Những loại hình Fintech được doanh nghiệp Vương quốc Anh giới thiệu đã cho thấy sự không giới hạn của công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính. Các tiện ích từ Fintech được đưa vào sử dụng chắc chắn sẽ khuyến khích thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt ở nước ta – là chủ trương được Chính phủ quan tâm thực hiện hiện nay. Hơn nữa, với một quốc gia có lợi thế đặc biệt để phát triển công nghệ thông tin như Việt Nam, thì việc tiếp cận, sử dụng và phát triển những ứng dụng Fintech là lựa chọn đúng đắn. Và nói như Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Toàn Thắng, phát triển Fintech có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nước ta khi chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất kinh doanh và các dịch vụ phục vụ cho xã hội.
( trích taichinh)